Làm báo thời chuyển đổi số: Thay đổi để thích ứng

 Tận dụng để cung cấp thông tin độc đáo

Làm báo thời chuyển đổi số: Thay đổi để thích ứng - Anh 1

Các nhà báo, mỗi nhà báo đang ở trong guồng quay mạnh mẽ của sự lan tỏa, cạnh tranh từ mạng xã hội; sự thách thức về việc thích ứng với chuyển đổi số trong hoạt động báo chí. Đây là những sức ép và thách thức đầy tính gợi mở để người làm báo nâng mình lên về nghiệp vụ, kỹ năng; củng cố hơn về kiến thức, tâm huyết làm nghề. Để từ đó, cạnh tranh với chính những gì đang tạo ra thách thức và tận dụng chính các phương tiện, cách thức đó để truyền tải, lan tỏa sản phẩm, tác phẩm báo chí của mình. Tôi nghĩ rằng, giữa vô vàn những thông tin, quan điểm, ý kiến, nội dung đa chiều, lẫn lộn trên mạng xã hội và được lan tỏa chóng mặt, nhà báo cần lắm việc tạo ra những nội dung đáp ứng các tiêu chí về chân thực, chuẩn xác, tốt đẹp, và còn phải hay, có sức cuốn hút, có sự thú vị, có nét đặc sắc riêng nữa… Đồng thời, tận dụng chính công nghệ số, chính môi trường mạng xã hội để cung cấp đến bạn đọc, xã hội những gì độc đáo mà mình có được. Đó cũng chính là việc tiếp tục làm nghề báo một cách tâm huyết, sáng tạo và có trách nhiệm.

(Nhà báo NGUYỄN QUANG HƯNG, Báo Nhân dân)

Phải chuyển đổi!

Làm báo thời chuyển đổi số: Thay đổi để thích ứng - Anh 2

Với sự phát triển các nền tảng số trong kỷ nguyên số đã và đang tác động vào các lĩnh vực đời sống xã hội, các tổ chức kinh tế, xã hội phải có bước dịch chuyển về hình thái tổ chức quản lý, sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyển đổi số. Dĩ nhiên, cùng chiều với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp… người làm báo chuyên nghiệp bắt buộc phải thay đổi về tư duy số, ý thức số thành kỹ năng nghề để bắt kịp các chuyển động số của muôn mặt xã hội.

Đặc biệt với sự thay đổi mạnh mẽ của thế giới trong mọi lĩnh vực nhờ sự phổ cập chóng mặt của điện thoại thông minh, tạo nên một hình thái “truyền thông mạng” để bất cứ ai, ở đâu, chỉ với smartphone đều có thể đưa tin nhanh nhất. Điều mà các nhà báo chuyên nghiệp dù muốn, hay không muốn cũng phải chấp nhận cuộc cạnh tranh truyền thông đó bằng bản lĩnh, phẩm chất và kỹ năng công nghệ số của mình để có những sản phẩm truyền thông phản ánh chính xác thực chất sự kiện, cho ra những sản phẩm truyền thông đã được kiểm chứng, trung thực và đa chiều – điều mà thông tin mạng rất khó để đạt được.

(Nhà báo LÊ BÁ DƯƠNG, nguyên Phụ trách Văn phòng đại diện Báo Văn Hóa tại miền Trung và Tây Nguyên)

Nỗ lực để không bị bỏ lại phía sau

Làm báo thời chuyển đổi số: Thay đổi để thích ứng - Anh 3

Trong dòng chảy công nghệ, các đơn vị báo chí truyền thống cũng không thể tách khỏi guồng quay của chuyển đổi số. Riêng với Truyền hình Quốc hội Việt Nam, hiện cũng đang đẩy mạnh phát triển nội dung trên các nền tảng số (TikTok, Facebook, YouTube). Các sản phẩm của phóng viên từ đó có độ lan tỏa nhiều hơn, tiếp cận nhiều tệp khán giả hơn. Là phóng viên, bản thân tôi thấy mình cũng cần có độ rướn nhất định để không bị “tối cổ” trong dòng chảy đó.

Thứ nhất, mình phải cực kì nghiêm túc với sản phẩm mình làm ra. Độ lan tỏa nhiều hơn đi kèm với nhiều con mắt xem và soi, nếu mình không làm tốt, mình chắc chắn bị tụt lại phía sau. Hơn nữa, với các thông tin trên mạng xã hội thật giả lẫn lộn, mình càng phải ý thức vai trò là kênh xác thực thông tin cho khán thính giả, định hướng công chúng…

Thứ hai, tự bản thân phải không ngừng cập nhật để bắt kịp thông tin, nhất là mạng xã hội đang quá nhanh. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây cũng là cơ hội để một nhà báo có thể đo lường xem bản lĩnh của mình đến mức nào. Tin tức trong thời đại số có thể đến bằng nhiều kênh, từ nhiều đối tượng nhưng những bài viết chuyên sâu để phân tích và nhìn nhận các sự việc xảy ra thì cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu và thậm chí là một chút dấn thân của nhà báo. Nếu không đủ bản lĩnh, mình bị bỏ lại phía sau.

(Nhà báo PHƯƠNG THẢO, Truyền hình Quốc hội Việt Nam)

Người viết báo phải có đạo đức, tôn trọng sự thật

Làm báo thời chuyển đổi số: Thay đổi để thích ứng - Anh 4

Khi bước chân vào nghề báo, một người thầy của tôi từng nói: “Làm nghề gì cũng vậy, phải lấy đạo đức làm hàng đầu, người viết báo phải có đạo đức, tôn trọng sự thật. Bởi chỉ cần một từ viết sai trong một bài báo cũng đã thay đổi nội dung và tác động rất lớn đến xã hội”. Gần 10 năm theo nghề báo, lời căn dặn của người thầy vẫn kề bên và là kim chỉ nam để tôi gắn bó với nghề.

Là phóng viên thường trú của một tờ báo điện tử có số lượng bạn đọc lớn, việc đưa thông tin các sự kiện tại địa phương luôn được tôi cân nhắc, chắt lọc. Nhiều lúc, tôi phải tự đặt câu hỏi và đánh giá thông tin trước, tin này nên đưa hay là không, thông tin ấy có ích gì cho bạn đọc, cho xã hội, có đáng để đưa

 Những năm trở lại đây, chúng ta hay nghe nhiều đến cụm từ chuyển đổi số song rất ít người hiểu chuyển đổi số như thế nào? Tôi nghĩ, cùng với sự thay đổi phát triển của xã hội, báo chí cũng đang có xu hướng thay đổi để thích ứng, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Nhu cầu của bạn đọc không chỉ là ngồi nhâm nhi cà phê cầm tờ báo giấy đọc nữa. Truyền thông đa phương tiện đang là một hướng đi được nhiều tờ báo chọn và đầu tư. Để thích ứng, người làm báo không chỉ viết giỏi mà còn biết chụp ảnh, quay video. Đây là những kỹ năng mà những người làm báo đã và đang thực hiện hằng ngày, hằng giờ.

Những năm qua, mạng xã hội đang là nơi được nhiều người tìm đọc thông tin, chia sẻ thông tin. Một số tờ báo xem mạng xã hội là đối thủ bởi bạn đọc vào các diễn đàn mạng xã hội đọc thông tin thay vì vào các tờ báo. Song cá nhân tôi nghĩ, mạng xã hội như Facebook hay Zalo là một kênh để khai thác thông tin, bạn đồng hành của các tờ báo. Nhiều lúc, từ thông tin của mạng xã hội mà có thể triển khai một bài báo hay, đề tài hấp dẫn bạn đọc. Nhiều tờ báo cũng mượn mạng xã hội đưa thông tin đến với bạn đọc.

(Nhà báo VÕ NGỌC THẠNH, phóng viên Báo điện tử VnExpress)

Là xu hướng tất yếu, không thể cưỡng lại được

Làm báo thời chuyển đổi số: Thay đổi để thích ứng - Anh 5

Chưa bao giờ, việc tác nghiệp của người làm báo, cũng như sự thụ hưởng của bạn đọc được thuận lợi như hiện nay nhờ ứng dụng công nghệ. Ngay tại VTC News của chúng tôi cũng như nhiều tòa soạn báo khác đã có những bước chuyển mình, ứng dụng công nghệ đa phương tiện để đổi mới hình thức và nội dung, ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất tin tức, quản trị nội dung, nhân sự, tòa soạn,…

Bản thân những phóng viên trẻ tuổi đời, tuổi nghề như chúng tôi, tác nghiệp trong thời đại công nghệ số đã đưa lại nhiều cơ hội sáng tạo nhưng cũng không kém phần thách thức. Để không “tụt hậu”, phóng viên phải luôn học hỏi, quan sát, gạn lọc mỗi ngày cả về chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng nghiệp vụ, cũng như việc cập nhật, ứng dụng công nghệ vào làm báo để có được những sản phẩm báo chí phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Vì vậy, đòi hỏi mỗi phóng viên khi làm nghề phải thật sự bản lĩnh, luôn tiếp cận thông tin một cách nhanh nhạy nhưng phải tỉnh táo, bảo đảm tốc độ đưa tin nhưng vẫn phải khẳng định sự đáng tin cậy, giá trị của thông tin, phải giữ vững tính trung thực, chính xác, nhân văn trong mỗi thông tin đưa đến bạn đọc.

Chưa kể, nếu sử dụng tốt, kết hợp hiệu quả những lợi thế mà mạng xã hội, công nghệ truyền thông hiện đại thì biên độ, tốc độ lan tỏa nội dung tác phẩm báo chí ra xã hội cũng rất nhanh. Như bản thân tôi, những lần tác nghiệp ở những sự kiện thiên tai bão lũ miền Trung, sạt lở vùi lấp núi ở miền núi Quảng Nam, những tai nạn đường thủy, đường bộ thảm khốc, hay như những ngày dịch bệnh Covid-19 căng thẳng… những bài viết từ hiện trường nóng hổi, cập nhật hằng giờ, hằng ngày đến được với bạn đọc cũng nhờ rất nhiều từ sự hỗ trợ của các độc giả, những thông tin trên mạng xã hội và ứng dụng công nghệ hiện đại vào truyền tải nội dung.

(Nhà báo THANH BA, Báo Điện tử VTC News )

Đọc mạng xã hội để biết, đọc báo để đúng

Làm báo thời chuyển đổi số: Thay đổi để thích ứng - Anh 6

Với 29 năm làm nghề trong lĩnh vực thể thao, tôi cho rằng cuộc chuyển đổi số và sự cạnh tranh của mạng xã hội đặt ra thách thức lớn với báo chí, đặc biệt là báo giấy và báo điện tử.

Theo xu hướng của báo chí Việt Nam và thế giới hiện nay, báo giấy đang ngày một thoái trào, nhiều chuyên gia dự đoán số lượng sản phẩm báo giấy được xuất bản sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới. Xu hướng này cũng đúng với thực tế vì ngày càng nhiều tờ báo giấy chuyển sang làm báo mạng, các sản phẩm này được người đọc ưa chuộng hơn thông qua các phương tiện truyền thông.

Với báo mạng, trong thời đại công nghệ hiện nay, thể loại báo này cũng gặp nhiều thách thức đến từ sự phát triển của các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok,… Mạng xã hội rất nhanh, cùng một vấn đề nhưng chỉ vài phút đã xuất hiện trên Facebook, Zalo, hay TikTok, còn báo điện tử phải trải qua quá trình viết tin, duyệt bài, hình ảnh. Trong khi mạng xã hội thông tin để biết (chưa chắc đã đúng) thì báo điện tử dù có nhanh đến mấy nhưng thông tin cũng cần được kiểm chứng. Độc giả đọc trên mạng để biết, nhưng họ cũng cần đọc kỹ lại trên báo để xem thông tin đó có chuẩn xác hay không.

Vấn đề đặt ra trong cuộc chuyển đổi số và sự phát triển của mạng xã hội hiện nay là người làm báo phải tự thay đổi bản thân theo hướng tích cực, thích ứng để phù hợp với xu thế làm báo hiện đại. Ngày xưa người làm báo chỉ làm một công việc như viết tin, bài, người khác chụp ảnh thì bây giờ cùng một lúc phải làm nhiều việc từ viết, chụp ảnh, ghi âm đến quay, dựng. Điều này đòi hỏi các phóng viên, đặc biệt là những người làm báo lâu năm phải thay đổi tư duy, cách làm việc, cần học hỏi, trau dồi kỹ năng để thích ứng với xu hướng làm báo hiện đại trong thời 4.0.

(Nhà báo ĐÀO TÙNG, Báo Người Lao động)

Sống cùng áp lực

Làm báo thời chuyển đổi số: Thay đổi để thích ứng - Anh 7

Trước đây, những người làm báo chúng tôi hay nói với nhau rằng, công việc của nhà báo thú vị ở chỗ, mỗi ngày đều là “một tờ giấy trắng” với mọi thứ luôn ở phía trước, không ngày nào giống ngày nào.

Giờ đây, sự phát triển của đời sống, của công nghệ khiến quá trình đưa thông tin và tiếp nhận thông tin thay đổi chóng mặt, nên công việc của chúng tôi cũng vẫn là “tờ giấy trắng” thú vị nhưng ngày càng áp lực. Để giải quyết áp lực đó, để không bị bỏ lại phía sau, không gì khác hơn là người làm báo phải tự thay đổi, tự nâng cao, tự làm mới chính mình, mỗi ngày, mỗi ngày và không ngừng nghỉ. Chúng tôi tự hiểu hơn bao giờ hết, áp lực thúc đầy sự phát triển và sự phát triển đòi hỏi phải tự gây áp lực cho chính bản thân mình.

Tôi đã đọc, đã học, đã bày tỏ ở những không gian có thể để giải quyết các áp lực đó. Trong đó, mạng xã hội là một không gian như thế với tôi. Mạng xã hội với tôi là một nguồn tin ban đầu trong vô vàn nguồn tin của một nhà báo, là một nơi để bắt “trend” xem mọi người nghĩ gì, làm gì và làm như thế nào và cũng là một nơi để tôi thẩm định thông tin của mình.

(Nhà báo MINH HẠNH, VOV tại TP.HCM)

Đa phương tiện để tăng tính hấp dẫn

Trong cuộc cách mạng 4.0 với AI, dữ liệu lớn phát triển nhanh, mạnh và bùng nổ mạng xã hội, tỷ lệ người dùng mạng xã hội tìm kiếm thông tin cao hơn tìm kiếm trên báo chí chính thống, đặc biệt là giới trẻ, đã đặt ra thách thức không nhỏ cho các toà soạn trong việc “kéo” độc giả về với mình. 

Làm báo thời chuyển đổi số: Thay đổi để thích ứng - Anh 8

Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ, mỗi cơ quan báo chí cần tạo sức hút với độc giả bằng những tác phẩm được đầu tư công phu, phân tích đa chiều, sâu sắc, đưa ra được những gợi mở, giải pháp hiệu quả theo xu hướng báo chí chậm thay vì chạy theo thông tin thời sự hời hợt, nhất là những lĩnh vực thế mạnh của tờ báo. Các bài viết cũng cần thể hiện ở dạng đa phương tiện như các bài Megastory, Longform, Emagazine,… tích hợp cả thông tin, hình ảnh, âm thanh, hiệu ứng động, video… để hấp dẫn và tăng sức thuyết phục với độc giả. 

Mặt khác, báo chí cũng cần hiện diện trên mạng xã hội nhiều hơn, không chỉ trên Facebook, Youtube, Instagram mà cả Zalo, Twitter, TikTok, Viber... để giao tiếp một cách gần gũi với độc giả. Độc giả ở đâu, báo chí phải có mặt ở đó để thực hiện sứ mệnh của mình. 

(Nhà báo Hồ Hạ, Báo Đầu tư)

Hội nhà báo Việt Nam đã luôn sâu sát trong công tác chỉ đạo và giám sát

Làm báo thời chuyển đổi số: Thay đổi để thích ứng - Anh 9

Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, với xu thế phát triển nhanh về thông tin truyền thông, những người làm báo cũng phải bắt kịp với xu hướng truyền thông chung bằng cách chuyển đổi ứng dụng trên nền tảng kỹ thuật số, đầu tư thêm trang thiết bị máy móc, sản phẩm giúp nhà báo có lựa chọn tác nghiệp nhanh nhất, đúng, đầy đủ đến với người đọc. Đặc biệt báo điện tử có nhiều hình ảnh đẹp, bắt mắt, nội dung phong phú, nhiều thể loại khác nhau. Đây là mặt mạnh cần phát huy đúng định hướng của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số trong thời kỳ số hóa.

Với nhu cầu cập nhật thông tin ngày một lớn của độc giả, báo in vẫn phát triển và có những định hướng mới, văn hóa đọc báo in vẫn được giữ gìn, phát huy theo cách truyền thống tốt đẹp. Đối với mạng xã hội, Hội Nhà báo Việt Nam đã luôn sâu sát trong công tác chỉ đạo cũng như giám sát các nhà báo về thực hiện tốt Luật Báo chí 2016 và bộ quy tắc về ứng xử trên mạng xã hội cũng như 10 điều quy định đạo đức của người làm báo Việt Nam, tất cả các nhà báo, phóng viên nằm trong hệ thống những người làm báo Việt Nam luôn duy trì, đã và đang thực hiện tốt những quy định này. Hy vọng rằng với thời đại số, chuyển đổi công nghệ 4.0 vẫn nắm bắt và theo kịp được thời đại, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng để phản biện lại những thông tin trên mạng xã hội không đúng đắn, chính thống.

(Nhà báo ĐOÀN MINH LONG, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa)

 

NAM PHONG- NGỌC NHIÊN- THÙY TRANG- KHÁNH CHI- SƠN THÙY- LÊ HOÀN (Thực hiện)

 

Ý kiến bạn đọc