Dự thảo xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”: Còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, tiếp thu

VHO- Sáng qua 27.6, Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” (NNND), “Nghệ nhân ưu tú” NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT), tại TP.HCM. Hội nghị có sự tham dự của UBND các tỉnh, TP; Sở VHTTDL, Sở VHTT; các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành; các chuyên gia và đối tượng liên quan, khu vực phía Nam.

Dự thảo xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”: Còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, tiếp thu - Anh 1

 Hội nghị lấy ý kiến

 Hầu hết các đại biểu thống nhất với dự thảo Nghị định, trên cơ sở khắc phục những bất cập của Nghị định 62/2014/NĐ-CP, mang lại cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực DSVHPVT cho các nghệ nhân, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng nói chung và pháp luật về thi đua, khen tưởng đối với lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng.

Quy định 75% ý kiến đồng ý từ cộng đồng dân cư cần được cụ thể

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTTDL Cà Mau băn khoăn về quy định thời gian, từ NNƯT đến khi được xét danh hiệu NNND là bao nhiêu năm và các thành tích liên quan cũng như quá trình truyền nghề, thực hành kỹ năng,… rất cần được quy định cụ thể. Cạnh đó, ông Hùng quan tâm đến câu chuyện, đối với những di sản đã được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia thì chủ thể thực hành di sản đó có được công nhận danh hiệu? Điều này chưa thấy đề cập trong dự thảo mà theo ông là cần thiết.

Ở khoản 5 Điều 15 của dự thảo, về hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét danh hiệu, quy định phải đạt từ 75% ý kiến đồng ý từ cộng đồng dân cư. “Điều này cần lưu ý, có những di sản của cộng đồng dân cư lớn, của 1 tỉnh hoặc nhiều tỉnh, thì như vậy ý kiến cộng đồng dân cư là cộng đồng dân cư nào, phạm vi ra sao? Trong xóm, trong ấp, trong huyện, tỉnh hay các tỉnh? Ví dụ Đờn ca tài tử có chủ thể thực hành là dân cư 21 tỉnh, thành thì lấy ý kiến cộng đồng nào?”, ông Hùng nêu. Giám đốc Sở VHTTDL Cà Mau cũng đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ vì lâu nay, đối với hồ sơ thẩm định danh hiệu nghệ nhân và nghệ sĩ đều rất lâu. Theo ông Hùng, “nên chăng quy định cụ thể bao nhiêu năm, vì có những nghệ nhân lớn tuổi, đợi đến khi có quyết định được công nhận thì có khi họ đã mất rồi”.

Liên quan tiêu chuẩn xét danh hiệu NNƯT, NNND đối với những người từng là CB-CNV, ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Long cho biết, “theo quy định sau khi rời khỏi cơ quan nhà nước tới 15 năm thì mới được xét danh hiệu là quá dài. Chúng tôi đề nghị ban soạn thảo xem xét chi tiết này”. Ông Hoanh nói thêm, qua thực tiễn ba đợt xét, Vĩnh Long có được 43 NNƯT. Thời gian qua, Sở rất cố gắng, phối hợp với Sở LĐ,TB&XH hỗ trợ các nghệ nhân khó khăn theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP, với mức hỗ trợ là 1,2 triệu đồng/tháng. Ông Hoanh cho rằng mức hỗ trợ này còn quá thấp, hy vọng sắp tới phần hỗ trợ này sẽ được điều chỉnh tăng. Tương tự, ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng VHTTDL tỉnh Đồng Tháp cũng nêu ý kiến đề nghị rút ngắn thời gian đối với trường hợp cá nhân sau nghỉ hưu ở cơ quan nhà nước, từ 10-15 năm để tận dụng chất xám và thời gian còn lao động của lực lượng này.

Từng là Chủ tịch hội đồng xét danh hiệu NNND, NNƯT, ông Phạm Tuấn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết rất mừng khi Bộ VHTTDL lấy ý kiến dự thảo Nghị định, vì Nghị định 62/2014/NĐ-CP sau gần 10 năm đã bộc lộ nhiều bất cập. Liên quan đến khoản 5 Điều 15 tại dự thảo, về hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét danh hiệu, quy định phải đạt từ 75% ý kiến đồng ý từ cộng đồng dân cư, ông Hòa cho rằng khái niệm này khá trừu tượng, không biết là lấy ý kiến theo hộ khẩu hay nhân khẩu trong tổ dân phố đó. Cách lấy như thế nào? “Không khéo thì vì muốn “được” mà ông tổ trưởng cầm danh sách đi đánh dấu cho xong, hoặc ngược lại… Trong dự thảo yêu cầu có từ 80% phiếu đồng ý của tổng số thành viên hội đồng chuyên ngành cấp Bộ thì rõ rồi, nhưng ý kiến cộng đồng dân cư cần phải xem xét thận trọng và cụ thể hơn”, ông Hòa nói.

Dự thảo xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”: Còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, tiếp thu - Anh 2

 Nghệ nhân A Hliek và nghệ nhân - Già làng A Jring Đeng đang trao đổi về cồng chiêng (Ảnh minh họa)

Liệu có bỏ sót đối tượng?

Một số ý kiến cho rằng theo dự thảo Nghị định, không xét cá nhân đã được đào tạo qua trường lớp chính quy về thực hành loại hình DSVHPVT mà họ nắm giữ để có thêm các kỹ năng, bí quyết; Không xét cá nhân đã thoát ly khỏi cộng đồng (khoản 2 Điều 4). Về các quy định này, nhiều đại biểu cho rằng nên rạch ròi giữa đối tượng chuyên nghiệp và không chuyên, tuy nhiên, cần xét đến nhiều trường hợp khác nhau, nếu không rất dễ bỏ sót đối tượng.

Theo ông Dương Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở VHTTDL Hậu Giang, có một đối tượng là những người được đào tạo bài bản và đang thực hành truyền dạy ở các trung tâm văn hóa. Họ vẫn không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp, nên nếu họ muốn được xét danh hiệu NSƯT, NSND thì phải thi cử để có huy chương, điều này thì rất khó. “Tôi cho rằng chúng ta cần quan tâm đến đối tượng này, chúng ta tách lực lượng chuyên nghiệp thì đã rõ rồi, nhưng đây là những người trực tiếp hằng năm đào tạo ra nhiều nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca, họ được đào tạo bài bản rồi về địa phương tham gia câu lạc bộ, mở các lớp… Cho nên nếu chúng ta đánh đồng chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp chỉ bởi vì họ được đào tạo bài bản, thì đối tượng này sẽ bị lọt sổ, rất thiệt thòi”, ông Tùng bày tỏ. Đồng quan điểm, ông Trương Bá Trạng, Phó giám đốc Sở VHTTDL An Giang chia sẻ, “có những trường hợp học chính quy nhưng không hoạt động môi trường chuyên nghiệp mà đi truyền nghề… Nếu chúng ta không kịp tôn vinh để động viên thì rất thiệt thòi cho các anh em nằm trong đối tượng này”.

Liên quan đến câu chuyện này, các đại biểu bày tỏ khái niệm chuyên nghiệp và không chuyên trong vài trường hợp cũng chưa được chính xác, điều này gây khó khăn trong việc thẩm định hồ sơ, lựa chọn đối tượng xét công nhận danh hiệu. “Có những nghệ nhân thực hành di sản hàng chục năm, thậm chí cả đời đi truyền dạy Đờn ca tài tử, nhưng họ vẫn mang danh “không chuyên”, trong khi những nghệ sĩ dù non nghề, nhưng biểu diễn trên sân khấu thì gọi là chuyên nghiệp. Điều này trong nhiều trường hợp đã gây nên tình trạng không công bằng cho những người sáng tạo văn hóa”, một NSƯT chia sẻ.

Tại hội nghị, các địa phương cũng đề xuất cần giảm một số trình tự, thủ tục để tạo điều kiện cho việc xây dựng hồ sơ được thông thoáng, rút ngắn thời gian hơn. Ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó giám đốc Sở VHTTDL Gia Lai cho rằng trong quá trình làm hồ sơ tại địa phương cho thấy, một số nghệ nhân không biết chữ, họ cũng không rành về thủ tục hành chính, văn bản giấy tờ. “Do vậy tôi đề nghị nếu được thì hãy để công chức, viên chức ngành văn hóa trực tiếp làm hồ sơ cho nghệ nhân chứ không bắt buộc phải nghệ nhân tự làm hồ sơ hoặc ủy quyền bằng văn bản như dự thảo tại khoản 2 Điều 14. Ngoài ra, trong trình tự, thủ tục, dự thảo cũng yêu cầu phải có ý kiến bằng văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, thì tôi cho rằng điều này cực kỳ khó. Do đó nên chăng khi hội đồng cấp tỉnh đã thông qua, tổng hợp lại có biên bản gửi UBND tỉnh, Chủ tịch hội đồng công nhận là được rồi”, ông Hạnh nói.

Theo ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL), hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến có chất lượng, ban soạn thảo nhận thấy cần tiếp thu, nghiên cứu nghiêm túc, chỉnh sửa để qua dự thảo này, đến dự thảo lần 3 được hoàn thiện hơn, nhằm hướng tới câu chuyện tôn vinh nghệ nhân, đáp ứng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và từng bước đưa Nghị định đi vào cuộc sống. Ông Thái cho biết dự kiến vào trung tuần tháng 7, ban soạn thảo sẽ hoàn thiện dự thảo lần 3, do đó trong thời gian tới đề nghị các đại biểu tiếp tục đóng góp để dự thảo hoàn thiện hơn. 

 

 Tôi đề nghị nếu được thì hãy để công chức, viên chức ngành văn hóa trực tiếp làm hồ sơ cho nghệ nhân chứ không bắt buộc phải nghệ nhân tự làm hồ sơ hoặc ủy quyền bằng văn bản như dự thảo tại khoản 2 Điều 14.

Ngoài ra, trong trình tự, thủ tục, dự thảo cũng yêu cầu phải có ý kiến bằng văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, thì tôi cho rằng điều này cực kỳ khó. Do đó nên chăng khi hội đồng cấp tỉnh đã thông qua, tổng hợp lại có biên bản gửi UBND tỉnh, Chủ tịch hội đồng công nhận là được rồi.

(Ông NGUYỄN VĂN HẠNH, Phó giám đốc Sở VHTTDL Gia Lai)

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc