Lớp học Cầu Vồng: Chắp cánh cho những hoàn cảnh khó khăn

VHO- Không cần đến trang thiết bị hiện đại, các lớp học của dự án Lớp học Cầu Vồng vẫn hằng ngày sáng đèn để mang tri thức tới những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Dự án Lớp học Cầu Vồng được thành lập xuất phát từ tấm lòng yêu thương và hy vọng giúp đỡ những em nhỏ không may mắc bệnh tự kỷ, chậm phát triển và những cảnh đời khó khăn.

Khó khăn…

Lớp học Cầu Vồng là dự án phi lợi nhuận được thành lập bởi Trần Quý Hà, một cựu du học sinh Mỹ. Thời gian còn là du học sinh Mỹ, Quý Hà phải trải qua nhiều khó khăn nơi đất khách quê người. Chính vì vậy khi trở về nước, nhận thức được tầm quan trọng của những con chữ, năm 2016, chị Hà lập nhóm Lớp học Cầu Vồng với mong đưa con chữ tới những hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền đất nước. Sau 7 năm hoạt động, Lớp học Cầu Vồng hiện đang là thành viên của Mạng lưới Tình nguyện quốc gia khu vực miền Bắc, thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Lớp học Cầu Vồng: Chắp cánh cho những hoàn cảnh khó khăn - Anh 1

Lớp học Phúc Xá là một trong những điểm học được thành lập từ những ngày đầu tiên của dự án

Dự án bắt đầu với lớp học tiếng Anh dành cho những người khuyết tật trong CLB Chấn thương cột sống Việt Nam (EVSIC). Các học viên là người khuyết tật được học online theo nhóm, theo khung giờ và mỗi bạn tình nguyện viên sẽ dạy 3 - 4 học viên. Nhận thấy sự hiệu quả của mô hình học này, Quý Hà và các tình nguyện viên liên tiếp mở thêm những lớp học tiếng Anh, Toán, tiếng Việt cho các bé cấp 1 có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình nhất là một số lớp học như lớp Phúc Xá dành cho trẻ em nghèo khu vực chợ Long Biên và xóm phao sông Hồng, hay lớp học hàn gắn kết hợp với dự án "Cắt đứt vòng xoáy - Giáo dục cho trẻ em là con đường thoát nghèo hiệu quả của các gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19" tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác. 

Trong số những lớp học đã đi vào hoạt động, lớp học tại Si Ma Cai tại Lào Cai có lẽ là lớp học đặc biệt nhất. Đây là điểm học xa xôi nhất của dự án dành cho cho trẻ em DTTS không thể đến trường. “ Lớp học Si Ma Cai là điều làm mình tự hào nhất trong quãng thời gian vận hành dự án. Bởi để thành lập một điểm học trên vùng cao không phải điều dễ dàng, khó từ việc tìm tình nguyện viên dạy học tới cơ sở vật chất”, Quý Hà chia sẻ. Không chỉ giúp về việc dạy kiến thức, Trần Quý Hà cùng Lớp học Cầu Vồng còn kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ để các em có thêm lương thực, thực phẩm giúp cuộc sống của các em vơi đi khó khăn.

Lớp học Cầu Vồng: Chắp cánh cho những hoàn cảnh khó khăn - Anh 2

Lớp học Si Ma Cai được thành lập với mong muốn mang con chữ tới những em nhỏ DTTS tại Lào Cai

… nhưng không chùn bước

Là một dự án tình nguyện, không bất ngờ khi cơ sở vật chất của dự án có phần đơn sơ. Tuy nhiên phải thực sự tới thăm và quan sát lớp học của dự án, ta mới cảm nhận được hết những khó khăn, thiếu thốn của dự án này. Ghé qua lớp học Phúc Xá, nơi đây là căn phòng nhỏ khoảng 20m2, kê được chục bộ bàn ghế cho cả tình nguyện và các học trò. Học sinh một lớp không cùng một độ tuổi, người lớn, người nhỏ đủ cả. Song tất cả có chung một hoàn cảnh khó khăn và tinh thần cầu tiến, ham học tập.

Lớp học Cầu Vồng: Chắp cánh cho những hoàn cảnh khó khăn - Anh 3

Không gian lớp học chật hẹp lại nhưng là nơi chắp cánh cho ước mơ của các em nhỏ

Cứ đều đặn chiều chủ nhật hàng tuần, chẳng ai bảo ai, những học sinh của lớp học Phúc Xá lại cùng nhau tới với lớp học. Tại đây, tất cả giáo viên đều là những tình nguyện viên, không được học chuyên ngành sư phạm nhưng họ đều chung một tấm lòng nhiệt thành và mong muốn lan tỏa những điều tốt đẹp tới cộng đồng.

Là tình nguyện viên gắn bó lâu năm với lớp học Phúc Xá, chị Nguyễn Hậu chia sẻ: “Đa số các bạn tình nguyện viên không phải chuyên sư phạm nhưng rất kiên trì. Với tất cả các học sinh, các bạn đều nhẫn nại, cố gắng khơi gợi sự ham học và ham muốn tìm hiểu kiến thức của các em”.

Những lúc xảy ra khó khăn trong việc giảng dạy, những bạn trẻ tình nguyện viên của dự án lại động viên nhau cùng cố gắng. “Có nhiều lúc mình muốn từ bỏ dự án, để tới với những công việc ổn định hơn. Nhưng nhớ tới ánh mắt sáng ngời và khuôn mặt háo hức của bọn trẻ, niềm vui của người lớn khi được tới lớp, mình lại càng thêm cố gắng”, chị Hậu không giấu được sự xúc động.

Khó khăn là vậy nhưng gần 7 năm trên hành trình đem con chữ đến hàng trăm em nhỏ thiệt thòi, Lớp học Cầu Vồng vẫn không ngừng phát triển và ngày càng mở rộng. Có thể thấy, thiện nguyện không chỉ là cho đi mà còn là cách mà bản thân mình học hỏi được rất nhiều điều. Quyết định tham gia và gắn bó với dự án, mỗi tình nguyện viên đều đem theo hành trang là ngọn lửa của tuổi trẻ, nhiệt huyết muốn cho đi và không yêu cầu phải được nhận lại.

NGUYÊN THÙY; ảnh: NVCC

Ý kiến bạn đọc