Để di sản nghệ thuật Bài Chòi lan tỏa sâu rộng

VHO - Thừa Thiên Huế là một trong 9 tỉnh, thành “sở hữu” di sản nghệ thuật Bài Chòi được UNESCO vinh danh từ năm 2017. Địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm lan tỏa loại hình di sản này sâu rộng trong cộng đồng nhân dân và du khách.

Để di sản nghệ thuật Bài Chòi lan tỏa sâu rộng - Anh 1

Đông đảo du khách đến với Hội Bài Chòi trong dịp “Chợ quê ngày hội” ở cầu ngói Thanh Toàn

Sản phẩm du lịch cộng đồng

Nhiều năm qua, điểm đến du lịch cộng đồng ở xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) thu hút du khách trong và ngoài nước, với nhiều hoạt động trải nghiệm về tham quan, ẩm thực, làm nông nghiệp… Trong đó, phải kể đến là không gian chợ quê ở cạnh Di tích quốc gia Cầu ngói Thanh Toàn với các chương trình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mà điểm nhấn là hội Bài Chòi. Những câu hò Bài Chòi của các nghệ nhân, bậc cao niên trong làng trở nên quen thuộc với cộng đồng dân cư và du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm, vui chơi. Đặc biệt, trong các dịp “Chợ quê ngày hội” hay các kỳ Festival Huế, những ngày lễ hoặc cuối tuần, không gian sinh hoạt và trải nghiệm hô Bài Chòi tại Thủy Thanh lại càng đông vui. Bài Chòi đã trở thành “món ăn” tinh thần của cộng đồng dân cư nơi đây.

Ông Trần Duy Đối (73 tuổi), nghệ nhân hò Bài Chòi ở xã Thủy Thanh chia sẻ: “Thực hành nghệ thuật di sản Bài Chòi ở Huế có những đặc trưng riêng với các điệu hò, vè, có khi là hát Chầu văn… Các làn điệu này gần gũi với người dân xứ Huế, đặc biệt với người dân thôn quê. Những dịp sinh hoạt Bài Chòi đã trở thành niềm vui sống, gắn kết tình làng nghĩa xóm, cùng nhau sẻ chia sau những giờ lao động vất vả hằng ngày.

Theo Phòng VHTT thị xã Hương Thủy, cùng với xã Thủy Thanh thì nhiều địa phương khác trên địa bàn thị xã cũng đã thành lập 6 Câu lạc bộ thực hành Bài Chòi, đã và đang góp phần giữ gìn, phát huy giá trị di sản độc đáo này nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và phục vụ nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch.

Tại các huyện Phú Lộc, Quảng Điền cho đến huyện miền núi Nam Đông, nghệ thuật Bài Chòi cũng trở thành sản phẩm văn hóa tinh thần của người dân từ bao đời nay. Tùy từng không gian sinh hoạt khác nhau, di sản nghệ thuật Bài Chòi được thể hiện qua sự sáng tạo, thích nghi và trở thành loại hình văn hóa nghệ thuật được nhiều người tham gia, hưởng ứng.

Điểm du lịch cộng đồng ở làng Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền nằm ven phá Tam Giang được nhiều đơn vị lữ hành kết nối và khai thác. Tại đây cũng đã thành lập Câu lạc bộ Bài Chòi hướng đến bảo vệ và phát huy giá trị, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đồng thời tạo ra sản phẩm văn hóa làm phong phú cho hoạt động du lịch cộng đồng. Ngành Văn hóa huyện Quảng Điền cũng đã đưa di sản nghệ thuật Bài Chòi vào chương trình lễ hội Sóng nước Tam Giang để giới thiệu đến người dân, du khách trong và ngoài địa phương.

Đưa Bài Chòi vào học đường

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, sau 5 năm thực hiện, đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (2019- 2023) đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng, tham gia tích cực của lực lượng nghệ nhân và cộng đồng nhân dân. Với mong muốn đưa nghệ thuật Bài Chòi đến gần hơn với cộng đồng, các Câu lạc bộ đã hình thành và sinh hoạt tại địa phương, tạo ra sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa của người dân và phát huy giá trị của di sản. Đặc biệt, Bài Chòi đã được đưa vào môi trường học đường, dù đang còn một số khó khăn, hạn chế nhưng đã nhận được những tín hiệu tích cực từ thế hệ trẻ.

Thời gian qua, Sở VHTT đã phối hợp với UBND thị xã Hương Thủy, các huyện Quảng Điền, Nam Đông tổ chức 7 lớp tập huấn hát Bài Chòi; trong đó có 2 lớp tập huấn cho gần 50 học viên là những người yêu thích, đam mê Bài Chòi; 5 lớp cho 75 giáo viên âm nhạc, tổng phụ trách các trường học nhằm đưa di sản này vào học đường… Khóa tập huấn được các Câu lạc bộ và những nghệ nhân hát Bài Chòi trực tiếp truyền đạt, thực hành, giao lưu. Từ những kinh nghiệm và niềm hứng khởi có được, giáo viên bộ môn Âm nhạc sẽ đưa di sản Bài Chòi vào dạy lồng ghép trong các chương trình ngoại khóa ở trường, góp phần lan tỏa di sản này đến với các thế hệ trẻ.

Trường THCS Thủy Phương (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) là một trong những cơ sở giáo dục thực hiện lồng ghép bảo tồn di sản Bài Chòi vào giáo dục ngoại khóa. Nhà trường đã tổ chức chương trình tập huấn về Bài Chòi, chương trình sinh hoạt dưới cờ về Bài Chòi, giáo dục trải nghiệm ở Cầu ngói Thanh Toàn về hò Bài Chòi… Đến nay, Câu lạc bộ Bài Chòi tại Trường THCS Thủy Phương có hơn 32 học sinh tham gia. Để Bài Chòi lan tỏa và gần gũi hơn với lứa tuổi học sinh, nhà trường cũng đã tổ chức cho các em sáng tác cải biên lời hò Bài Chòi theo các chủ đề như: Em yêu lịch sử, Em bảo vệ môi trường, Giáo dục đạo đức… và đã có gần 100 câu

 Trong dịp tổng kết thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019-2023” ngày 20.3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc.

 hò liên quan các chủ đề được đưa vào sử dụng trong trường học.

Em Nguyễn Tấn Nhật Huy, học sinh Trường THCS Thủy Phương cho biết: Lúc còn nhỏ, em biết đến Bài Chòi khi thấy ông bà chơi nhưng chưa hiểu sâu về di sản này. Khi bước vào lớp 9, được tiếp cận các chương trình giáo dục ngoại khóa và trải nghiệm về Bài Chòi mà trường tổ chức, em thấy yêu loại hình nghệ thuật dân gian này hơn và đã đăng ký tham gia sinh hoạt đều đặn trong Câu lạc bộ Bài Chòi của trường. Để lan tỏa và nhân lên niềm đam mê đến đông đảo các bạn học sinh, cần có những lời hát dễ nhớ, phù hợp từ chính các bài học ở nhà trường. Cùng với sự giúp đỡ của giáo viên Âm nhạc, em và bạn Nguyễn Nữ Hoàng Nhã Uyên đã cùng triển khai đề tài Thiết kế, đổi mới hò Bài Chòi phù hợp với hoạt động giáo dục truyền thống tại Trường THCS Thủy Phương và đạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp thị xã, hiện đang dự cuộc thi cấp tỉnh Thừa Thiên Huế.

“Chúng em dựa vào các âm tiết, điệu hò để sáng tạo ra những lời mới dễ nhớ, tạo hứng thú cho các bạn học sinh và mong sẽ lan tỏa sâu rộng hơn ở môi trường học đường, không chỉ tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn trên cả nước. Trong Bài Chòi có con 3, chúng em đã sáng tác lời từ bài học lịch sử: Nhớ xưa trên bến Nhà Rồng/ Bác Hồ vì nước một lòng ra đi/ Lênh đênh trên biển sá gì/ Người làm phụ bếp tên là Văn Ba”, em Nhật Huy chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị ngành VHTT tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi, xây dựng đề án cho giai đoạn tiếp theo đến năm 2030. Đặc biệt, chú trọng đến công tác truyền dạy cho đội ngũ kế cận, bởi số lượng các nghệ nhân am hiểu về thực hành di sản Bài Chòi không còn nhiều. Đặc biệt, ngành Văn hóa cần phối hợp với ngành Giáo dục đẩy mạnh đưa Bài Chòi vào môi trường học đường để lan tỏa sâu rộng trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao ý thức về giữ gìn phát huy giá trị di sản của cha ông. 

 Trong dịp tổng kết thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019-2023” ngày 20.3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc.

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc