Không phải là đề tài cũ hay mới…

NAM VIỆT

VHO - Năm 1976, vở cải lương Người ven đô xuất hiện trên sân khấu đoàn Sài Gòn 1 được ví như một “tia chớp” với những nghệ sĩ tên tuổi như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thành Được…

Nay, vở diễn được tái dựng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Chiến thắng 30.4 đã đem đến hiệu ứng bất ngờ. Câu chuyện không có gì mới khi nói về quân dân 18 thôn vườn trầu Bà Điểm - Hóc Môn kiên cường anh dũng chiến đấu chống Mỹ hơn nửa thế kỷ trước.

 Trong khói lửa chiến tranh nhưng vẫn có tình yêu đôi lứa, có tiếng đàn bầu, có lá trầu cay, có giọng ngâm thơ… Cuộc sống giản đơn ấy lại là khát vọng của người dân khi họ chấp nhận hy sinh, dấn thân vào cuộc chiến để giành chiến thắng.

Dựng lại một vở diễn đã từng thành công 48 năm trước, đề tài cũng không mới, đó là cái khó. Những giọng ca gạo cội làng cải lương cũng không còn. Vậy, lớp kế thừa có “làm nên cơm cháo” gì không, hay chỉ đem lại cho khán giả hôm nay sự chán ngán?

Nhưng, điều lo lắng ấy đã không xảy ra. Trái lại, vở cải lương “cao tuổi” Người ven đô đã được người trẻ đón nhận. Nhiều khán giả trẻ chưa hề biết đến chiến tranh là gì vẫn vỗ tay liên tục và rơi nước mắt. Áp lực của đạo diễn (Hoa Hạ) lẫn dàn diễn viên trẻ là làm sao kể lại câu chuyện đã qua trong khi người trẻ hôm nay đã nhiều cách biệt.

Như vậy, mấu chốt thành công không phải là đề tài cũ hay mới, chiến tranh hay hòa bình mà là cách “kể” như thế nào. Đó cũng chính là ranh giới để tác phẩm vẫn dừng lại ở mức xưa cũ hay vượt lên đứng vào hàng cổ điển nghệ thuật, mà trước mắt là có người xem.

Câu chuyện thành công của vở cải lương Người ven đô có điểm chung giống bộ phim Đào, Phở và Piano, cũng là đề tài quen thuộc, chiến tranh cách mạng, nhưng cũng đều thành công.

Đào, Phở và Piano lấy bối cảnh trận chiến kéo dài 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 ở Hà Nội. Khi những người khác đã di tản lên chiến khu thì nhiều người quyết định cố thủ nơi Thủ đô đã tan hoang vì bom đạn, mặc cho những hiểm nguy đang ở ngay trước mắt. Họ đều là những con dân Hà Nội bình thường, mỗi người một thân phận riêng. Một anh lính tự vệ, một cô gái con nhà khuê các, ông họa sĩ già, vợ chồng ông bán phở, một chú bé đánh giày, một vị linh mục... Họ đại diện cho nhiều tầng lớp người Hà Nội, khí chất lãng tử và lòng yêu nước nồng nàn.

Một bộ phim về đề tài chiến tranh, do Nhà nước đặt hàng nhưng lại trở thành hiện tượng. Một vở cải lương cũng đề tài chiến tranh dựng lại đúng vào lúc cải lương vắng khách, nhưng vẫn gây xúc động cho người trẻ. Hiện tượng này cần được đào sâu, như người ta vẫn nói là để tìm ra “chìa khóa” mở cánh cửa vào thành công.

Nhiều năm qua, trước sự thơ ơ của một bộ phận khán giả trẻ, những người làm sân khấu lẫn điện ảnh đều sốt ruột, bồn chồn. Rất nhiều hội thảo với rất nhiều ý kiến nhưng vẫn chưa tìm được “chìa khóa”. Thế rồi, nhiều người cho rằng đó là do thiếu kịch bản mới, thiếu hơi thở cuộc sống. Điều đó đúng, nhưng không phải là tất cả. Quan trọng vẫn là có đau đáu với điều mình ấp ủ hay không và có thực tài hay không. Với người sáng tạo thì không có đề tài nào cũ, là khô khan cả. Vấn đề là có thổi hồn được vào nó hay cũng chỉ là nhung tuyết bên ngoài mà không có gân cốt bên trong.

Trở lại với vở cải lương Người ven đô và bộ phim Đào, Phở và Piano, đề tài chiến tranh, lịch sử, nhưng vẫn thu hút được khán giả từ đủ mọi lứa tuổi, đặc biệt cả những khán giả trẻ. Họ không sống trong những ngày khói lửa chiến trận nhưng vẫn thổn thức được trước những gì ông cha đã trải qua. Đó là số phận con người.

Nếu không đào sâu, “lật tung” được số phận con người và dù cho tác phẩm nói về ngày hôm nay, thì người trẻ cũng không tìm thấy mình trong đó.

Mà đó cũng chính là sự thất bại được báo trước. 

 

 

Ý kiến bạn đọc