Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Luật Đất đai (sửa đổi) nên có các quy định để lĩnh vực VHTTDL và Gia đình phát triển

Thứ Sáu 09/06/2023 | 13:29 GMT+7

VHO-Góp ý thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Quốc hội vào sáng 9.6, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật phải đồng bộ, tương thích với các luật khác trong đó có các Luật liên quan đến lĩnh vực VHTTDL &GĐ.

Trước hết, Bộ trưởng cho biết, dưới góc độ là thành viên của Chính phủ, Bộ VHTTDL đã nhiều lần góp ý với cơ quan soạn thảo trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật. Vì thế ông cơ bản đồng tình với các nội dung trong dự thảo Luật Đất đai để trình Quốc hội bàn và quyết nghị lần này. Trong quá trình tham gia đóng góp ý kiến, các ý kiến của Bộ VHTTDL cũng đã được ban soạn thảo tiếp thu. Tuy nhiên do đây là một lĩnh vực khó và rộng nên việc tiếp thu cũng chưa được đầy đủ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại phiên thảo luận tổ sáng 9.6

Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, ông đồng ý với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật như trong tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên nội dung này nên được bổ sung để nâng cao hơn nữa nhận thức về việc sử dụng đất đai như một nguồn lực và động lực cho sự phát triển của lĩnh vực văn hoá.

“Đây cũng là quan điểm mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định, coi văn hoá không chỉ là động lực tinh thần mà còn là một nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững đất nước. Vì vậy trong quá trình phát triển kinh tế, phải tính toán đến các yếu tố văn hoá ngay từ khâu xây dựng kế hoạch đến khi triển khai tổ chức thực hiện. Vì nếu không chuyển hoá được các nguồn tài nguyên văn hoá thành nguồn lực phát triển bền vững đất nước thì chúng ta chưa thực hiện được quan điểm: đặt văn hoá ngang với kinh tế, chính trị”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nguồn tài lực cho văn hoá gắn liền với thực tiễn cuộc sống lao động, sản xuất trong đó đất đai giữ vai trò then chốt. Vì thế khi sửa đổi, bổ sung Luật cần nhấn mạnh đến sự cần thiết này thì sẽ hài hoà, nâng cao hơn về nhận thức và có sự hiểu đúng hơn về nguồn lực đất đai trong việc phát triển VHTTDL.

Bộ trưởng cũng góp ý, việc sửa đổi, bổ sung Luật phải đảm bảo được sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và đồng bộ, tương thích với các Luật khác. Chẳng hạn như lĩnh vực VHTTDL&GĐ do Bộ VHTTDL quản lý về Nhà nước, có 4 Luật mới được sửa đổi bổ sung là Luật Du lịch, Luật TDTT, Luật Điện ảnh, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Cả 4 Luật này đều có những quy định cụ thể liên quan đến quỹ đất hay những chính sách ưu đãi về đất đai để 4 lĩnh vực này phát triển.

Bộ trưởng nêu các dẫn chứng cụ thể như Luật TDTT năm 2018, điều 4 có quy định Nhà nước phải đảm bảo để các cơ sở thể thao công lập và tư nhân được bình đẳng trong việc hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng đất đai theo quy định của pháp luật hay như điều 21 quy định, Nhà nước có chính sách dành đất đai đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trong giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.

Luật Đất đai cần có những quy định ưu đãi để văn hoá phát triển

Luật Điện ảnh cũng quy định, Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với tổ chức hoặc cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của Luật; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình xác định, tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất thực hiện dịch vụ, hoạt động quy định tại khoản 1 được ưu đãi về thuế, phí, tín dụng và ưu đãi về đất đai theo quy định tại Điều 4. Luật Du lịch và trước đó là Luật Di sản cũng có những quy định cụ thể về đất đai dành cho phát triển sự nghiệp VHTTDL.

Tuy các quy định về đất đã được ghi rõ trong các Luật nêu trên nhưng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này lại chưa quy định rõ nét, chưa tương thích với các Điều được ghi trong các Bộ luật mà Bộ trưởng đã viện dẫn. Trong khi đó tại Điều 10 dự thảo Luật có quy định phân loại đất đai, có đề cập đến đất dành cho lĩnh vực văn hoá, thể thao nhưng lại không được cụ thể hoá khi nhận diện về phân loại đất.

“Chúng tôi mong cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cố gắng đưa vào những nội dung đã được cụ thể trong các luật khác như tôi đã viện dẫn và thực tiễn là các Luật này đã được thực thi”, Bộ trưởng nói và cho biết, ông mong những quy định về Đất đai cho lĩnh vực VHTTDL&GĐ cũng sẽ được lượng hoá trong các quy định sửa đổi của dự thảo Luật.

Góp ý thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, việc huy động nguồn lực cho sự phát triển các lĩnh vực VHTTDL, ngoài nguồn lực đầu tư công của nhà nước giữ vai trò chủ đạo, còn phải huy động được các nguồn lực từ xã hội. Muốn huy động được nguồn lực từ xã hội thì phải tháo gỡ những vướng mắc trong Luật Đất đai, Luật đầu tư công, Luật đầu tư cũng như Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Từ đó Bộ trưởng đề nghị xem xét để đưa vào một số nội dung của Luật Đất đai (sửa đổi) để tạo cơ sở thu hút đầu tư cho các lĩnh vực này phát triển.

Nêu dẫn chứng cụ thể là Nhá hát Đó ở Nha Trang, hiện đang là một địa chỉ cho nhu cầu hưởng thụ về văn hoá, nghệ thuật của nhân dân và là điểm thu hút khách du lịch của Nha Trang. Nếu nhà hát này được xây dựng trên quy hoạch đất dành cho văn hoá và được ưu đãi trong đầu tư cho các công trình văn hoá, chắc là sẽ tạo được động lực cho nhà đầu tư nhiều hơn. Hiện Nhà hát Đó vẫn nằm trong khung giá của lĩnh vực thương mại mà chưa có chính sách ưu đãi để phát triển. Vì thế Bộ trưởng cho rằng nếu tháo gỡ được điểm nghẽn này thì sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Ông cũng lấy ví dụ về những nhà đầu tư lớn, được xem là những cánh chim đầu đàn như Tập đoàn Vingroup hay Sun Group, khi đầu tư các thiết chế về du lịch thì đã có các công trình dành cho văn hoá trong đó, cần có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư hơn nữa.

Với lĩnh vực được xem là ngành kinh tế tổng hợp, định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, Bộ trưởng cho biết, các cơ sở du lịch, nhất là cơ sở lưu trú hiện nay thực sự đang còn nhiều khó khăn và mong muốn lần này sửa đổi này, Luật Đất đai sẽ tính toán, sẽ lượng hoá cho được các quy định như giảm thuế đất cho các cơ sở lưu trú. Đây là điều hoàn toàn phù hợp với thực tiễn vì cơ sở lưu trú du lịch không chỉ là cơ sở lưu trú đơn thuần mà bao gồm cả khuôn viên, cảnh quan, các công trình phụ về văn hoá thường chiếm tỉ lệ là 30-40% trong tổng thể của cơ sở lưu trú. Không gian văn hoá này không chỉ dành cho cơ sở lưu trú mà còn phục vụ cho cộng đồng dân cư nên cần có những chính sách ưu đãi riêng để gỡ khó, từ đó thúc đẩy sự phát triển của du lịch.

Kết thúc phần góp ý đầy thiết thực, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, những vấn đề ông đề cập để góp ý cho dự thảo Luật thuộc các lĩnh vực mà Bộ VHTTDL đang thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và mong sẽ có thêm nhiều tiếng nói để tháo gỡ điểm nghẽn, để có thêm nhiều thiết chế VHTTDL xứng tầm cho sự phát triển của đất nước.

THU SÂM; ảnh: H. MINH-T. DŨNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top