Điểm chuẩn vào lớp 10 công lập Hà Nội: Chênh lệch quá lớn giữa các khu vực

VHO- Với gần 45% thí sinh không có suất vào các trường THPT công lập, kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội chưa năm nào thôi gay cấn. Việc ngóng chờ điểm thi, điểm chuẩn trúng tuyển luôn khiến phụ huynh và thí sinh “căng hơn dây đàn”.

Điểm chuẩn vào lớp 10 công lập Hà Nội: Chênh lệch quá lớn giữa các khu vực - Anh 1

Sự chênh lệch điểm chuẩn vào 10 giữa các trường cho thấy chất lượng giáo dục và đào tạo giữa các khu vực của Hà Nội còn có khoảng cách quá lớn Ảnh minh họa

Theo kế hoạch, năm nay Hà Nội công bố điểm thi lớp 10 chậm nhất vào ngày 4.7, thế nên mới chiều tối 30.6, nghe thông tin đã có điểm, nhiều phụ huynh và học sinh khá bất ngờ.

Dự kiến đi du lịch 2 ngày 2 đêm tại FLC Thanh Hóa, gia đình chị Nguyễn Lan Hương ở Hà Đông, Hà Nội xuất phát từ 17h chiều thứ 6 (30.6). Đang trên đường, chị Hương nhận được nhiều tin nhắn của phụ huynh lớp con gái, xôn xao về việc có điểm thi, khiến gia đình chị vô cùng sốt ruột. Cầm khư khư chiếc điện thoại trong tay, chị Hương liên tục cập nhật tin nhắn, chốc chốc lại “hóng” xem có ai xem được điểm chưa. Chưa vào đến Thanh Hóa, điện thoại của chị đã sập nguồn, phải nhờ cứu viện là điện thoại của chồng. Cuối cùng thì cả gia đình cũng tạm thời thở phào vì điểm thi của con gái khá cao, được 45 điểm. Dự đoán là con sẽ đỗ nguyện vọng 1 vào Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông), nhưng chị vẫn có chút lo lắng. Thế nên, đến chiều 1.7, khi những tờ giấy viết tay về điểm chuẩn các trường được truyền đi trong các nhóm phụ huynh, với điểm chuẩn là 42,75, và sau đó là điểm chuẩn chính thức của Sở GD&ĐT đúng là 42,75, cả nhà chị mới hoàn toàn yên tâm.

Cùng tâm trạng phấp phỏng như chị Hương, gia đình chị Hòa ở Xuân Đỉnh cũng ôm máy tính suốt từ 14h đến 17h45 ngày 1.7, khi thông tin chính thức về điểm chuẩn xuất hiện trên một số trang báo. Cũng khá yên tâm với mức điểm 43 của con gái, nhưng chị vẫn sốt ruột khi điểm chuẩn chính thức chưa thông báo. Năm ngoái, Trường THPT Xuân Đỉnh lấy 39,75 điểm, ai cũng nghĩ năm nay sẽ tăng, nhưng hóa ra đây lại là một trong những trường giữ nguyên điểm chuẩn như 2022, nên Quỳnh Anh thừa tới 3,25 điểm. “Nguyện vọng của cả gia đình đã đạt được, con gái được trúng tuyển vào ngôi trường con yêu thích, đi học gần nhà nên bố mẹ cũng không phải đưa đón”, chị Hoà phấn khởi chia sẻ.

Không may mắn như chị Hòa, con trai của anh Nguyễn Bá Vinh (Tây Hồ) chỉ được 38,50 điểm. Con trai anh đăng ký NV1 vào trường THPT Tây Hồ, với điểm thi cao hơn điểm chuẩn năm ngoái 2,25 điểm, nhưng cả nhà anh vẫn bồn chồn không yên khi tỷ lệ chọi lên tới 1/1,94. Và nỗi lo lắng đã trở thành hiện thực, khi điểm thi của con anh chỉ cách điểm trúng tuyển có 0,25 điểm. “Còn nước còn tát”, gia đình anh thống nhất cho con làm đơn phúc khảo với hy vọng mong manh là tổng điểm được nâng lên, đồng thời điểm chuẩn của trường sẽ được hạ xuống.

Năm nay, điểm chuẩn của nhiều trường THPT công lập Hà Nội tăng, phần vì đề thi vừa sức, phần vì đã qua đại dịch Covid-19 được hơn một năm, các em được đi học trực tiếp, có thời gian ôn luyện nên đã kịp thời bổ sung kiến thức.

Phân tích về đề thi vào 10, nhiều giáo viên cho rằng, đề vẫn giữ nguyên cấu trúc như nhiều năm trước. Đây là điểm thuận lợi cho học sinh vì đề thi tương tự những dạng bài các em đã được học, ôn và thi thử. Các em học lực trung bình cũng dễ dàng đạt 6-7 điểm, học lực khá giỏi khoảng 8-9 điểm.

Ví như với đề Văn, ngay sau buổi thi sáng 10.6, cô Đinh Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa) đã nhận định, đề kiến thức rất cơ bản và khá là nhẹ nhàng, dự đoán là phổ điểm sẽ cao.

Về môn Toán, thầy Đào Hữu Sơn, Tổ trưởng tổ Toán - Công nghệ Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình) cũng nhận định, đề toán năm nay không khó, học sinh có thể dễ dàng đạt điểm từ 8-8,5. “Đề ra vừa sức, dễ hơn hẳn so với các đề mà học sinh đã thi thử ở trường, ở quận. Điểm chuẩn các trường top đầu năm nay dự đoán tăng cao nhất khoảng 1-2 điểm”, thầy Sơn nhận định ngay sau buổi thi sáng 11.6.

Mặc dù điểm chuẩn tăng đều, nhưng điểm chuẩn giữa các trường có độ chênh lệch rất lớn, các trường top đầu, trong đó đứng đầu là THPT Chu Văn An, điểm trúng tuyển trung bình mỗi môn là 8,9 điểm; trong khi trường có điểm chuẩn thấp nhất là THPT Minh Quang, trung bình chỉ là 3,4 điểm/môn (tổng 17,00 điểm).

Sự chênh lệch điểm chuẩn giữa các trường cho thấy chất lượng giáo dục và đào tạo giữa các khu vực của Hà Nội còn có khoảng cách quá lớn. Đây là bài toán khó cho Thủ đô trong việc thu hẹp khoảng cách về chất lượng đào tạo giữa khu vực nông thôn và đô thị, để không còn câu chuyện hơn 3 điểm đã đỗ, trong khi hơn 8 điểm vẫn đứng ngoài cổng trường. 

 HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc