Vai trò của phụ nữ DTTS trong gìn giữ văn hóa truyền thống

VHO - Bằng những việc làm thiết thực, phụ nữ các DTTS trên cả nước đã và đang tích cực tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Với nhiều hình thức khác nhau, như: Tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với giá trị văn hóa bản địa, gìn giữ các ngành nghề thủ công truyền thống, họ chính là những người chủ động đưa văn hóa trở thành nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội...

Vai trò của phụ nữ DTTS trong gìn giữ văn hóa truyền thống - Anh 1

 Tình yêu đối với dân tộc và văn hóa riêng của mình, phụ nữ DTTS đã có nhiều hoạt động khôi phục, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống

 Thời gian qua, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành, thực hiện đã đưa vùng DTTS và miền núi ở nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy vai trò của mình trong học tập, lao động và công tác, đạt thành tích xuất sắc trên nhiều lĩnh vực nói chung, trong sáng tạo, trao truyền, phổ biến, quảng bá các giá trị văn hóa nói riêng, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Với những thành quả đã đạt được, vai trò và vị trí của người phụ nữ Việt Nam đã được ghi nhận, đánh giá cao và được thể chế hóa thông qua hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách.

Đóng góp xuất sắc trên nhiều lĩnh vực

Việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung và Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đóng góp chung vào thành quả đó có sự chung tay của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Có thể khẳng định, phụ nữ DTTS là lực lượng trực tiếp tham gia vào các hoạt động gìn giữ, phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Từ lúc mới sinh ra cho đến khi trưởng thành, họ đã được các bà, các mẹ và người thân trong gia đình dạy cách trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm để lấy sợi, lấy tơ dệt vải; thêu, dệt thổ cẩm để may thành các bộ trang phục hay những tấm chăn màn, gối đệm sử dụng trong gia đình, thậm chí là sản phẩm trao đổi hàng hóa trong cộng đồng. Các loại hình diễn xướng dân gian được hình thành trong đời sống lao động, tình cảm, tín ngưỡng, tôn giáo và các sinh hoạt cộng đồng; dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc sắc được họ sáng tạo, duy trì và phát triển thành sản phẩm phục vụ du lịch.

Với tình yêu đối với dân tộc và văn hóa riêng của mình, bằng nhiều cách thức khác nhau, phụ nữ DTTS đã có nhiều hoạt động khôi phục, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống; tận dụng, phát huy nét đặc sắc bản địa để phát triển thành sản phẩm đặc thù phục vụ phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em, tăng thêm nguồn thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.... Trong thành công chung của sự phát triển kinh tế - xã hội các vùng đồng bào DTTS và miền núi, có sự đóng góp xứng đáng của các cấp Hội và hội viên, phụ nữ trong cả nước. Ngày càng có nhiều phụ nữ tài năng và sáng tạo, là những tấm gương điển hình, đóng góp xuất sắc trên mọi lĩnh vực.

Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Quan niệm cho rằng phụ nữ chỉ làm việc nhà và trách nhiệm ra ngoài kiếm tiền thuộc về nam giới đã thay đổi. Bản thân phụ nữ trong quá trình tham gia vào các hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch cũng như sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống đã chứng minh được năng lực của mình. Nhiều người biết khai thác, phát huy văn hóa, tài nguyên của địa phương như dệt thổ cẩm, đan lát, liên kết làng du lịch cộng đồng… và khởi nghiệp thành công, làm chủ cuộc sống, phát triển kinh tế, nâng cao vị thế trong xã hội.

Du lịch văn hóa phát triển ở các làng bản DTTS chẳng những giúp kinh tế các hộ gia đình trở nên vững vàng mà còn nâng cao hơn chất lượng cuộc sống. Đối với mô hình sản xuất nông nghiệp thuần túy, vai trò chỉ đạo sản xuất, “trụ cột” thường gắn với người đàn ông, nhưng khi phát triển du lịch, thì phụ nữ lại nắm vai trò chủ đạo. Chính vì vậy, để triển khai thực hiện chủ trương bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đạt được hiệu lực, hiệu quả thì vai trò của người phụ nữ là rất quan trọng.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân nói chung và cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ nói riêng về văn hóa, nhất là các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc; từ đó hình thành ý thức tự bảo vệ, phát triển văn hóa truyền thống, đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục cho thế hệ trẻ, con em đồng bào DTTS. Tích cực tổ chức các chương trình giao lưu, liên hoan văn hóa văn nghệ, học tập kinh nghiệm giữa các CLB sinh hoạt văn hóa văn nghệ, HTX sản xuất kinh doanh các sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Cùng với đó, xây dựng các mô hình cụ thể tại các chi hội trong việc thực hiện các cuộc vận động, các chương trình, đề án có liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến của phụ nữ trong việc kết hợp phát triển kinh tế cũng như gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong gia đình, cộng đồng… Phối hợp cùng với các cơ quan, đoàn thể tại cơ sở để phát huy vai trò của người có uy tín, các cá nhân am hiểu trong xây dựng các hoạt động văn hóa văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng, phát huy các thiết chế văn hóa truyền thống và tạo dựng môi trường lành mạnh phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Các hoạt động tích cực này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần trong cộng đồng; góp phần định hướng cho thế hệ trẻ trong tiếp thu các giá trị hiện đại, phù hợp với thuần phong mỹ tục, rèn luyện đạo đức, lối sống và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc…

Trên thực tế, thời gian qua chúng ta đều thấy sự có mặt của phụ nữ DTTS tiêu biểu, thành công, có tầm ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho đông đảo phụ nữ Việt trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Đặc biệt, phụ nữ DTTS đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc - cốt lõi của sự phát triển bền vững. Họ đã và đang là những người chủ động đưa văn hóa dân tộc mình trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.

Cùng với các lực lượng phụ nữ cả nước nói chung, phụ nữ các DTTS đang tiếp tục tô thắm thêm truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần quan trọng xây dựng quê hương, đất nước ngày một phát triển. 

 NGUYỄN THỊ HẢI NHUNG

Ý kiến bạn đọc