Phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa: “Vì làng nên dù đất vàng chúng tôi cũng hiến”

VHO- Hưởng ứng phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, các địa phương ở Thanh Hóa đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, góp sức mở rộng đường giao thông nông thôn. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân...

Phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa: “Vì làng nên dù đất vàng chúng tôi cũng hiến” - Anh 1

 Người dân xã Đông Tiến (huyện Đông Sơn) hiến đất, phá dỡ công trình, tường bao để mở rộng đường giao thông nông thôn

Trong cái nắng gay gắt của tháng 6, chúng tôi có dịp về xã Đông Tiến (huyện Đông Sơn). Thời điểm này không còn phải đi trên những con đường đất nhỏ hẹp, nắng bụi, mưa bẩn như trước, thay vào đó là con đường bê tông kiên cố, rộng rãi. Các thôn trong xã không còn mái nhà dột nát, tạm bợ mà được thay thế bởi những ngôi nhà khang trang, bề thế.

Hiến đất không phải là mất đất

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch UBND xã Đông Tiến chia sẻ, trước đây trục đường chính (quốc lộ 45 cũ) của xã dẫn vào thôn rất nhỏ hẹp. Ngày mưa, hầu hết các phương tiện đều gặp khó khăn trong việc di chuyển, đặc biệt là xe vận tải chở hàng phân phối cho các cơ sở kinh doanh.

Đến nay, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên cùng sự đóng góp của người dân, trục đường chính dài gần 1 km, rộng khoảng 7,5m đã hoàn thiện, đủ chỗ cho các phương tiện lưu thông qua lại. Cũng theo ông Thanh, chỉ riêng xây dựng nông thôn mới nâng cao, người dân trong xã đã hiến hơn 13.000m2 đất cho chính quyền để mở đường, xây dựng các công trình phúc lợi. “Làm nông thôn mới nâng cao, người dân trong xã đã đóng góp được 80 tỉ đồng dưới nhiều hình thức. Riêng hệ thống cơ sở vật chất văn hóa của xã được đầu tư tới hơn 10 tỉ đồng. Người dân ai nấy đều phấn khởi vì các nhà văn hóa được nâng cấp, mở rộng, sạch đẹp, thoáng mát, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trên địa bàn”, ông Thanh cho hay.

Ông Lê Bá Đê, thôn Hiệp Khởi (xã Đông Tiến) cho biết, bà con rất hồ hởi, phấn khởi bỏ tiền hiến đất, bỏ công, bỏ của tham gia lao động nên đến nay bê tông các tuyến đường thôn đã hoàn thành để trồng hoa. “Chuyện hiến đất làm đường tất cả đều phải xuất phát từ trách nhiệm cộng đồng. Hiến đất không phải mất đất mà làm đẹp cho chính gia đình mình, cho xã hội và để con cháu mai sau luôn nhắc nhớ tới những đóng góp của các thế hệ đi trước. Bây giờ ai cũng nói, vì làng nên đất vàng cũng hiến”, ông Đê chia sẻ. Theo chia sẻ của cán bộ xã Đông Tiến, để người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương xây dựng nông thôn mới, cán bộ xã phải kiên trì vận động, thuyết phục nhân dân cùng chung sức, đồng lòng trong việc thực hiện chính sách. “Nếu cán bộ nản chí, bỏ cuộc chỉ vì người dân không đồng ý hiến đất thì coi như việc vận động xây dựng nông thôn mới thất bại. Nhưng khi người dân thấu hiểu và ủng hộ chủ trương, thì sẽ trở thành phong trào có sức lan tỏa”.

Sự vào cuộc của nhân dân là quan trọng nhất

Có mặt tại xã Hoằng Lưu (huyện Hoàng Hóa), những tuyến đường trước đây chỉ rộng 2-2,5m, nay mở rộng lên 4-5m, thậm chí có nơi lên tới 7-9m. Đáng nói, phong trào này tiếp tục được duy trì và lan tỏa ở 6/6 thôn trong xã.

Đơn cử, cuối năm 2022, ở thôn Phượng Khê, rất nhiều hộ dân đã tự nguyện phá tường rào, cổng sắt, hiến đất để mở rộng đường thôn. Cũng tại xã Hoằng Phong (huyện Hoằng Hóa), phong trào hiến đất mở rộng đường khu dân cư trong các thôn diễn ra hết sức sôi động, tạo nên cuộc “cách mạng” thay đổi bộ mặt giao thông ở các thôn, xóm. Ba năm qua, nhân dân đã hiến trên 3.000m2 đất thổ cư và 2.500m2 đất nông nghiệp để mở rộng, nâng cấp đường với giá trị trên 9,5 tỉ đồng. Cùng với đó, nhân dân còn trồng 2,5 km đường hoa, cây cảnh; quét vôi ve chỉnh trang trên 10.000m2; mua trên 250 chậu hoa, có giá trị trên 1 tỉ đồng trồng trên các tuyến đường. Hoàn thành đóng góp làm biển số nhà 7/7 thôn với trên 1.600 biển số nhà giá trị trên 80 triệu đồng. Vẽ tranh bích họa toàn xã trên các trục đường, các nhà văn hóa trên 1.000m2 với giá trị trên 300 triệu đồng. Xây dựng 5 cổng chào thôn và 20 cổng chào của từng cụm dân cư giá trị trên 0,7 tỉ đồng…

Ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong cho biết, để có những thành quả như ngày hôm nay là sự vào cuộc của nhân dân là quan trọng nhất, xác định việc hiến đất, hiến các công trình làm đường là để phục vụ cho người dân, người dân được hưởng lợi. Do đó, bà con hết sức đồng thuận và ủng hộ chủ trương xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Năm 2021 và 2022, tỉnh Thanh Hóa thực hiện đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hơn 2.779 km đường giao thông nông thôn, 933 km kênh mương và rãnh thoát nước, 229 công trình thủy lợi. Cùng với đó, 2.677 phòng học, 1.269 km đường điện, 331 trạm biến áp, 75 trung tâm văn hóa - thể thao xã, 731 nhà văn hóa thôn, 66 chợ nông thôn, 78 trạm y tế, 38 công sở xã, 59 công trình cấp nước sinh hoạt, 18 bãi chứa rác thải tập trung, xử lý ô nhiễm môi trường và 130 nghĩa trang theo quy hoạch cũng được xây dựng mới.

Nhân dân các vùng quê trong tỉnh cũng huy động nguồn lực để chỉnh trang, xây mới trên 46.000 nhà ở dân cư theo tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, nhiều địa phương, nhân dân tích cực tham gia hiến đất, tự nguyện tháo dỡ công trình và đóng góp ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, tiêu biểu như các huyện Đông Sơn, Hoàng Hóa, Như Xuân, Thiệu Hóa, Thọ Xuân… Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế.

Toàn tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến hết năm 2023, có thêm 5 xã, 55 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, qua đó thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. 

 

 Theo tổng hợp từ Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, trong hai năm (2021, 2022), nhân dân trong tỉnh đã hiến hơn 34,25 ha đất thổ cư, đất nông nghiệp… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

 

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc