Thanh Hóa quán triệt, triển khai quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

VHO - “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” - đó là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021. Luận điểm này của người đứng đầu Đảng ta trở thành định hướng quan trọng đối với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tổ chức triển khai thực hiện đường lối văn hóa của Đảng. Quán triệt, triển khai quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, tỉnh Thanh Hóa luôn coi trọng bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa xứ Thanh, đồng thời phát huy những tiềm năng, giá trị khác biệt, cơ hội và lợi thế cạnh tranh để sớm trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Tổ quốc.

Thanh Hóa quán triệt, triển khai quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Anh 1

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đánh trống khai hội Lễ hội Lam Kinh

Thanh Hóa là nơi có “biển bạc, rừng vàng”, luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa của dân tộc. Nhắc đến xứ Thanh là nhắc đến vùng đất trầm tích các giá trị văn hóa tốt đẹp, mà nổi bật nhất là nền văn hóa đồ đồng với “Trống đồng Đông Sơn” đã góp phần làm cho kho tàng văn hóa Việt Nam phát triển phong phú, rực rỡ. Đây cũng là một trong những “cái nôi” chứa đựng giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Việt nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, với những hình thức đặc sắc về huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hóa, ẩm thực... Nơi sản sinh ra những làn điệu dân ca Đông Anh, hò Sông Mã, điệu khặp của người Thái, hát xường của người Mường, đồng hành cùng sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”... Xứ Thanh “Địa linh, nhân kiệt” là nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến (Tiền Lê, Hậu Lê, Nhà Hồ, Nhà Nguyễn); nơi sinh thành, dưỡng dục nhiều anh hùng, hào kiệt, nhiều chí sĩ, văn nhân nổi tiếng, như Triệu Thị Trinh, Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ... Những yếu tố tốt đẹp đó đã tạo nên truyền thống văn hóa giàu bản sắc của đất và người Thanh Hóa.

Quán triệt sâu sắc quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” (1) tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021, các Cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả, đưa văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội, phát huy vai trò nền tảng tinh thần, động lực, mục tiêu của sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Các Cấp ủy Đảng, chính quyền có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa; nhiều hoạt động được quan tâm tổ chức với cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân góp phần củng cố, hoàn thiện cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh, phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và hưởng thụ văn hóa của người dân. Tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 567 thiết chế, công trình văn hóa, thể thao; trong đó có 5 công trình cấp tỉnh, 20 công trình cấp huyện, 542/559 xã có trung tâm văn hóa - thể thao hoặc hội trường đa năng.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tiếp tục được tăng cường. Toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 1.535 di tích được kiểm kê và công bố; trong đó, đã xếp hạng là 856 di tích (2); có 10 bảo vật quốc gia, 15 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hệ thống bảo tàng trong toàn tỉnh hiện đang bảo quản và trưng bày hơn 32.855 hiện vật các loại qua các thời kỳ lịch sử, trong đó có khoảng 120 trống đồng thuộc loại quý hiếm và hàng nghìn hiện vật, cổ vật quý có giá trị lịch sử, văn hóa cao. Công tác tu bổ chống xuống cấp và phục hồi, tôn tạo di tích được đẩy mạnh; các lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian được khôi phục và bảo tồn gắn với phát triển du lịch. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn được duy trì thường xuyên nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống tinh thần, giáo dục thẩm mĩ cho nhân dân... Từng là cái nôi của văn hóa kháng chiến - nơi Ủy ban Toàn quốc Văn học - Nghệ thuật Việt Nam ra đời và hoạt động từ năm 1947; những năm qua, hoạt động văn học - nghệ thuật trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 492 văn nghệ sĩ, trong đó có 9 nghệ sĩ nhân dân, 40 nghệ sĩ ưu tú; có 7 văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật. Đội ngũ văn nghệ sĩ Thanh Hóa đã phát huy nhiệt tình sáng tạo nghệ thuật và trách nhiệm công dân trong hoạt động, sáng tác nhiều tác phẩm hướng độc giả vươn tới các giá trị chân - thiện - mỹ, với tính chiến đấu và tính nhân văn cao cả, sâu sắc.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa với các địa phương có quan hệ hợp tác hữu nghị trong và ngoài nước, như Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào); thành phố Seongnam (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc), tỉnh Mittelsachsen (bang Sachsen, Cộng hòa Liên bang Đức), tỉnh Al Farwaniyah, (Coet), tỉnh Niigata (Nhật Bản)... Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức thành công nhiều sự kiện đối ngoại văn hóa lớn tại Thanh Hóa, như Hội nghị gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc, Hội nghị 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Ngày Italia tại Thanh Hóa...

Thành tựu xây dựng và phát triển văn hóa đã góp phần xây dựng và hoàn thiện con người xứ Thanh ở cả ba mặt: lý tưởng, năng lực và đạo đức, lối sống. Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, học tập đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã giáo dục, rèn luyện, xây dựng những đức tính cao quý của con người mới, trong đó, phẩm chất nổi bật là lòng yêu nước, yêu quê hương; tinh thần tự cường, tự tôn dân tộc, nỗ lực vượt qua khó khăn; tính cộng đồng, đoàn kết, trọng nghĩa tình; sự hiếu học, sức sáng tạo không ngừng. Các phong trào xây dựng con người mới được tiến hành rộng khắp, tiêu biểu như Phong trào “Xây dựng phong cách nhà giáo, trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Thanh niên tình nguyện”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”; “Xây dựng cơ quan, doanh nghiệp văn hóa”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nguyên vật liệu”... Các phong trào thi đua đã góp phần bồi dưỡng, giáo dục, xây dựng con người Thanh Hóa ngày càng hoàn thiện chuẩn mực, luôn hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ.

Những kết quả đạt được trên lĩnh vực văn hóa đã có tác động tích cực, trong đó con người đóng vai trò chủ thể, trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa phát triển với những thành quả rất đáng tự hào. Đặc biệt, trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử, nhất là những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2023 vẫn tiếp tục khởi sắc. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước. Quy mô GRDP năm 2023 đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh luôn vượt dự toán; tốc độ tăng thu đạt 11,3%. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; nhiều chỉ tiêu tăng cao hơn so với mục tiêu và so với năm 2020. Chính trị ổn định, quốc phòng – an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực.

Bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, nhiệm vụ phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế, đó là: Khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, dân tộc, các bộ phận dân cư còn lớn; đời sống văn hóa tinh thần có nơi còn nghèo nàn, đơn điệu. Một số địa phương, đơn vị phát triển văn hóa chưa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động kinh tế chưa chú ý đến văn hóa. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa chưa tương xứng với hệ thống di sản văn hóa và tiềm năng, vị thế của tỉnh, vẫn còn xảy ra sai phạm ở một số di tích trong quá trình tu bổ, tôn tạo. Văn học - nghệ thuật phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sáng tạo và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật chưa có bước đột phá. Việc phát triển con người toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ chưa đáp ứng yêu cầu...

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; các chương trình, đề án của tỉnh về lĩnh vực văn hóa, trong đó sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành nghị quyết của Tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Thanh Hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh và đất nước.

Thứ hai, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách của tỉnh liên quan đến lĩnh vực văn hóa, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án, kế hoạch trên lĩnh vực văn hóa; quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở. Nghiên cứu tăng mức đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho lĩnh vực văn hóa phù hợp với nguồn lực của tỉnh. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp cho phát triển văn hóa, con người. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa các cấp, theo hướng chuyên trách, chuyên sâu, thực sự hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thứ ba, tăng cường xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình, nhà trường, xã hội để nuôi dưỡng và hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện trên cơ sở hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tăng cường xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; coi trọng, bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật biểu diễn và văn hóa cơ sở, từng bước phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tăng cường tổ chức hoạt động nghệ thuật quần chúng, chiếu phim lưu động, triển lãm, thông tin cổ động về văn hóa, con người Thanh Hóa ở các địa phương, vùng, miền trong tỉnh, nhất là trong thanh, thiếu niên, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, người lao động trong các khu công nghiệp. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động văn học, nghệ thuật nhằm phát huy giá trị văn hóa, bồi dưỡng tâm hồn, khơi dậy khát vọng cống hiến, hoàn thiện nhân cách con người Thanh Hóa...

Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực của xã hội để phát triển sự nghiệp văn hóa, đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, tu bổ, chống xuống cấp di tích, phục vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch. Tăng cường giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động văn hóa giữa các địa phương trong tỉnh và với các địa phương trong và ngoài nước.

TS ĐỖ TRỌNG HƯNG

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa

---------------------

(1) Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 19.6.2014, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước”

(2) Di sản văn hóa thế giới (Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ), 5 di tích quốc gia đặc biệt (Đền Bà Triệu, Khu di tích Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền thờ Lê Hoàn và thắng cảnh Sầm Sơn), 139 di tích cấp quốc gia, 711 di tích cấp tỉnh

Ý kiến bạn đọc