Hơn 15.000 trẻ em được trang bị kỹ năng tự bảo vệ trước nạn buôn người và tảo hôn

VHO- Trong ba năm vừa qua, Dự án Em vui đã triển khai nhiều hoạt động và nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số, đã có 145.649 nghìn lượt truy cập nền tảng số Em vui. Trong đó phần lớn là các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số từ 10 đến 24 tuổi.

Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) phối hợp với đối tác Plan International Việt Nam  vừa tổ chức hội thảo “Tổng kết dự án: Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số - EMPoWR/ Em Vui” .

Hơn 15.000 trẻ em được trang bị kỹ năng tự bảo vệ trước nạn buôn người và tảo hôn - Anh 1

Nội dung về phòng, chống nạn tảo hôn được đưa vào nhà trường 

Dự án được triển khai từ tháng 6.2020 đến hết tháng 6.2023 tại 4 tỉnh 11 huyện 52 xã của tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị với mục tiêu là các trẻ em gái, em trai, nam nữ thanh niên các dân tộc thiểu số (từ 10 đến 24 tuổi) sử dụng không gian kỹ thuật số để tìm hiểu và tiếp cận quyền lợi của họ, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ và đóng góp ý kiến của mình cho các nhà hoạch định chính sách.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện ISDS, Giám đốc dự án Em vui cho biết, Dự án đã xây dựng sản phẩm trọng tâm là Nền tảng trực tuyến Em vui bao gồm website emvui.vn, ứng dụng điện thoại Em vui cùng 6 kênh mạng xã hội. Website và ứng dụng điện thoại Em Vui là một kho tư liệu đa dạng, phong phú và thân thiện bao gồm 12 tập phim hoạt hình “Hành trình của Mỉ”, 3 video về an toàn mạng, nhiều phóng sự câu chuyện thực tế về tảo hôn và mua bán người, các chương trình đối thoại chính sách, hàng trăm bài học về nhiều chủ đề khác nhau cùng hàng nghìn câu hỏi đố vui hấp dẫn…

Tại đây, các bạn thanh thiếu niên còn có thể tìm kiếm các số điện thoại và địa chỉ trợ giúp hữu ích khi gặp nguy hiểm tại phần “Trợ giúp” và được trao đổi, giải đáp những thắc mắc của bản thân. Cho đến giữa tháng 5.2023 đã có 145.649 nghìn lượt truy cập Em vui và 7.648 nghìn người đăng ký thành viên, trong đó phần lớn là các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số từ 10 đến 24 tuổi.

Hơn 15.000 trẻ em được trang bị kỹ năng tự bảo vệ trước nạn buôn người và tảo hôn - Anh 2

Các em được thực hiện các tình huống dụ dỗ trong nạn mua bán người

Cũng theo TS Khuất Thu Hồng, nhiều cuộc thi và các chương trình hấp dẫn với các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số thuộc 4 tỉnh dự án đã được tổ chức. Điển hình là cuộc thi viết kịch bản, đóng tiểu phẩm sân khấu hóa về chủ đề phòng chống tảo hôn, phòng chống mua bán người, hay cuộc thi mùa hè sôi động cùng Em vui thông qua vẽ tranh và chụp ảnh, cuộc thi viết bức thư từ tương lai.

Bên cạnh đó, Dự án đã tập huấn trực tiếp cho 7.458 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về kiến thức internet và kỹ năng an toàn trên không gian mạng. Năm 2022, dự án đã truyền thông trực tiếp cho 8.771 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về nền tảng Em vui. Năm 2023, hoạt động truyền thông “Thúc đẩy sử dụng nền tảng trực tuyến Em vui” đã thu hút hơn 20 nghìn em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số.

Dự án còn phát động các cuộc thi giành cho cán bộ và các thầy cô giáo như cuộc thi viết “Câu chuyện tháng 6 – đồng hành cùng Em vui” đã nhận được hàng trăm câu chuyện thực tế về tình trạng tảo hôn, mua bán người tại địa phương do các cán bộ các ban ngành và các thầy cô giáo từ các địa phương gửi về. Cuộc thi “Lớp truyền thông Em vui sôi động” đã thu hút sự tham gia hào hứng của các cán bộ địa phương “Hơn 15.000 em được trang bị kỹ năng để tự bảo vệ mình trước nạn buôn người và tảo hôn; hơn 14.000 em đủ tự tin để vận động cho quyền của mình và tự bảo vệ mình khỏi nạn buôn người và tảo hôn; hơn 15.000 em tiếp cận nền tảng trực tuyến Em vui hiểu được nguy cơ của nạn buôn người và hậu quả của tảo hôn… là những kết quả Dự án mang lại. Mặc dù Dự án khép lại, nhưng nền tảng trực tuyến Em vui vẫn còn đó, vẫn là địa chỉ tin cậy và hữu ích cho các em thanh thiếu niên và các cán bộ, thầy cô giáo địa phương trong nỗ lực chung đẩy lùi tảo hôn và phòng chống mua bán người, giúp các em thanh thiếu niên lớn lên an toàn, khoẻ mạnh và có cuộc sống hạnh phúc”, Viện trưởng Viện ISDS nhấn mạnh.

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc