Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Tọa đàm ra mắt bản phỏng dịch “Nhật ký trong tù” của nhà thơ Quách Tấn

Thứ Năm 18/05/2023 | 19:40 GMT+7

VHO - Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2023) và 80 năm ngày Bác Hồ viết tác phẩm Ngục trung nhật ký (1943 – 2023), ngày 18.5, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức buổi tọa đàm ra mắt sách Nhật ký trong tù bản phỏng dịch của nhà thơ Quách Tấn.

Nhật ký trong tù, bản phỏng dịch của nhà thơ Quách Tấn.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả là nhà sử học, nhà nghiên cứu Hán học đã chia sẻ với bạn đọc về sự ra đời của tác phẩm Nhật ký trong tù, những bản dịch tập thơ này và nhiều câu chuyện xúc động về nguyên do thi sĩ Quách Tấn dịch Nhật ký trong tù, về “hành trình” để bản dịch đến với độc giả hôm nay.

Tác phẩm Nhật ký trong tù là tập thơ gồm 133 bài, viết bằng chữ Hán, ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Tháng 8.1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên Hồ Chí Minh với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam sang Trung Quốc công tác. Khi đến Túc Vinh, Quảng Tây, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ. Trong những tháng ngày đó (tháng 8.1942 đến tháng 9.1943), Người đã sáng tác tập thơ Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù).

Mỗi bài thơ trong tập Nhật ký là tiếng lòng của tác giả, khắc họa sâu sắc tâm hồn, những suy nghĩ, tình cảm của Bác trong thời gian bị giam cầm nơi đất khách. Đó là lòng yêu nước thiết tha, luôn đau đáu hướng về Tổ quốc, mong được trở về hòa mình vào cuộc chiến đấu của đồng chí, đồng bào. Mặc dù chịu bao khổ cực, áp bức nhưng Người luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm đến mọi người, đặc biệt là những bạn tù xung quanh.

Toàn bộ tập Nhật ký toát lên tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin vào ngày mai tươi sáng, ý chí kiên cường, bền bỉ, lòng quyết tâm sắt đá của Người. Bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản, sức mạnh tinh thần lớn lao đã đưa Người vượt qua đày ải, ngục tù, đến với ngày tự do, trở về Tổ quốc thân yêu, lãnh đạo toàn dân giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Dưới hình thức những bài thơ ngắn gọn, giản dị, tập thơ đã làm nổi bật phẩm chất đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, tiêu biểu cho khí phách, tâm hồn Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu Hán học, PGS.TS Lê Văn Toan nhận xét, bản phỏng dịch của nhà thơ Quách Tấn do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành là một trong những bản dịch đặc biệt bên cạnh bản dịch quen thuộc của Nam Trân và các bậc túc nho khác. Những trang thơ được dịch và thể hiện theo lối mới lạ, độc đáo trong ấn bản lần này cho độc giả hiểu và trân trọng tài năng dịch thuật, đặc biệt là về tình cảm của thi sĩ Quách Tấn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các diễn giả chia sẻ về cuốn sách Nhật ký trong tù, bản phỏng dịch của nhà thơ Quách Tấn

Một trong những điểm đặc biệt của bản dịch này theo PGS.TS Lê Văn Toan là việc nhà thơ Quách Tấn đã phá cách, chuyển một số bài của Nhật ký trong tù sang những thể thơ truyền thống khác của Việt Nam như thể thơ lục bát. Chính vì thế, ông đã khiêm tốn đề là “phỏng dịch”. “Có lẽ Quách Tấn khiêm tốn vì biết ở Việt Nam có nhiều người am hiểu chữ Hán và đã dịch thành công Nhật ký trong tù của Bác Hồ. Hơn nữa, việc để “phỏng dịch” sẽ cho phép người dịch được tung tẩy dịch theo cảm xúc của mình và dịch phần lớn các bài thơ theo thể lục bát chính - một sáng tạo của Quách Tấn”, PGS.TS Lê Văn Toan lý giải.

Nhà sử học Dương Trung Quốc kể lại quá trình ông được gặp nhà thơ Quách Tấn năm 1978, trong chuyến sưu tầm tài liệu, sách báo cũ tại Nha Trang, Khánh Hòa. Ông nhớ nhất là khi cụ Quách Tấn cho xem một tập sách bọc bìa bằng gấm, đó là những bài thơ viết bằng chữ Hán xen kẽ với lời dịch quốc ngữ.

Ông cho biết thêm: “Năm 1992, nghe tin cụ Quách Tấn qua đời, tôi có viết một bài báo nhắc lại kỷ niệm buồn về cụ. Nhờ thế vài năm sau có dịp vào Nha Trang đến lại ngôi nhà ở Chợ Đầm, tôi được ông Quách Giao, con của cụ Quách Tấn, cảm những điều tôi viết về cha mình nên tặng tôi một bản sao cuốn sách chép tập thơ Ngục trung nhật ký và những bản dịch của Quách Tấn. Đến lúc đó tôi mới thực sự được đọc những bản dịch của cụ”.

Tuy nhiên, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, điều khó khăn nhất với ông là thuyết phục gia đình dịch giả, nhà thơ Quách Tấn để xuất bản bản dịch Nhật ký trong tù, bởi sinh thời trong lần gặp gỡ, nhà thơ dặn ông “chỉ xem và không được lan truyền ra ngoài”. “Tôi đã bàn bạc, thuyết phục nhà văn Quách Giao là con trai của cụ Quách Tấn, bởi tôi nhìn thấy giá trị rất lớn của bản dịch này. Thế hệ trẻ cần thấu hiểu văn chương của Bác Hồ và đọc bản dịch này chính là cách để nhìn nhận rõ hơn về văn chương của Người”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả nhận định, giá trị lịch sử của tác phẩm gắn với thời kỳ đất nước đấu tranh giành độc lập dân tộc, gắn với con người lịch sử Hồ Chí Minh. Bản phỏng dịch của nhà thơ Quách Tấn khiến chúng ta học thêm nhiều điều, về vẻ đẹp của chữ Hán lâu nay vẫn được ví như bông hoa duyên dáng trong dòng văn học Á Đông.

THANH NGỌC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top