Đà Nẵng tạo môi trường phát triển an toàn cho trẻ em

VHO- Vừa qua, Diễn đàn đối thoại của lãnh đạo TP Đà Nẵng với trẻ em năm 2023 đã tiếp nhận hơn 20 ý kiến của các em học sinh xoay quanh các vấn đề về sử dụng mạng xã hội an toàn, tăng cường kỹ năng sống - đặc biệt là kỹ năng phòng, chống đuối nước, tư vấn tâm lý trước những tình huống bạo lực gia đình, bạo lực học đường… Từ đó đặt ra yêu cầu về việc xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ trong thời hiện đại.

Đà Nẵng tạo môi trường phát triển an toàn cho trẻ em - Anh 1

 Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các chất cấm cho các em học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Em Trần Đỗ Phương Anh (Trường THCS Lê Độ, quận Sơn Trà) nêu ý kiến, cần phải có các giải pháp ngăn ngừa, xử lý việc phát tán, đăng tải những thông tin xấu mang tính chất tiêu cực trên mạng xã hội, đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bạo lực. Em Trương Ngọc (trường Tiểu học số 2 Hoà Liên) thì mong muốn người lớn và các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa tới những trẻ em có hoàn cảnh gia đình ly tán, ba mẹ đơn thân, tái hôn, người lớn có tiền sử sử dụng bạo lực, vi phạm pháp luật, bị bệnh tâm lý... Ngọc hy vọng, ngoài cô giáo, nhà trường thì các cơ quan chức năng, xã hội có thêm những nơi an toàn và tin cậy để các em sẻ chia những vấn đề khó nói về tâm lý, giáo dục giới tính.

Đại diện các em học sinh bày tỏ mong muốn TP liên tục đa dạng hóa các loại sách và hình thức đọc sách nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong trẻ em; tăng cường hoạt động giảng dạy ngoại khóa; tư vấn tuyển sinh vào lớp 10; đầu tư thiết chế văn hóa thể thao, khu vui chơi giải trí tại cộng đồng và các cơ sở trợ giúp trẻ em. Chia sẻ tại diễn đàn, các em cũng mong muốn cha mẹ, gia đình có cách quan tâm, chăm sóc phù hợp, biết lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với các em trước áp lực học hành, thi cử.

Đề cập đến vấn đề đáng lo ngại nhất đối với trẻ nhỏ mỗi mùa hè là tình trạng đuối nước, em Phan Bá Thiên Trường (Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, quận Thanh Khê) cho biết, tắm biển là sở thích của tất cả trẻ em, tuy nhiên mùa hè nào các địa phương cũng đều xảy ra nhiều vụ đuối nước nên cha mẹ cũng như các em rất lo lắng. Trường bày tỏ: “Em mong TP tổ chức các khóa học bơi, học kỹ năng phòng, chống đuối nước định kỳ cho trẻ em tham gia để hạn chế thấp nhất số lượng trẻ em bị tai nạn đuối nước”.

Những năm qua, TP Đà Nẵng đã ban hành và cụ thể hóa nhiều kế hoạch, chính sách chăm lo đời sống, an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi về mặt học tập, vui chơi giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho trẻ em, như: Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2019-2025; Kế hoạch thực hiện mục tiêu Chương trình “Không có học sinh bị bạo hành, xâm hại trong nhà trường; học sinh bỏ học, bị đuối nước” đến năm 2025; Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035”…

Chánh văn phòng Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Anh Tú cho biết: “Riêng trong năm 2022, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động phối hợp nhằm tập huấn nâng cao năng lực cán bộ hội các cấp trong việc chăm sóc rối nhiễu tâm lý cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid và vai trò, trách nhiệm của các cấp hội trong công tác phòng, chống xâm hại và bảo vệ quyền trẻ em; tổ chức 20 lớp tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; kỹ năng phòng tránh đuối nước; phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ chức hơn 100 buổi truyền thông về phòng chống mua bán và xâm hại tình dục trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng... Các hoạt động đã góp phần lan tỏa, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến trong cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội về công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em”.

 MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc