Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Tuồng làng Kẻ Gám “truyền nối” báu vật

Thứ Hai 05/06/2023 | 10:00 GMT+7

VHO- Cùng với Câu lạc bộ (CLB) tuồng xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), CLB tuồng làng Kẻ Gám, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) vinh dự là 1 trong hai đoàn nghệ thuật được trao giải bán chuyên xuất sắc Giải thưởng Đào Tấn vì đã có đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Ông Phan Văn Lạng (giữa) là người đầu tiên được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ, có công truyền lửa cho các thành viên Ảnh: ĐỨC CHUNG

Những người nông dân yêu tuồng

Về xã Xuân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) dịp này sẽ cảm nhận được không khí rộn ràng, phấn khởi và tự hào của người dân và các thành viên CLB tuồng làng Kẻ Gám, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành bởi đội đã xuất sắc nhận được giải thưởng Đào Tấn trao do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức vào ngày 29.5 tại Hà Nội.

Trao giải cho hai đội giành giải cao, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, rất tâm đắc khi Giải thưởng Đào Tấn đã tôn vinh đến những câu lạc bộ, đội tuồng không chuyên ở cấp độ làng, xã. “Họ là những người nông dân “chân lấm tay bùn” nhưng vẫn yêu tuồng, giữ tuồng như “mạch máu” trong cơ thể. Đó là một điều rất đáng quý, đáng trân trọng. Ý nghĩa cao quý, nhân văn nhất của văn nghệ chính là đi vào đời sống nhân dân và phục vụ nhân dân”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

Ông Lê Khắc Tài, Chủ nhiệm CLB tuồng cổ làng Kẻ Gám cho biết: “Sau 4 năm tạm dừng vì dịch bệnh, Giải thưởng Đào Tấn được Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hiến Việt Nam khởi động lại nhân kỷ niệm 115 năm ngày mất của Đào Tấn (1907 - 2022), đúng vào dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 23 năm thành lập Viện. Nét mới năm nay là Hội đồng giải thưởng đã xét, trao giải cho các đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp xuất sắc. Và đội tuồng làng chúng tôi giành được giải. Việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc vinh danh,thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị nghệ thuật bán chuyên”.

Làng Kẻ Gám có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, trải qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước, vùng đất này vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa, thuần phong. Xóm làng đông vui, bờ xôi ruộng mật, cảnh sắc thanh bình nên thơ, làng nối làng, mái rạ, bờ tre, gốc đa, bến nước, sân đình... Tuồng Kẻ Gám gắn liền với mạch nguồn văn hóa làng quê, đã bao đời nay luôn được nhân dân nâng niu gìn giữ và phát triển. Đã thành thông lệ mặc dù công việc gia đình còn nhiều bộn bề vất vả, nhưng các thành viên trong câu lậc bộ tuồng cổ của xã cũng dành thời gian để tập luyện. Ngày lễ, Tết, đội tăng cường các buổi tập chuẩn bị cho các đêm biểu diễn phục vụ bà con trong những dịp mừng Đảng - mừng Xuân và các ngày lễ hội đầu năm nhằm khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.

Bốn thế hệ biết hát tuồng

Ông Tài kể: “Hát tuồng là những người nông dân áo vải, chân trần, một nắng, hai sương làm nên củ khoai, hạt lúa. Vậy mà khi bước lên sân khấu tuồng, họ sắm vai diễn hết sức sinh động, làm say mê bao người. Nhận thức vai trò cũng như giá trị của nghệ thuật tuồng, nhằm gìn giữ di sản văn hóa đặc sắc này, năm 2000 Câu lạc bộ Tuồng xã Xuân Thành được thành lập. Ông Phan Văn Lạng là người đầu tiên được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Ông Lạng là tấm gương để thế hệ chúng tôi học tập. Ông truyền lửa cho chúng tôi, trước đây không quản sớm, khuya, mưa lụt, đường sá xa xôi, ông vẫn một mình trên chiếc xe đạp cũ đi khắp làng gọi diễn viên vào những dịp CLB chuẩn bị có buổi biểu diễn. Nhiều người dù bận rộn việc nhà nhưng lúc ông tới gọi, cũng gác việc để đi diễn tuồng bởi bác đã cao tuổi nhưng vẫn nhiệt tình với phong trào địa phương, mình lớp trẻ mà không đi thì không được. Từ tình yêu tuồng, thấy cảnh mỗi lần có vở diễn, CLB đều phải ngược xuôi đi thuê mượn trang phục với giá đắt đỏ, bác Lạng tự may đồ diễn tuồng”.

Từ phong trào diễn tuồng đã tạo ra một đội ngũ diễn viên tâm huyết và là những hạt nhân nòng cốt trong mọi hoạt động của tuồng cổ địa phương. Hiện nay xã Xuân Thành có 10/12 xóm thành lập được đội tuồng, tạo thành phong trào xã hội hoá sâu rộng trong nhân dân. Nhiều gia đình ở đây có tới 4 thế hệ đều biết hát tuồng cổ, lớp trước diễn, lớp sau thuộc lòng, đó cũng là cách lưu truyền tuồng cổ ở làng Kẻ Gám. Từ ngày thành lập đến nay, ở cuộc thi nào, CLB Tuồng xã Xuân Thành luôn giành được giải Nhất, nhiều năm liền được cấp tỉnh, huyện tặng Bằng khen, Giấy khen.

Ông Phan Hoàng Thụ, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành cho biết: “Trong ký ức của người dân làng Kẻ Gám vẫn còn in đậm hình ảnh những nghệ nhân tuồng cổ xưa với những vai đào kép kiệt xuất như ông Hoàng Tao, ông Chánh Thể, cụ Trùm Vân, cố Lạng... bằng những vai diễn và giọng hát làm say mê lòng người. Những nghệ nhân tuồng cổ ở làng Kẻ Gám giờ người còn người mất, nhưng đã để lại cho con cháu một kho báu đồ sộ với hàng chục tích tuồng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Chính vì vậy chúng tôi đã nhận được giải thưởng quý giá.

Bày tỏ những trăn trở để Tuồng cổ được tiếp nối, ông Thụ chia sẻ: “Hiện nay CLB tuồng của Xuân Thành vẫn duy trì và phát triển tốt, dù vậy chúng tôi cũng đang đứng trước nỗi lo thất truyền, mai một dần. Không giống như ví, giặm, mỗi làn điệu đều mang hơi thở cuộc sống, gắn liền với nhịp sống, nhịp sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tuồng Kẻ Gám hầu như là những tích cũ, gắn liền với các nhân vật lịch sử. Tuồng khó nhớ, khó thuộc, đòi hỏi kỹ thuật nghiêm ngặt. Bởi vậy, tuồng ít “kéo” được người diễn, đặc biệt là thanh niên, trẻ nhỏ. Để diễn tuồng phải có phục trang, có sân khấu, có đội nhạc đi cùng, và muốn diễn được thì lớp trẻ phải “say mê” kiên trì tập luyện. Đảng ủy, UBND xã cũng đã có chủ trương giữ gìn bản sắc, tuồng cổ. Trong những năm qua xã đã đầu tư một số kinh phí cho CLB hoạt động, trong thời gian tới xã vẫn tiếp tục đầu tư để nhân rộng CLB tuồng này cho các thế hệ con cháu sau này”. 

 PHẠM NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top