Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hơn 20 năm thầm lặng trông coi di tích ở đảo Lý Sơn

Thứ Sáu 09/06/2023 | 11:21 GMT+7

VHO- Hơn 20 năm qua, ông Nguyễn Văn Thọ (75 tuổi) ở An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã thầm lặng trông coi gắn bó với di sản, bảo vệ di tích quốc đình làng An Hải. 

Di tích quốc gia đình làng An Hải

Quét dọn, làm lễ, tiếp đón khách… là chuỗi công việc quen thuộc của ông Nguyễn Văn Thọ suốt 22 năm qua tại đình làng An Hải (nằm ở giữa xóm Trung Yên và Trung Hoà, xã An Hải). Khi chúng tôi đến, ông Thọ vừa cần mẫn lau chùi các hiện vật ở đình vừa khoe niềm vui khi đình mới vừa tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ hội này được biết đến như là một cột mốc sống về chủ quyền biển đảo của người dân Lý sơn suốt 400 năm qua. Lễ hội diễn ra cũng đã thu hút đến hàng nghìn người dân và du khách cả nước đến tham gia. 

Nghệ thuật kiến trúc và trang trí độc đáo bên trong đình làng An Hải

Di tích đình làng An Hải được Bộ VHTTDL công nhận là di tích Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia vào năm 1997. Nơi đây là di tích kiến trúc tín ngưỡng tiêu biểu nhất trong hệ thống kiến trúc tín ngưỡng trên đảo Lý Sơn. Nghệ thuật trang trí của đình làng An Hải thể hiện quan niệm về sự quân bình âm dương, mong muốn về sự trường tồn vĩnh cửu. Ông Thọ cho biết, khi đến đây tìm hiểu, du khách sẽ bắt gặp khá phổ biển các mô típ trang trí “lưỡng long triều nhật”, “long phụng triều qui”, “ngũ phúc” …, qua đó cho thấy giá trị và ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc và trang trí của đình làng An Hải đối với các di tích tín ngưỡng trên đảo Lý Sơn. Đặc biệt mô típ tượng đôi Nghê gắn với cột đình chầu vào nhau theo thế âm dương là mô thức ít thấy trong các kiến trúc của đình, chùa Việt Nam.
“Hằng năm tại đình làng An Hải nhân dân tổ chức nhiều sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của cư dân nông nghiệp như: lễ hội đua thuyền tứ linh đầu năm, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa… phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân và giữ gìn nét nét văn hóa của một làng quê hải đảo giàu bản sắc”, ông Thọ chia sẻ.  

Ông Nguyễn Văn Thọ trông coi, chăm sóc di tích đã hơn 20 năm

Với ông Thọ, công việc không chỉ là trông coi, dọn dẹp để đình luôn “sạch cỏ đỏ hương” mà ông còn chịu khó tìm hiểu các giá trị của di tích để tuyên truyền đến người dân và du khách. Hơn 4 năm nay, được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, ông được hỗ trợ 1 triệu 500 ngàn đồng/tháng. Đối với ông làm công việc này không phải vì đồng tiền phụ cấp, nhưng được quan tâm ông cũng thấy phấn khởi. Trước đây, có 3 lần kẻ gian đột nhập vào đình để trộm đồ, rất may, ông đã cảnh giác cho nên kịp thời phát hiện.
“Tôi được người dân tin tưởng giao cho nhiệm vụ trông nom, bảo vệ di tích. Là người sinh ra, lớn lên ở đây, tôi nhận thấy đây là trọng trách lớn với quê hương. Nhưng nhận nhiệm vụ mới biết việc trông coi di tích không hề đơn giản. Nhiều người nghĩ chỉ là việc ra đình, miếu để trông nom nhang khói nhưng thực sự có nhiều khó khăn, nếu không tâm huyết thì khó làm được. Năm nay, tôi cũng lớn tuổi rồi, góp được chút công sức của mình trong việc bảo tồn di sản của dân làng được chừng nào hay chừng đó”, ông Thọ nói.

Khuôn viên đình làng An Hải được chăm sóc, quét dọn sạch sẽ

Ngồi dưới bóng cây bàng vuông ở sân đình làng An Hải ông Thọ cho biết, đình được xây dựng vào năm Minh Mạng nguyên niên 1820, do 7 tộc họ tiền hiền khai phá làng An Hải và dân làng cùng góp công của để tạo dựng. Đây là công trình kiến trúc cổ đặc sắc mang tính nghệ thuật chạm khắc hết sức có giá trị, phục vụ cho sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của nhân dân làng An Hải. Đình làng An Hải là một trong rất ít những công trình kiến trúc cổ có niên đại xây dựng sớm còn sót lại của tỉnh Quảng Ngãi. Trong nội thất của Đình làng thờ Tam hoàng ngũ đế (Tam phủ), Ngũ vị tiên nương (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), Tiền hiền, hậu hiền; Tiền vãn, hậu vãn và thờ cô hồn. Đình làng An Hải mặt chính diện quay về hướng Đông nam, tổng thể kiến trúc ngôi đình được xây dựng theo hình chữ Tam, gồm tiền đường, chánh điện và hậu cung mà dân gian quen gọi là đình hạ, đình trung và đình thượng.

Ông Thọ chỉ tay về các cột, kèo bị mối ăn

Mặc dù trải qua nhiều lần trùng tu nhưng di tích luôn đứng trước những nguy cơ bị hư hại bởi thời gian. Điều ông Thọ mong mỏi nhất là sớm trùng tu lại di tích vì hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. “Hiện tại đình đã hư hại bị mối ăn ở các cột, kèo, mái ngói rệu rã. Nếu không sửa chữa kịp thời mùa đông năm nay khả năng sẽ bị sập. Di tích này cần phải được gìn giữ, phát huy để lại cho thế hệ trẻ mai sau nữa”, ông Thọ bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Lành, Chuyên viên Phòng VHTT huyện Lý Sơn cho biết, đình làng An Hải là một địa điểm du lịch của Lý Sơn. Đây là nơi để thờ các vị tiền hiền, đã có công trong việc khai hoang, gìn giữ huyện đảo. Cùng với sự quan tâm của tỉnh, các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc giữ gìn, phát huy giá trị của di tích, còn có sự đóng góp thầm lặng của ông Nguyễn Văn Thọ trong việc trông coi, bảo vệ di tích đình làng An Hải.

NHƯ ĐỒNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top