Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi): Phải nhìn điện ảnh vừa là một ngành nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế

Thứ Sáu 27/08/2021 | 16:58 GMT+7

VHO- Sáng 27.8.2021 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng về nội dung thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh  đã chủ trì phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát  biểu

Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số Bộ, ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh...

Đảm bảo chất lượng dự án Luật

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Nội dung này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Phiên họp tháng 9.2021 và trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ngay sau Phiên họp, Ủy ban sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia; tổ chức các cuộc làm việc giữa các đơn vị có liên quan để hoàn thiện dự án Luật.

Toàn cảnh Phiên  họp

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến kết luận tại cuộc làm việc ngày 13.8.2021 của lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan chủ trì thẩm tra để cho ý kiến về công tác chuẩn bị 7 dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, trong đó có dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tinh thần chung là phải nâng cao chất lượng công tác xây dựng Luật, chuẩn bị từ sớm và kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng nội dung các dự án, dự thảo trước khi trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc của cơ quan soạn thảo; của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các Bộ, ngành, đơn vị liên quan; các chuyên gia, nhà nghiên cứu,… trong phối hợp, thẩm tra dự án Luật

 Về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất, cần nhìn nhận điện ảnh ở góc độ vừa là loại hình nghệ thuật, đảm bảo các yêu cầu về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; vừa là một phần của ngành công nghiệp văn hóa, phải có cơ chế thúc đẩy, vận hành như một ngành kinh tế, tuân theo quy luật thị trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật khi ban hành phải phục vụ tốt yêu cầu về sự tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền sáng tạo, hưởng thụ giá trị văn hóa, nghệ thuật của người dân và cộng đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Thứ hai, xây dựng nền điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế, khuyến khích phát triển thị trường điện ảnh trong nước. Xem xét các quy định về điện ảnh trong bối cảnh khoa học, công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và tác động trực tiếp, làm thay đổi thị hiếu người xem. Cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách phát triển điện ảnh, xây dựng hệ sinh thái sản xuất phim, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài cho phát triển điện ảnh; các quy định về sở hữu trí tuệ và quảng cáo trong tác phẩm điện ảnh.

Thứ ba, khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”, những vấn đề đã rõ, có tính ổn định cao cần quy định rõ, chi tiết tại Luật để thực hiện. Cụ thể hóa tối đa các quy định, đưa vào Luật những nội dung ở các văn bản dưới luật đã được kiểm chứng, có tính ổn định cao. Chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề có tính linh hoạt, nhiều biến động trong thực tiễn.

Thứ tư, rà soát các quy định thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước, nhất là liên quan đến thẩm định, cấp phép phân loại phim, xuất khẩu phim, nhập khẩu phim, phát hành phim; cấp phép đối với liên hoan, giải thưởng, cuộc thi phim… trên tinh thần phải đổi mới, thông thoáng hơn, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh, khuyến khích toàn xã hội tham gia phát triển điện ảnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại phiên họp

Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cơ quan tổ chức về điện ảnh, tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền điện ảnh phát triển… để tiếp thu hoàn thiện Dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp; thực hiện việc thẩm tra dự án Luật đúng quy trình, quy định với chất lượng cao nhất. Đồng thời, tiếp tục tổ chức xin ý kiến góp ý trên tinh thần “xin ý kiến càng rộng, càng sâu càng tốt”, nhất là ý kiến các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu tác động trực tiếp của Luật để có đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn trong việc chuẩn bị báo cáo thẩm tra, báo cáo tiếp thu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua, đảm bảo đạt chất lượng, tiến độ đề ra.

Mong muốn Luật có “tuổi thọ” cao

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã trình bày Tờ trình số 298/TTr-CP ngày 17.8.2021 của Chính phủ về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Theo đó nhấn mạnh, sau hơn 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần sớm được sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, hội nhập quốc tế trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trình bày Tờ trình  về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

 Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi nhằm khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, cụ thể: một số quy định của Luật Điện ảnh không còn phù hợp hoặc đã bị bãi bỏ, hoặc được quy định tại luật chuyên ngành khác; một số quy định của Luật Điện ảnh không thể hiện được đặc thù của điện ảnh nên không khả thi; một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung như công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh; quản lý nội dung phát hành, phổ biến phim trên không gian mạng; quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim…

Dự thảo Luật sửa đổi gồm 8 chương, 52 điều. Ban soạn thảo cho hay, trong quá trình xây dựng Luật còn có một số vấn đề có ý kiến khác nhau như: quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước; phổ biến phim trên không gian mạng…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng

Trình bày dự thảo Báo cáo Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban tán thành về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và mạng xã hội đã tác động, làm thay đổi cả về quy trình, phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim và cách tiếp cận, thụ hưởng tác phẩm điện ảnh của người dân.

Thường trực Ủy ban cũng đồng tình với mục đích, quan điểm xây dựng Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi Luật cần khắc phục trình trạng “luật khung”, “luật ống”; cần quy định cụ thể các nội dung đã được kiểm chứng trong thực tiễn, có tính ổn định cao.  Các chính sách đề xuất mới cần được cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, phù hợp với chủ trương của Đảng, tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành và các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương

Các quy định phải đảm bảo nguyên tắc quan trọng là tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật của người dân, cộng đồng và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia thị trường điện ảnh. Đổi mới hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng thông thoáng, cởi mở, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực tham gia phát triển công nghiệp điện ảnh.

Tại phiên họp, đại diện Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các Bộ, ngành, chuyên gia đã phát biểu ý kiến về một số nội dung tại dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi. Nhiều vấn đề trọng tâm được nhấn mạnh, đề nghi tiếp tục xem xét, cân nhắc như: chính sách của Nhà nước phát triển điện ảnh;  đánh giá các tác động chính sách; vấn đề bản quyền; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước; phổ biến phim trên không gian mạng…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy

Lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ VHTTDL trân trọng cảm ơn và xin tiếp thu các ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện dự Luật, trình Quốc hội đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Bộ trưởng khẳng định, các ý kiến đều cho thấy mong muốn Luật Điện ảnh (sửa đổi) ngày càng hoàn thiện hơn, “tuổi thọ” cao hơn và đáp ứng những yêu cầu đặt ra, không chỉ thuần túy về mặt quản lý Nhà nước mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật điện ảnh cho nhân dân; hỗ trợ bằng công cụ pháp luật để điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ và ủng hộ của các Ủy ban của Quốc hội và các Bộ, ngành, chuyên gia… Trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã triển khai nghiêm túc việc soạn thảo dự án Luật điện ảnh (sửa đổi),  thực hiện đúng quy trình theo quy định pháp luật. Trong quá trình này, Ban soạn thảo đã bám sát các nhóm chính sách, đặc biệt là 4 quan điểm xây dựng dự án Luật nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nền điện ảnh vừa là một ngành nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế. Từ khâu sản xuất, phát hành và phổ biến phim, tiếp cận ở góc độ văn hóa, có thể nhìn nhận đây là quá trình sản xuất một sản phẩm, nhưng là sản phẩm nghệ thuật đặc thù.

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan

Bộ trưởng nhìn nhận, dự thảo Luật vẫn cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung; mục đích để có được một bộ luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đặc biệt, phải xem xét toàn diện hơn và làm rõ tính tương thích giữa Luật điện ảnh sửa đổi với các luật khác. “Thực tiễn rất phong phú, yêu cầu đặt ra ngày càng cao. Cơ quan chủ trì soạn thảo mong muốn các Ủy ban, các Bộ, ngành có sự chia sẻ và đóng góp ý kiến cụ thể để tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội dự Luật sát nhất với yêu cầu đặt ra…”, Bộ trưởng phát biểu.

Bộ trưởng cho biết, Bộ VHTTDL sẽ tiếp thu các ý kiến để bổ sung, hoàn thiện dự thảo luật sâu hơn, rõ hơn, nhất là các vấn đề đối với các chính sách cho điện ảnh. Bên cạnh đó, nội hàm quản lý Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh cũng cần được làm rõ hơn, gọn hơn, khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo

Theo Bộ trưởng, điện ảnh Việt Nam qua các thời kỳ luôn khẳng định được vai trò quan trọng của mình, với nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng. Nhưng bên cạnh đó, thực tiễn hiện nay đang cho thấy có nhiều vấn đề cần nhìn nhận và điều chỉnh phù hợp. “Một thời kỳ dòng phim "mì ăn liền" rất thịnh hành, đáp ứng một phần thị hiếu người xem, nhưng đó không phải là những dòng chính của điện ảnh Việt Nam. Thực tiễn này cho thấy  cần có luận giải đúng đắn để tạo cơ chế khuyến khích các thành phần sản xuất điện ảnh tham gia một cách phù hợp…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Võ Thành Thống

Nêu trăn trở về những vấn đề quản lý phim trên không gian mạng, quy định sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước…, Bộ trưởng chia sẻ, đây là những vấn đề rất khó và trên thực tế cũng là những nội dung có nhiều ý kiến trái chiều. “Quản lý như thế nào với phổ biến phim trên không gian mạng? Tiền kiểm rất cần thiết, nhưng lại không phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới, chưa kể đến yêu cầu về đội ngũ, con người. Hậu kiểm là cách tiếp cận mới, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh, nhưng cũng cần xây dựng bộ máy kiểm soát, hệ thống phản hồi cùng lực lượng thanh tra hoạt động thường xuyên, liên tục… Thực tiễn đó buộc chúng ta phải thiết kế điều luật yêu cầu siết chặt trách nhiệm của các nhà làm phim”, Bộ trưởng nêu.

Quy định hình thức sản xuất phim Nhà nước theo hình thức giao nhiệm vụ và đặt hàng hoặc đấu thầu cũng là một vấn đề rất khó đối với ban soạn thảo. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong thực tiễn có nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi Ban soạn thảo phải cân nhắc kỹ lưỡng, đồng thời cần có sự chia sẻ, ủng hộ của các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ ngành liên quan để có thể hoàn thiện các quy định có tính khả thi, phù hợp với đời sống điện ảnh đương đại.

TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội  Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng đề cập đến sự cần thiết có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Đây là mô hình quen thuộc ở nhiều nền điện ảnh trên thế giới. Quỹ Điện ảnh ra đời sẽ góp phần hỗ trợ các lĩnh vực Nhà nước chưa đầu tư như hỗ trợ các dự án phim, phim tác giả trẻ, mục tiêu để có nhiều tác phẩm điện ảnh chất lượng, đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban sẽ tổng hợp các ý kiến tại phiên họp để Ban soạn thảo tiếp thu, tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.

PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top