Lễ hội đền Tranh Xuân Giáp Thìn: Lan tỏa những tinh hoa văn hóa truyền thống

VHO - Lễ hội Đền Tranh Xuân Giáp Thìn 2024 đồng thời diễn ra lễ công bố và trao Quyết định của UBND tỉnh Hải Dương công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang là Điểm du lịch.

Lễ hội đền Tranh Xuân Giáp Thìn: Lan tỏa những tinh hoa văn hóa truyền thống - Anh 1

Lễ hội Đền Tranh Xuân Giáp Thìn 2024 đồng thời diễn ra lễ công bố và trao Quyết định của UBND tỉnh Hải Dương công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh là điểm du lịch

Theo kế hoạch của UBND huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) về việc tổ chức Lễ hội đền Tranh xuân Giáp Thìn năm 2024 và công bố Quyết định của UBND tỉnh Hải Dương công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh, xã Đồng Tâm là Điểm du lịch, sự kiện năm nay được tổ chức trong 3 ngày, ngày 19.3 và ngày 23 – 24.3 (tức ngày 10.2 và 14 – 15.2 âm lịch).
Trong đó, ngày 18.3 (9.2 âm lịch) diễn ra lễ trình trước khi thực hiện lễ rước nước; lễ khai quang tịnh đền; trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các xã, thị trấn trong huyện; chương trình đêm văn nghệ chào mừng.
Ngày 19.3 (tức 10.2 âm lịch), buổi sáng diễn ra các nghi lễ và hoạt động như lễ rước nước; chương trình văn nghệ và múa lân - sư rồng; khai hội; công bố và trao Quyết định của UBND tỉnh Hải Dương công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang là Điểm du lịch; đọc chúc văn; lễ dâng hương. Từ 14 - 21h diễn ra tế Quan và tế Mẫu; lễ mộc dục.

Lễ hội đền Tranh Xuân Giáp Thìn: Lan tỏa những tinh hoa văn hóa truyền thống - Anh 2

Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc

Ngày 23 – 24.3 (14 – 15.2 âm lịch) sẽ tổ chức các trò chơi dân gian như đập niêu đất, bắt chạch trong chum, bịt mắt bắt dê, vật dân tộc, đi cầu kiều trên cạn, bóng bàn, bóng chuyền hơi nam - nữ, pháo đất, kéo co, cờ tướng, múa rối nước; lễ tế tạ.
Điểm nhấn của lễ hội là chương trình chào mừng Đản nhật sinh thần Quan lớn Tuần Tranh Ninh Giang Hải Dương với đêm nghệ thuật chào mừng diễn ra lúc 20 giờ ngày 18.3 do các nghệ nhân, nghệ sĩ tên tuổi tham gia trình diễn như: NNƯT Đặng Ngọc Anh, NSND Thanh Hoài, NSND Trọng Bình; các nghệ sĩ như Hùng Min, Nam Giang và các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hải Dương biểu diễn.
Ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết, sự kiện được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, truyền thống tốt đẹp của lễ hội đền Tranh - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật được thờ tại di tích.

Thông qua các hoạt động, góp phần tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hoá tiêu biểu, điểm du lịch, truyền thống tốt đẹp của lễ hội đền Tranh; giáo dục truyền thống, ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc thực hiện, giữ gìn phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách thập phương.

Lễ hội đền Tranh Xuân Giáp Thìn: Lan tỏa những tinh hoa văn hóa truyền thống - Anh 3

UBND huyện  Ninh Giang (Hải Dương) tặng bằng khen cho NNƯT Đặng Ngọc Anh

Đền Tranh tọa lạc tại thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương với tổng diện tích là 29.417m2.
Đền Tranh thờ Quan đệ Ngũ Tuần Tranh là vị tôn quan thứ 5 trong Ngũ vị Tôn Ông của tín ngưỡng thờ Tứ phủ trong dân gian của người Việt. Theo truyền thuyết, xưa kia ở xã Lạc Dục, huyện Tứ Kỳ, có hai vợ chồng nhà nghèo, đã già mà chưa có con. Một hôm, người chồng cuốc vườn bắt được ở cạnh một bụi cây hai cái trứng, ngỡ là trứng chim nên đem đi cất cẩn thận. Ngờ đâu, hai cái trứng nở ra hai con rắn. Vợ lấy làm sợ muốn đem giết đi, nhưng chồng không nghe, nói rằng có lẽ trời cho ta khuây khoả cảnh già đây. Quả nhiên, hai con rắn ấy quấn quýt với hai vợ chồng ông già.
Một hôm khác, người chồng cuốc đất, một con rắn nhảy vào đùa nghịch, bị ông cuốc cụt đuôi, về sau khi linh ứng, dân làng khiếp sợ lập miếu thờ gọi là miếu ông Cộc, ông Dài nhưng phải cái nó chỉ ăn gà thôi. Ông hay đi bắt trộm gà cho chúng ăn, sau sợ hàng xóm biết phải tội nên đành phải mang vứt xuống sông Tranh. Chỗ vứt hai con rắn ấy về sau nước xoáy dữ. Có bà công chúa muốn qua sông, nhưng nước xoáy dữ, thuyền không qua được. Sau theo lời quan, dân sở tại đòi hai vợ chồng ông già đến hỏi chuyện. Bà lão sợ hãi bèn lấy hai nắm cơm vứt xuống sông và nói rằng: “Con ơi, con có thương mẹ thì đừng nổi sóng nữa để mẹ khỏi tội”. Nói vừa xong thì sóng yên lặng.
Về sau, do có nhiều công giúp dân buôn thuyền, bán bè, qua sống bình an, may mắn, vị thần được nhân dân lập ra ngôi đền thờ để cai quản khúc sông này và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương và khách thập phương.

Lễ hội đền Tranh Xuân Giáp Thìn: Lan tỏa những tinh hoa văn hóa truyền thống - Anh 4

NNƯT Đặng Ngọc Anh mong muốn những giá trị văn hóa truyền thống ở lễ hội Đền Tranh  sẽ được tôn vinh, lan tỏa đến du khách thập phương

Di tích đền Tranh tọa lạc trên khuôn viên rộng rãi với 34 gian lớn nhỏ, bao gồm 7 gian tiền tế, 7 gian trung từ, 7 gian nhà nối, 3 gian cổ dải, 3 gian hậu cung, 7 gian đông vu và nhiều công trình phụ trợ khác như tòa đông vu gồm 7 gian đao tầu déo góc, chất liệu bằng gỗ lim, lợp ngói mũi; nghi môn được xây dựng theo kiểu "chồng diêm cổ các”, gồm 2 cửa phụ một cửa chính, quy mô lớn như nghi môn xưa; nhà bia, đài hoá sớ…
Ông Vũ Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương cho biết, đền Tranh xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 1214/QĐ-BVHTTDL, ngày 25.3.2009. Lễ hội truyền thống đền Tranh được Bộ VHTTDL ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 781/QĐ-BVHTTDL ngày 4/4/2022.
Đây là tài nguyên nhân văn quý giá, có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần không chỉ của cộng đồng nhân dân địa phương mà còn của cả con dân đất Việt, điều đó càng khẳng định cho việc xác định tiềm năng, thế mạnh của di tích trong việc đóng góp vào sự phát triển du lịch của huyện Ninh Giang nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung.
NNƯT Đặng Ngọc Anh, Trưởng Ban Khánh tiết Lễ hội Đền Tranh năm 2024 cho biết, BTC lễ hội luôn mong muốn gìn giữ, phát huy những giá trị tinh hoa, tín ngưỡng văn hóa dân tộc. Luôn mang tâm đức cống hiến và gìn giữ những giá trị cội nguồn, tinh hoa văn hóa dân tộc, NNƯT Đặng Ngọc Anh cũng bày tỏ mong muốn những giá trị văn hóa truyền thống ở lễ hội Đền Tranh cùng nét đặc trưng văn hóa của quê hương Ninh Giang, Hải Dương sẽ lan tỏa đến quý khách thập phương về chiêm bái, hưởng ân đức từ Quan lớn đệ ngũ Tuần Tranh. Từ đó để có sự an hòa, sức khỏe an nhiên, giao thương thuận lợi và hướng tới những giá trị tốt đẹp Chân- Thiện-  Mỹ.

MINH NGỌC

Ý kiến bạn đọc