Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Triển lãm nghệ thuật Gốm tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ: Gửi tình yêu vào đất

Thứ Sáu 19/05/2023 | 10:26 GMT+7

VHO- Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (TP.HCM) vừa mở cửa đón khách đến tham quan và thưởng lãm chuyên đề Tiếng nói của đất. Sự kiện nhằm giới thiệu đến công chúng một không gian văn hóa đặc trưng của nghệ thuật làm gốm truyền thống, một trong những ngành nghề thủ công phát triển lâu đời ở nước ta.

 Công chúng tham quan triển lãm “Tiếng nói của đất”

Tôn vinh và bảo tồn nghề truyền thống

Từ xưa đến nay, các sản phẩm gốm luôn là hàng hóa thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày của người dân phương Nam. Nhiều địa phương sản xuất đồ gốm gia dụng vẫn còn bảo lưu những giá trị mang tính truyền thống, gắn liền với tên tuổi của từng địa phương như: Gốm Gò Sành nổi tiếng của người Việt (Bình Định); gốm Bàu Trúc của người Chăm (Ninh Thuận); Tây Nguyên có gốm Krông-gọ của người Chu Ru (Đơn Dương, Lâm Đồng); Đông Nam Bộ có gốm của người Việt, người Hoa ở Tân Vạn, Biên Hòa (Đồng Nai) và Lái Thiêu (Bình Dương); Tây Nam Bộ có gốm của người Khmer ở Hòn Đất (Kiên Giang) và ở Tri Tôn (An Giang). Đây là những nơi tạo ra sản phẩm và cũng bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật được truyền từ đời này sang đời khác với những sản phẩm có bản sắc riêng, tiêu biểu và độc đáo.

Theo đại diện Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, có gần 200 hiện vật được trưng bày tại triển lãm Tiếng nói của đất, trong đó nhiều sản phẩm gốm có giá trị niên đại lịch sử lâu đời. Đến với triển lãm, công chúng không chỉ được chiêm ngưỡng những sản phẩm độc đáo làm từ gốm mà còn được tìm hiểu về quá trình làm ra sản phẩm, đặc biệt là những hiện vật có giá trị lịch sử thu hút đông đảo khách tham quan. Có thể kể đến: Bình đựng nước gốm Lái Thiêu thế kỷ XX; tô chiết yêu sản xuất khoảng những năm 1930-1940, lòng trong ghi 6 chữ “Lai ngọc thành / Phước đức tụng” do nhà sưu tập Lê Nhân Kiệt tặng Bảo tàng; thố đựng cơm của tiệm cơm “Chuyên Ký” đường Tôn Thất Đạm (quận 1), được nhà sưu tầm Đỗ Tam Quốc tặng lại Bảo tàng… cùng với đó là những sản phẩm nồi, lu, hũ, khạp, đèn, tô, chén, muỗng, đĩa, khay trà, lư hương, bình trà, bình cắm hoa… gắn liền với đời sống người dân của từng vùng miền.

Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, bà Nguyễn Thị Thắm cho biết, đơn vị không giới thiệu chuyên sâu lịch sử gốm như thế nào, mà mong muốn giới thiệu ở những góc độ khác. “Chúng tôi nêu cao vai trò của phụ nữ với làng nghề gốm truyền thống, đồng thời tôn vinh họ với óc sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú và đôi tay khéo léo đã gửi gắm tâm huyết, tình cảm của mình nhằm đem đến cho đời những sản phẩm gốm độc đáo, đáp ứng được nhu cầu vật chất lẫn tinh thần cho công chúng. Đồng thời, mong muốn làm sống lại các chặng đường phát triển của các làng nghề gốm Nam Bộ”, Giám đốc bảo tàng cho biết.

Đến với triển lãm gốm, Thiếu tá Trần Thị Bình (Trường Sĩ quan Kỹ thuật Quân sự) xúc động bày tỏ: “Khi chiêm ngưỡng những sản phẩm trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, tôi như ngược thời gian trở về quá khứ, được về với quê hương, hồn Việt qua những sản phẩm gốm tinh xảo. Tôi hiểu hơn về nguồn gốc của gốm, cách bà con mình làm ra chúng như thế nào?”…

 Những sản phẩm của làng gốm Lái Thiêu bề dày hơn 160 năm tuổi

Thổi hồn vào đất

Có thể thấy, trong sự phát triển của nghệ thuật gốm, vai trò của người phụ nữ là rất lớn. Đối với các mẹ, các chị, đó không chỉ là công việc để mưu sinh mà còn là sự kế thừa đầy trách nhiệm, tâm huyết đối với nghề truyền thống. Ở miền Nam, các thế hệ phụ nữ đã lưu truyền và gìn giữ nghệ thuật làm gốm rất đậm nét. Mỗi làng nghề là một địa chỉ văn hóa mang nét độc đáo riêng biệt của từng địa phương và phản ánh hình ảnh chân thực về người phụ nữ chân chất, mộc mạc khi tham gia lao động sản xuất. Với triển lãm lần này, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sẽ giới thiệu đến công chúng 3 làng gốm nổi bật là: Gốm Lái Thiêu - Bình Dương, gốm Bàu Trúc - Ninh Thuận và gốm Khmer Tri Tôn - An Giang.

Theo đó, ở làng gốm Bàu trúc của người Chăm, tất cả phụ nữ đều biết làm gốm. Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách thức sản xuất thô sơ từ ngàn xưa. Trải qua bao thế hệ “mẹ truyền con nối”, nghệ thuật gốm vẫn là một trong những nghề chính của người Chăm làng Bàu Trúc. Những người thợ gốm Bàu Trúc với đôi tay tài hoa đã khéo léo gửi “tâm hồn mình” vào trong từng thớ đất, từng nét hoa văn trên sản phẩm đều mang đậm bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Chăm Ninh Thuận.

Gốm Khmer Tri Tôn - An Giang lại mang truyền tải chất dân dã, bình dị và là hiện thân cho nền văn hóa Khmer. Phụ nữ là những người nắm giữ các kỹ thuật làm gốm, chính vì thế nghề chủ yếu là do bà mẹ truyền dạy. Về kiểu dáng sản phẩm, gốm Khmer được làm thủ công, thô sơ, đơn giản, không cầu kỳ về hoa văn, kiểu cách. Loại hình chủ đạo là hình cầu, dáng thấp, miệng loe xiên, vành miệng trung bình, bụng phình to, tròn, đáy lồi; đặc biệt, “cà ràng” và “cà om” là mặt hàng mang đậm nét truyền thống của đồng bào Khmer.

Gốm Lái Thiêu hình thành vào năm 1860, trải qua hơn 160 năm phát triển, sản phẩm gốm nơi đây đã nổi tiếng khắp nơi và trở thành một trong những trung tâm gốm sứ sầm uất vùng Nam Bộ. Sự đa dạng về chủng loại, phong phú về hình dáng, bố cục nội dung trang trí, gốm Lái Thiêu mang đậm chất hội họa lẫn dân gian, tạo nên đặc thù của dòng gốm thôn quê. Trải qua bao biến cố thăng trầm, đến nay nghề gốm Lái Thiêu vẫn giữ được nét đẹp truyền thống và sắc thái riêng của mình.

Sản phẩm gốm yêu cầu tính sáng tạo nghệ thuật rất cao, bằng đôi tay khéo léo và tài hoa, những người phụ nữ đã góp phần cho ra đời các sản phẩm đồ gốm mỹ nghệ, không chỉ đẹp mà còn rất bền chắc, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Dù còn nhiều vất vả, khó khăn, nhưng những người phụ nữ nơi đây vẫn yêu cái nghề lấm lem bùn đất này và nguyện gắn bó, gìn giữ, “truyền lửa” để thế hệ sau kế tiếp, phát triển những tinh hoa của nghề gốm truyền thống. 

HỒNG HẠNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top