Các nhà văn Việt Nam góp phần bảo vệ nền văn hóa của dân tộc

VHO – “Gần 50 năm qua, kể từ ngày đất nước thống nhất, bằng những trang viết đầy lương tâm và trí tuệ của mình, các nhà văn Việt Nam đã góp phần quan trọng trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước, hòa hợp dân tộc, bảo vệ chủ quyền đất nước, giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam với thế giới, đặc biệt là bảo vệ nền văn hóa của dân tộc, khẳng định những giá trị truyền thống và mở ra những vẻ đẹp mới trong văn hóa và tâm hồn con người Việt Nam”.

Các nhà văn Việt Nam góp phần bảo vệ nền văn hóa của dân tộc - Anh 1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo Đại hội

Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất diễn ra sáng nay 30.9 tại Đồ Sơn, Hải Phòng do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc… gửi lẵng hoa tươi thắm chúc mừng Đại hội.

Tham dự Hội nghị là 300 nhà văn có tuổi đời trên 70 tuổi, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, giải thưởng của Hội Nhà văn hằng năm và một số giải thưởng uy tín khác. Các đại biểu là những nhà văn, hội viên Hội nhà văn có đóng góp tích cực cho sự phát triển văn học và của Hội Nhà văn Việt Nam.

Hội nghị được tổ chức để nhìn lại những thành tựu và bài học kinh nghiệm sau 35 năm đổi mới văn học nước nhà; tăng cường đoàn kết, động viên toàn thể đội ngũ nhà văn phát huy trách nhiệm, tiếp tục gắn bó với thực tế đời sống, phấn đấu sáng tạo những tác phẩm lớn, có sức khái quát cao, phản ánh sinh động, đầy đủ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đất nước, có tác dụng sâu sắc góp phần phát triển văn hóa, xây dựng giá trị con người Việt Nam. Đặc biệt là xác lập sứ mệnh của Văn học trong việc giáo dục lịch sử dân tộc, gìn giữ và phát huy những vẻ đẹp văn hóa truyền thống.

Hội nghị đánh giá những thành tựu to lớn của các nhà văn lão thành đối với nền văn học Việt Nam trong 50 năm qua. Đồng thời tôn vinh các thế hệ nhà văn dành cả đời đi theo Đảng trên con đường giành độc lập, tự do, thống nhất và, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, cũng như xây dựng nền văn học, văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các nhà văn Việt Nam góp phần bảo vệ nền văn hóa của dân tộc - Anh 2

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu khai mạc

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, phát huy vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình ấy, văn nghệ sĩ, nhà văn luôn được đặt ở vị trí trung tâm, có vai trò quyết định sáng tạo ra giá trị tinh thần cao đẹp cho xã hội. Các nhà văn Việt Nam qua từng thế hệ, nhất là các nhà văn lão thành đã không phụ sự ủy thác của nhân dân, của đất nước và của Đảng, đã có mặt trong từng bước thăng trầm của đất nước, thấu cảm với từng niềm vui, nỗi buồn của nhân dân, đã sáng tạo ra những tác phẩm còn mãi với thời gian, góp phần tạo nên nền văn học chân chính, đóng góp to lớn vào xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Mỗi trang viết, mỗi tác phẩm của các nhà văn mang nhịp đập trái tim của dân tộc mình, của thời đại mình và đồng thời phản ánh chân thật, sâu sắc về con người; góp phần khẳng định dân tộc Việt Nam là một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, với khát vọng hòa bình lớn lao và ý chí không gì có thể khuất phục, sẵn sàng hy sinh tất cả cho nền độc lập của dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân.

“Các nhà văn lão thành, trong đó rất nhiều nhà văn đã là “nhà văn chiến sĩ”, đi qua các cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, sáng tạo nên những tác phẩm mang dấu ấn thời đại, như những “đoàn quân” đặc biệt với sức mạnh tinh thần Việt Nam bất diệt, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của dân tộc. Chúng ta xúc động tưởng nhớ và tri ân các nhà văn đã mất, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến vĩ đại cho độc lập, tự do và thống nhất đất nước như: Nam Cao, Thâm Tâm, Trần Đăng, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Trọng Định, Trần Quang Long, Dương Thị Xuân Quý… những con người mà cuộc đời và tác phẩm của họ còn sống mãi với Tổ quốc, với nhân dân”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Các nhà văn Việt Nam góp phần bảo vệ nền văn hóa của dân tộc - Anh 3

Các đại biểu dự Hội nghị

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. 75 năm sau, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Văn hóa còn là dân tộc còn”. Điều đó cho thấy văn hóa là sự sống còn của một dân tộc.

Đề cập tới tình hình hiện nay, Chủ tịch nước cho rằng: Kẻ thù lớn nhất của dân tộc trong chiến tranh là những kẻ xâm lược bằng những con người cụ thể, được xác định rõ ràng, nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong hòa bình lại không dễ nhận diện. Đó là sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, là sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại… Chính vì thế, sứ mệnh, trách nhiệm của nhà văn Việt Nam lúc này lại càng lớn lao và yêu cầu cao hơn. Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này.

Các nhà văn Việt Nam luôn là những chiến sĩ tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác và bảo vệ phẩm giá con người bằng con đường kỳ diệu của văn học, gieo những hạt giống của cái đẹp vào tâm hồn con người.

Chủ tịch nước nhìn nhận: Cuộc đời và tác phẩm của các nhà văn lão thành là biểu tượng thật đẹp của sự thống nhất trong lý tưởng và hành động, tràn đầy tình yêu Tổ quốc, gắn bó và gần gũi với nhân dân, hòa mình vào dòng chảy của đời sống, khát vọng lớn lao, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết… Các nhà văn lão thành tiếp tục là chỗ dựa tinh thần bền vững và tin cậy, truyền cảm hứng, kinh nghiệm sống và sáng tác, khích lệ cá tính sáng tạo, ủng hộ cái mới cho các nhà văn trẻ, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, với xu thế của thời đại, luôn hướng tới, đi cùng con đường vì “cái đẹp, vì con người và vì dân tộc”.

“Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất cho các nhà văn trong sáng tạo cũng như công bố và tôn vinh những tác phẩm văn học có giá trị, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Chủ tịch nước khẳng định và nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".

Các nhà văn Việt Nam góp phần bảo vệ nền văn hóa của dân tộc - Anh 4

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trân trọng trao cuốn sách Một con người, một con đường và một lịch sử - Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ tặng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Phát biểu tại Hội nghị, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Nhiều nhà văn tham dự Hội nghị này đã bước vào cuộc chiến tranh khi còn rất trẻ. Họ cầm súng và sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân cho sự tồn vong của dân tộc. Họ cầm bút để bảo vệ lương tri và phẩm giá con người Việt Nam trước mọi đe dọa, mọi thách thức. Nếu không có những câu thơ như của Hoài Vũ, của Giang Nam, Lê Anh Xuân, của Nguyễn Mỹ, Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm và những áng văn như của Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành, Phan Tứ, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Oánh, Lê Lựu thì liệu chúng ta có đi qua được những năm tháng vô cùng tàn khốc của chiến tranh, được làm người chân chính và kiêu hãnh?

Cho đến nay, có biết bao nhà văn của từng thế hệ đã ra đi. Chúng ta không còn được gặp họ nhưng chúng ta gặp họ trong giấc mơ làm người cao cả và trong khát vọng sống bất diệt của một dân tộc. Những gì họ sống, những gì họ viết đã hoá thành trầm tích trong dòng chảy vô tận của văn hóa dân tộc.

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trân trọng tặng cuốn sách Một con người, một con đường và một lịch sử - Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ tới đồng chí Võ Văn Thưởng. Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng tặng hoa ba nhà văn lão thành gồm: Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Ma Văn Kháng.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng trao tặng bằng tôn vinh ba nhà văn: Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Ma Văn Kháng.

Các nhà văn Việt Nam góp phần bảo vệ nền văn hóa của dân tộc - Anh 5

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tặng hoa, bằng tôn vinh cho nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và Nhà thơ Hữu Thỉnh (nhà văn Ma Văn Kháng vì lý do sức khoẻ không dự Hội nghị)

Tham luận, phát biểu của các nhà văn tại Hội nghị đã ôn lại những ngày tháng tràn đầy kỷ niệm của Hội Nhà văn Việt Nam trong khoảng 60 năm qua, với những hình ảnh, câu chuyện cảm động, sâu sắc về chuyện đời, chuyện nghề. Có đại biểu nói lên những cảm nhận sâu xa về đời sống văn học nước nhà những năm qua cũng như trong giai đoạn hiện nay và cho rằng người viết văn Việt Nam chưa bao giờ có nhiều điều kiện thuận lợi, thách thức như bây giờ. Trong đó, mỗi người viết cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ về "dân làm gốc" để hòa mình vào thực tế cuộc sống, để sáng tác.

Đại diện các nhà văn trẻ phát biểu ý kiến đã bày tỏ tình cảm tri ân và trân trọng những giá trị mà các nhà văn lão thành đã xây dựng, kiến tạo; đồng thời thể hiện tinh thần sẵn sàng học hỏi, quyết tâm kế thừa, phát triển để tiếp tục tiến bước trên con đường văn chương tràn đầy đam mê, hấp dẫn nhưng cùng nhiều thử thách.

Trong khuôn khổ Hội nghị, diễn ra đêm thơ, nhạc nhằm giới thiệu một số tác phẩm đi cùng năm tháng của các nhà thơ lão thành Việt Nam với tên gọi: "Âm vang mùa Thu" nhằm dựng lên một phần đời sống thơ ca với sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, xây dựng Tổ quốc và chấn hưng văn hóa.

Ban Tổ chức Hội nghị tổ chức một không gian trưng bày sống động và hấp dẫn những hình ảnh, sự nghiệp của các nhà văn đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc và các nhà văn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Nhân dịp Ngày Quốc tế người cao tuổi (1.10), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm hỏi, tặng quà cụ Phạm Văn Lưu (tên thường gọi Phạm Văn Những), sinh năm 1928, là cha của liệt sĩ Phạm Văn Lâm, hy sinh năm 1979 tại chiến trường Tây Nam. Cụ Phạm Văn Lưu vào Đảng ngày 20.10.1950, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, hiện đang sinh sống tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

NGUYỄN QUÂN

Ý kiến bạn đọc