Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Sự cấp thiết của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (Bài 2): Góp phần chấn hưng văn hóa

Thứ Tư 07/06/2023 | 10:04 GMT+7

VHO-  Sự cấp thiết của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã, đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhiều ngành, nhiều giới. Tại kỳ họp thứ 5 đang diễn ra tại Nhà Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị, để văn hóa phát triển như kỳ vọng cần có thêm cơ chế, chính sách cũng như các nguồn lực mà Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa chính là “đòn bẩy” quan trọng.

Từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2016-2020, Trà Vinh đã thực hiện bảo tồn phục dựng Lễ hội dâng y, dâng bông của người Khmer

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng cho rằng lĩnh vực văn hóa ngày càng được quan tâm, đặc biệt là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhận thức của các cấp, ngành về văn hóa được nâng cao. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, lĩnh vực này vẫn tồn tại nhiều khó khăn, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Cần lực đẩy để phát triển văn hóa

“Trong các giai đoạn trước, đầu tư tổng thể cho văn hóa được thực hiện chủ yếu thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Sau khi Chương trình này kết thúc vào năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu được thực hiện thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn ở cấp Trung ương và địa phương và từ nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm (giai đoạn 2017-2021 chi chưa đến 1% trong tổng chi ngân sách nhà nước), nên không đủ để tiếp tục duy trì hoạt động, khai thác vận hành, cải tạo các thiết chế văn hóa; bảo tồn, nâng cấp các di tích văn hóa đang tiếp tục bị xuống cấp cũng như bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học…”, ông Phan Viết Lượng nhìn nhận.

Theo ông Lượng, một số Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình… được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt thời gian qua có hướng tới mục tiêu an sinh xã hội nhưng chưa tạo được động lực, nguồn lực để xây dựng, phát triển văn hóa một cách hiệu quả tổng thể. Chính vì vậy, nhiều mục tiêu mà ngành văn hóa đặt ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 trước đây cho đến nay vẫn chưa đạt được.

 Trong các giai đoạn trước, đầu tư tổng thể cho văn hóa được thực hiện chủ yếu thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Sau khi Chương trình này kết thúc vào năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu được thực hiện thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn ở cấp Trung ương và địa phương và từ nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm (giai đoạn 2017- 2021 chi chưa đến 1% trong tổng chi ngân sách nhà nước), nên không đủ để tiếp tục duy trì hoạt động, khai thác vận hành, cải tạo các thiết chế văn hóa; bảo tồn, nâng cấp các di tích văn hóa đang tiếp tục bị xuống cấp cũng như bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học…

(Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội PHAN VIẾT LƯỢNG)

Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bộ VHTTDL trong việc xây dựng “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045” để trình Chính phủ trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Chương trình cần sớm được thông qua để góp phần vào mục tiêu chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam giai đoạn hiện nay. “Trong xu thế mới hiện nay khi thế giới đang phát triển đa cực, phức tạp, bất định khiến cho những vấn đề liên quan về kinh tế, chính trị - xã hội, tư tưởng cũng sẽ bị tác động theo. Vì vậy yêu cầu về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây cũng là định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Tôi rất mong Chương trình sớm được cơ quan chuyên môn xây dựng và Chính phủ sớm tham mưu để Quốc hội có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng và cho ý kiến toàn diện, sâu sắc hơn”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nói.

Đại biểu Sửu bày tỏ mong muốn, Chương trình sớm được phê duyệt để giải quyết bài toán về nguồn lực đầu tư cho con người là chủ thể chấn hưng văn hóa và nguồn lực về tài chính nhằm bảo tồn, tôn tạo các di tích đang có nguy cơ xuống cấp và mai một. “Hiện chúng ta có rất nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đang đứng trước nguy cơ xuống cấp và mai một, nếu không được bảo tồn kịp thời thì sẽ vĩnh viễn bị mất đi. Bên cạnh đó chúng ta cần phải rà soát lại các thiết chế văn hóa, xem cái nào phù hợp, cái nào cần nâng cấp hoặc cần điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay. Thực tế cho thấy nhiều thiết chế đã rời rạc do tác động của di cư, thiên tai, sáp nhập các đơn vị hành chính… Bên cạnh việc sớm ban hành Chương trình mục tiêu này, chúng ta cũng cần phải có sự đột phá về thể chế, chính sách để văn hóa phát triển, như sức mạnh nội sinh vốn có”, đại biểu Sửu nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế

Khôi phục lại Chương trình là mang tính cấp thiết

PGS.TS Đặng Văn Thắng, giảng viên cao cấp Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa mà giới khảo cổ đã tiến hành khai quật di tích Thành Hồ và Thành An Thổ ở Phú Yên; khai quật ở Gò Tháp tỉnh Đồng Tháp; chương trình cũng đã góp phần nghiên cứu văn hóa Óc Eo…

“Tuy nhiên, Chương trình chưa được thực hiện dài hạn và có tầm nhìn xa nên nhiều công trình di tích được tu bổ, chống xuống cấp, xếp hạng nhưng chưa phát huy được giá trị vốn có. Do vậy, nếu được thực hiện Chương trình trong giai đoạn tới, các cơ quan có thẩm quyền cần tính đến câu chuyện này”, PGS.TS Đặng Văn Thắng nói. Còn ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh bày tỏ niềm vui cho biết, ngành VHTTDL Trà Vinh cũng như những người làm văn hóa nói chung rất mong chờ Chương trình tổng thể mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam cho giai đoạn 2026-2035, tầm nhìn đến năm 2045, đang được Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng. Nếu được thông qua sớm sẽ tạo ra bước ngoặt lớn để phát triển sự nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới, đặc biệt là quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Ông Tô Văn Động, nguyên Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, rất ủng hộ nếu khôi phục lại Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. “Nếu không có Chương trình đó thì một số địa phương còn khó khăn, muốn đầu tư cho văn hóa lại không đủ sức”, ông Động nhấn mạnh đồng thời lưu ý về câu chuyện đầu tư cho di tích. Theo ông, trong các đầu tư từ Chương trình mục tiêu, ngại nhất và lo lắng nhất là đầu tư cho di tích. Bởi vì đầu tư cho di tích mà không nghiêm túc trong vấn đề bảo tồn thì sẽ phá di tích. Khi đầu tư, bảo tồn di tích cần tuân thủ Luật Di sản văn hóa. Về phía mình, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau cho rằng rất cần thiết khôi phục Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, đặc biệt là đầu tư thêm thiết chế cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao. “Xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, xây dựng văn hóa là xây dựng con người, theo quan điểm của Đảng, đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nếu chúng ta không đầu tư thích đáng cho văn hóa thì có nhiều câu chuyện sẽ xảy ra ví như trẻ em đi chơi ở đâu, mùa hè bơi lội ở đâu? Các tầng lớp nhân dân sinh hoạt văn hóa - văn nghệ ở đâu? Các đơn vị chuyên nghiệp đi đâu để biểu diễn, lấy cái gì để biểu diễn?…”, ông Hùng chia sẻ.

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau cũng nêu, muốn tuyên truyền thì không thể cứ hô hào, ra khẩu hiệu mà phải bằng những hành động, việc làm cụ thể để qua đó có một môi trường tập hợp mọi người lại, có một địa chỉ để mọi người cùng vui chơi, sinh hoạt, bảo tồn các loại hình truyền thống. Thông qua các lễ hội, làng nghề truyền thống, các di sản văn hóa… để góp phần nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân về truyền thống văn hóa gia đình, địa phương, về lịch sử cách mạng, các kiến thức ứng xử như phong tục, tập quán, lễ hội, tạo cho con người biết chia sẻ, cảm thông, tương trợ, từ đó trở thành công dân tốt. “Trong thời đại ngày nay, nếu chúng ta không đầu tư thích đáng, thỏa mãn được các điều kiện, phương tiện nghe nhìn, để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân thì các không gian mạng, các hình thức truyền thông khác sẽ chiếm lĩnh trận địa và lúc đó chúng ta có chạy theo cũng không kịp, có khi chậm hơn, dở hơn”, ông Hùng cho hay.

Nhà trưng bày di tích Thành An Thổ, Phú Yên cũng được đầu tư từ Chương trình

Bao quát nhưng cần trọng tâm, trọng điểm

Là cán bộ đã gắn bó với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa từ khá lâu, PGS.TS Huỳnh Văn Tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, phụ trách công tác văn hóa - xã hội giai đoạn 1999-2006, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 2006-2016 khẳng định, các Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa có ý nghĩa và mục tiêu rất đúng, rất trúng, tập trung đầu tư phát triển văn hóa ở cơ sở, thể hiện cái chung của quốc gia và sắc thái từng địa phương, từng dân tộc, từng lĩnh vực.

Ông chia sẻ, “phải xem lại bản chất của văn hóa, khơi lại giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam mà Tổng Bí thư Trường Chinh đã chấp bút. Đề cương ra đời khi chúng ta chưa có chính quyền trong tay nhưng chúng ta đã làm văn hóa đến hôm nay. Vì thế trong giai đoạn này tôi thấy rằng chúng ta dùng chữ “chấn hưng” là rất đúng, nghĩa là chúng ta mong muốn văn hóa hưng thịnh lên”. Trên cơ sở này, PGS.TS Huỳnh Văn Tới đề nghị, thứ nhất, xác định chủ thể văn hóa được chấn hưng là ai, đó là nhân dân, nhưng nhân dân không phải nói chung, mà là những cộng đồng, chủ thể văn hóa của từng bản làng, từng dân tộc, lĩnh vực. Thứ hai, chấn hưng có nghĩa là phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống, của quá khứ, của ông bà, nhưng làm cho phát triển chứ không phải đóng khung lại. Cụm từ “giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại” chính là chấn hưng văn hóa. Thứ ba, giải pháp nào để chấn hưng, không phải chỉ giải pháp bằng tiền, không phải cứ đầu tư tiền nhiều mà phải làm cho tất cả từng chủ thể văn hóa, từng cấp độ từ Trung ương đến địa phương có nhận thức chung là, văn hóa là yếu tố cấu thành sự phát triển chứ không phải sự phân phối lại. Nghị quyết của Đảng đã xác định, làm cho văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế xã hội, nhưng đường hướng đó chủ yếu nói về đầu tư, chứ văn hóa là cái bao quát, là nền móng, cho nên trọng tâm phải phát huy được nội lực. Thứ năm, trong thời đại 4.0, phải biết ứng dụng “vũ khí” khoa học công nghệ, hay mới đây là ChatGPT, tức là sử dụng nó thành “vũ khí” mạnh mẽ để làm cho văn hóa phát triển nhanh hơn. Chính vì những điều đó, Chương trình vừa mang tầm bao quát nhưng đồng thời cũng cần chỉ ra được những giải pháp mang tính trọng tâm, trọng điểm, tránh sự dàn trải, xứng với là Chương trình góp phần chấn hưng văn hóa trong giai đoạn tới.

“Trước hết là chấn hưng hệ giá trị chuẩn mực của văn hóa, đó là những cái mà cộng đồng chung đã chọn. Tiếp theo phải làm cho văn hóa thành vốn di sản trong quá trình hội nhập. Việc này xác định rõ là cần huy động tổng lực sức mạnh. Bên cạnh đó cần quan tâm 2 nội dung: Vật thể và phi vật thể, trong đó vật thể là xây dựng thiết chế, còn phi vật thể là những nhận thức, luân lý, giá trị, pháp lý, lý tưởng, mục tiêu phấn đấu… Vậy thì toàn bộ Chương trình mà chúng ta gọi là chấn hưng mục tiêu này thực chất không vượt khung Nghị quyết 33 của Đảng. Trong Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm nên chúng ta bám sát để triển khai thực hiện hiệu quả”, ông Tới cho biết.

THU SÂM- THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top