Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT: Những tác phẩm sống mãi trong trái tim tổ quốc

Thứ Sáu 19/05/2023 | 10:30 GMT+7

VHO-  Hôm nay 19.5, Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT sẽ được trang trọng tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, truyền hình trực tiếp trên VTV1. Những Giải thưởng cao quý được Đảng, Nhà nước trao tặng, truy tặng cho 128 tác giả, đồng tác giả vào đúng ngày kỷ niệm 133 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Chương trình nghệ thuật tại buổi tổng duyệt Lễ trao giải

Với các tác giả, đại diện gia đình tác giả, đây là dấu ấn không thể nào quên. Bởi Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT là sự ghi nhận danh giá nhất dành cho những cuộc đời, những tác phẩm sống mãi trong trái tim Tổ quốc.

Những khoảnh khắc, giai điệu còn vang mãi

Nhạc sĩ Hồng Đăng (Phan Hồng Đăng) là một trong 8 tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lần này, với chùm ca khúc: Lênh đênh, Đêm hành hương về huyền thoại, Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ, Khao khát Gửi một câu hát cho Tokyo. Nhưng thời gian đã không cho phép ông ở lại để kịp đón nhận Giải thưởng danh giá nhất dành cho cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của mình.

“Khi còn sống, chồng tôi đón nhận tin mình sẽ được Đảng, Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, ông ấy vui lắm. Cả cuộc đời ông gắn bó với âm nhạc, nghệ thuật, có những ca khúc sống trong lòng khán giả, nay được ghi nhận bằng một Giải thưởng danh giá như vậy, gia đình tôi rất vui mừng, hãnh diện và tự hào. Tôi sẽ thay chồng tôi đón nhận niềm vinh dự ấy”, bà Lê Anh Thúy, người bạn đời của nhạc sĩ Hồng Đăng xúc động. Cũng chính bà Thúy là người đã chuẩn bị hồ sơ xét tặng Giải thưởng cho chồng mình. “Ông ấy vốn rất ngại với những việc làm giấy tờ, hồ sơ. Bao năm qua đều không làm. Nhưng tôi nghĩ mình cứ làm và nộp hồ sơ. Khi biết tin được Giải thưởng Hồ Chí Minh thì ông ấy dù yếu rồi nhưng tinh thần vẫn minh mẫn. Ông ấy đã rất vui…”, bà Thúy kể lại.

 Ông ấy không có điều kiện để dàn dựng, phổ biến, tập cho ca sĩ. Nên có tác phẩm cứ phải cả chục năm mới có chỗ đứng trong nền âm nhạc. Những ca khúc đã đến với công chúng chưa phải là tất cả những bài hát hay của ông ấy. Và những bài được cho là hay nhất thì chưa chắc là những bài hay nhất của ông ấy.

(Bà LÊ ANH THÚY, vợ cố nhạc sĩ Hồng Đăng)

Là người đồng hành với nhạc sĩ Hồng Đăng trong cuộc đời và cả những tác phẩm của ông, với bà Thúy, mỗi tác phẩm ra đời đều là những “đứa con tinh thần” mà nhạc sĩ Hồng Đăng nâng niu, chiều chuộng. Chia sẻ về các ca khúc được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh của ông, bà Lê Anh Thúy cho biết, 5 ca khúc là 5 đề tài. “Đêm hành hương về huyền thoại viết cho Đất Tổ Hùng Vương. Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ viết về một gia đình công nhân than ở Hạ Long, có một cô con gái nhỏ; bài hát có cái duyên dáng, đằm thắm, tình cảm chân thành của một gia đình. Khao khát lại là ca khúc về tình mẹ con, một bài hát rất hay, có những cao trào nhưng đáng buồn là chưa được dàn dựng. Gửi một câu hát cho Tokyo là một ca khúc về Nhật Bản. Còn Lênh đênh là ca khúc về nghệ sĩ, trong đêm nhạc của ông ấy do VTC tổ chức, đầu tiên ca sĩ Thanh Lam chỉ hát bài Hoa sữa, nhưng khi thấy bài Lênh đênh Thanh Lam đã hát, rất hay...”, vợ nhạc sĩ xúc động chia sẻ.

Trong trái tim và niềm nhớ của một người vợ, bà Thúy luôn thấy chồng mình thuần túy là người sáng tác, làm việc. Ông sáng tác bài hát nào cũng thích, đứa con nào cũng yêu, nhưng ông vẫn nói, cơ duyên để các ca khúc đó đến với công chúng còn có rất nhiều yếu tố. “Ông ấy không có điều kiện để dàn dựng, phổ biến, tập cho ca sĩ. Nên có tác phẩm cứ phải cả chục năm mới có chỗ đứng trong nền âm nhạc. Những ca khúc đã đến với công chúng chưa phải là tất cả những bài hát hay của ông ấy. Và những bài được cho là hay nhất thì chưa chắc là những bài hay nhất của ông ấy. Sinh thời nhạc sĩ vẫn nói, bản nhạc trên giấy mới chỉ là một nửa. Nó chỉ thực sự sống khi nó được dàn dựng, được biểu diễn…”, vợ nhạc sĩ Hồng Đăng cho biết.

NSNA Chu Chí Thành cũng là một trong 8 tác giả được vinh dự đón nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này. Với ông, những kỷ niệm về bộ ảnh “Hai người lính”, gồm 4 ảnh: Tay bắt mặt mừng, Hai người lính, Cầu Quảng Trị, Những bàn tay lưu luyến, vẫn nóng hổi như mới ngày hôm qua. “Khi hay tin Hiệp định Paris được ký kết, TTXVN cử tôi là phóng viên ảnh cùng phóng viên viết vào Quảng Trị làm nhiệm vụ phản ánh tình hình thực tế. Cuối tháng 2, đầu tháng 3.1973, tôi đến chốt Long Quang (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Đây là chốt trước những ngày đình chiến đã đánh nhau rất dữ dội. Tôi muốn thăm hỏi anh em bộ đội bên này về tình hình thực hiện Hiệp định Paris ra sao, có chuyện gây hấn, đánh nhau hay không thì được biết, việc thực hiện Hiệp định diễn ra rất nghiêm chỉnh…”, ông Thành nhớ lại.

 Khi chụp xong bức ảnh đó, tôi cảm thấy họ không phải là những người thù địch. Hình ảnh hai người lính vô tư khoác vai nhau chính là biểu tượng cho mong muốn hòa bình. Và ngày Bắc Nam sum họp một nhà đã gần lắm rồi, chiến tranh sắp kết thúc, sẽ không còn những hy sinh bằng máu và nước mắt của cả dân tộc nữa.

(NSNA CHU CHÍ THÀNH)

“Khi thấy những người lính Sài Gòn bắt tay vui vẻ với những cô du kích của ta, lúc đó tôi vui quá, bấm chụp liên tục hai bức ảnh. Một bức ảnh được tôi đặt tên là Tay bắt mặt mừng, là hình ảnh một số lính thủy quân lục chiến phía chính quyền cũ nói chuyện, bắt tay với một nữ dân quân. Khi tôi chụp xong bức ảnh đó, người lính cộng hòa bất ngờ gọi bảo tôi: “Anh nhà báo ơi, chụp cho em một bức ảnh kỷ niệm với anh lính giải phóng”. Tôi từ ngạc nhiên tới rất vui liền chụp ngay lập tức. Khi chụp xong bức ảnh đó, tôi cảm thấy họ không phải là những người thù địch. Hình ảnh hai người lính vô tư khoác vai nhau chính là biểu tượng cho mong muốn hòa bình. Và ngày Bắc Nam sum họp một nhà đã gần lắm rồi, chiến tranh sắp kết thúc, sẽ không còn những hy sinh bằng máu và nước mắt của cả dân tộc nữa”, những dòng hồi ức tràn về.

NSNA Chu Chí Thành cho biết thêm: “Tôi chụp những bức ảnh đó vừa là tài liệu, cũng là để kỷ niệm. Tôi thấy đây là hiện thực hiếm, khó có thể bắt gặp lần thứ hai trong đời…”. Và những khoảnh khắc mang nhiều ý nghĩa đó đã được NSNA Chu Chí Thành sau nhiều năm quyết định làm hồ sơ Giải thưởng Hồ Chí Minh. Thông qua tác phẩm của mình, nghệ sĩ muốn nêu bật tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy là giải phóng dân tộc. “Sau nhiều năm tháng, những bức ảnh ngày ấy đã được ghi nhận với Giải thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Với tôi, đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến”.

Nghệ thuật phải sống trong trái tim công chúng

PGS.TS.NSND Ứng Duy Thịnh được giới biểu diễn nghệ thuật nước nhà biết đến với những tác phẩm đóng góp cho sự phát triển nền nghệ thuật múa Việt Nam như: Con đường ra chiến dịch, Đất nước trọn niềm vui, Thư nhà, Pho tượng cổ, Ngọn lửa, Đất nước

Ông rất xúc động khi là một trong 16 tác giả, đồng tác giả được trao tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này, với các tác phẩm: Kịch múa Đất nước, Ngọn lửa và cuốn sách Con đường dân gian đến sáng tạo múa chuyên nghiệp. Trong đó, tác phẩm để lại nhiều kỷ niệm đẹp đối với ông là tác phẩm kịch múa Đất nước. Tác phẩm không chỉ mang tính sử thi mà còn giàu chất thơ, mang dáng dấp huyền thoại về con người Việt Nam trong suốt mấy cuộc chiến tranh gian khổ, hy sinh. Tác phẩm nhận được hai giải thưởng lớn: Giải A của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam năm 2006; Giải A Giải VHNT, báo chí đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc phòng năm 2009.

  

Để có được thành quả hôm nay, với tôi, điều đầu tiên xin được cảm ơn lịch sử, cảm ơn hiện thực sống động, bi hùng... giúp tôi có những tư liệu chân thực, oanh liệt của các thế hệ cha anh từng cống hiến, hy sinh, bảo vệ chân lý thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

(NSND ỨNG DUY THỊNH)

NSND Ứng Duy Thịnh tham gia nghệ thuật múa từ năm 1967. Sáng tác nhiều tác phẩm có đề tài, nội dung khác nhau nhưng với ông, ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là những tác phẩm múa sáng tác về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. “Để có được thành quả hôm nay, với tôi, điều đầu tiên xin được cảm ơn lịch sử, cảm ơn hiện thực sống động, bi hùng... giúp tôi có những tư liệu chân thực, oanh liệt của các thế hệ cha anh từng cống hiến, hy sinh, bảo vệ chân lý thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đó là nền tảng cho các nội dung tác phẩm múa của tôi khi miêu tả chiến tranh, miêu tả con người. Có thể nói rằng, LLVT và chiến tranh cách mạng luôn là đề tài vô tận cho các loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật múa. Người lính trong hoàn cảnh nào cũng phát huy phẩm chất cách mạng, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”, NSND Ứng Duy Thịnh chia sẻ.

NSND Duy Thịnh luôn quan niệm đã là nghệ sĩ phải nêu cao trách nhiệm công dân và trách nhiệm với những cảm xúc nghệ thuật, để làm sao nghệ thuật phải sống trong trái tim khán giả. Đó cũng luôn là bài học ông truyền lại cho các thế hệ học trò của mình. “Đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng là chất liệu quý giá cần được phản ánh trong tư duy sáng tạo đương đại và rất cần lớp biên đạo trẻ hôm nay tiếp tục khai thác, sáng tạo nhiều tác phẩm múa, kịch múa, đưa đến công chúng, giúp con người nhận thức lại bản thân, làm cho nhân cách con người đẹp hơn. Với tất cả tình yêu của mình và niềm tin đối với lớp biên đạo trẻ hôm nay, tôi luôn kỳ vọng các em tiếp tục hành trình sáng tạo, tìm kiếm, nhanh chóng bứt phá để xây dựng được các giá trị nghệ thuật mới. Thời điểm lịch sử vô cùng quan trọng và đáng nhớ, là cơ hội và hơn bao giờ hết cần có những tác phẩm nghệ thuật, những vở kịch múa đáng tự hào về hình tượng người lính Cụ Hồ thời đại mới”, NSND Ứng Duy Thịnh nhấn mạnh.

 Viết văn là phải dám dấn thân vào những đề tài gai góc nhất, ít ai dám chạm tới. Có dám nhìn thẳng, nhìn thật, chúng ta mới có được những tác phẩm mang đậm chất đời, đóng góp vào sự phát triển của VHNT nước nhà và góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc…

(Nhà văn NGUYỄN BẮC SƠN)

Với nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, Giải thưởng Nhà nước về VHNT vừa là thành công, vừa là trách nhiệm của mỗi nhà văn. Trong lần trao giải này, ông vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT với tiểu thuyết Lửa đắng. Đây là sự tiếp nối của tiểu thuyết Luật đời và Cha con từng được chuyển thể thành bộ phim truyền hình 26 tập mang tên Luật đời, rất được khán giả yêu thích.

“Trong Lửa đắng, tôi vẫn tiếp tục kể chuyện về những nhân vật trong Luật đời, nhưng có thêm hơn 50 nhân vật mới, đề cập đến các vấn đề về chuyển đổi cơ chế quản lý và lãnh đạo một cách tập trung và quyết liệt hơn. Có thể nói, Lửa đắng là cuốn tiểu thuyết viết về ngày hôm nay, ở ngay dòng chảy chính của hiện thực. Tác phẩm hướng tới miêu tả cuộc đấu tranh nhằm giải quyết xung đột giữa cái cũ và cái mới, cụ thể là cuộc đấu tranh để đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm trong quản lý và lãnh đạo…”, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn cho biết. Ông kể, cũng chính vì dám chạm đến những vấn đề gai góc nhất, Lửa đắng bị 8 NXB từ chối. “Viết tác phẩm, tôi cần 1 năm nhưng phải mất gần 2 năm, tôi mới nhận được cái gật đầu của NXB Lao động. Tôi viết tiểu thuyết khi đã về hưu. Nhưng cũng chính ở cái tuổi đó, tôi mới ở “độ chín” để có những suy tư sâu lắng về thực tại. Sở dĩ, tôi dám đưa những vấn đề tưởng chừng như nhạy cảm nhất vào tác phẩm của mình vì tôi quan niệm viết văn không phải để “vuốt ve” ai đó hay nuông chiều sở thích của bản thân. Viết văn là phải dám dấn thân vào những đề tài gai góc nhất, ít ai dám chạm tới. Có dám nhìn thẳng, nhìn thật, chúng ta mới có được những tác phẩm mang đậm chất đời, đóng góp vào sự phát triển của VHNT nước nhà và góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc…”, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn bộc bạch.

Vinh dự đón nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT, với nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, Giải thưởng là vinh dự nhưng cao hơn là trách nhiệm, động lực để thôi thúc ông tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng nền VHNT xứng đáng với tầm vóc của dân tộc, thời đại. “Một nhà văn muốn thành công trên văn đàn thì phải luôn trăn trở, đau đáu về vận mệnh dân tộc; phải dốc vốn liếng về vốn sống tích lũy được vào từng câu chữ. Với tôi chỉ khi tích lũy được vốn sống, ngòi bút của nhà văn mới mang đậm hơi thở cuộc sống. Tôi cũng mong muốn những nhà văn trẻ, lứa kế cận chúng tôi hãy hòa mình với hiện thực; đừng ngồi một chỗ viết văn. Làm như vậy, các cây viết trẻ sẽ chỉ cho ra đời những tác phẩm không có giá trị, không đóng góp được gì cho nền VHNT và dân tộc. Thành công chỉ đến với những ai dám lăn xả, hết lòng vì sự phát triển của VHNT nước nhà…”, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn tâm sự. 

 Phim tài liệu tôn vinh các tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước

Phim phóng sự “Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” chiếu trong khuôn khổ lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT đã được Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương nỗ lực thực hiện trong những ngày qua.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó”. Đồng hành cùng dân tộc, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào văn nghệ sĩ luôn bám sát hiện thực cuộc sống, tìm tòi, sáng tạo xây đắp nền văn nghệ ngày càng lớn mạnh với những tác phẩm có tầm vóc xứng đáng với dân tộc, nhân dân. Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, giữa những ngày kỷ niệm của dân tộc, chúng ta không quên những thế hệ anh hùng, liệt sĩ, trong đó có những văn nghệ sĩ, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa đã có nhiều cống hiến, hy sinh, góp phần đem lại hòa bình và hạnh phúc cho toàn dân tộc. Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, VHNT tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt, tiên phong, xứng đáng là ngọn đuốc nhân văn, dẫn lối, “soi đường cho quốc dân đi”.

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước là những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ghi nhận những tác phẩm VHNT xuất sắc nhất của những tác giả tiêu biểu trong đội ngũ văn nghệ sĩ. Những thước phim một lần nữa tôn vinh những đóng góp của văn nghệ sĩ cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong thời kỳ đổi mới. Các tác giả có tác phẩm, công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, bằng tài năng sáng tạo đặc biệt và sức lao động bền bỉ đã sáng tạo nên các tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình có giá trị đặc biệt về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền VHNT nước nhà.

Bộ phim cũng đề cao các quan điểm được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

 

 Nhiều văn nghệ sĩ không ngừng đóng góp vào sự nghiệp chấn hưng văn hóa Việt Nam

Trước thềm lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, tại buổi tổng duyệt chương trình vào sáng qua 18.5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, các Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT là những phần thưởng cao quý dành cho những tác phẩm, công trình đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về VHNT, nội dung tư tưởng; là sự ghi nhận và đánh giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với văn nghệ sĩ, trí thức đã có nhiều cống hiến, vì sự phát triển của nền VHNT nước nhà.

Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, qua các lần trao giải, những giải thưởng cao quý này đã tôn vinh hàng trăm tác phẩm, cụm tác phẩm của các tác giả, những tên tuổi đã có nhiều cống hiến. Công tác chuẩn bị cho buổi lễ phải được rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo tính trang trọng. Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, nhìn lại lịch sử đất nước, có thể nói, các tác giả với những tác phẩm, công trình vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT đã đóng góp to lớn cho nền văn hóa Việt Nam, cũng như sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nay là sự phát triển và hội nhập quốc tế.

Xuyên suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiều vần thơ, bài hát, bộ phim, bức tranh hay tác phẩm nhiếp ảnh đã khích lệ cả tiền tuyến và hậu phương chiến đấu và chiến thắng. Ngày nay trong công cuộc phát triển, hội nhập của đất nước, nhiều văn nghệ sĩ vẫn không ngừng sáng tạo các tác phẩm, công trình giá trị; đóng góp vào sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam. 128 tác giả, đồng tác giả được vinh danh tại Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT lần này sẽ viết tiếp khát vọng chinh phục những đỉnh cao hơn nữa. Ngoài dịp vinh danh các tác giả, Thứ trưởng Tạ Quang Đông mong muốn Lễ trao tặng lần này sẽ tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ sáng tác, cống hiến vì Tổ quốc, vì nhân dân.

 

HÀ PHƯƠNG- ĐÌNH TOÁN- NGỌC NHIÊN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top