Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Khởi nguồn và động lực phát triển

Thứ Tư 01/02/2023 | 10:48 GMT+7

VHO- 80 năm trước, tháng 2.1943, Đề cương văn hóa Việt Nam đã được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội). Trải qua 8 thập kỷ với bao biến động, thăng trầm, những giá trị của bản đề cương đến nay vẫn vẹn nguyên, khẳng định sức sống bền vững trong xã hội đương đại.

 Tổng Bí thư Trường Chinh và Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943

 Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam (1943-2023), Bộ VHTTDL sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943- 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan Đảng và Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành, nhà quản lý văn hóa, chuyên gia, nhà khoa học… PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Văn Hóa về sự kiện quan trọng này.

P.V: Tám thập kỷ đã trôi qua với biết bao biến đổi nhưng bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Bà có thể cho biết ý nghĩa và mục đích của việc tổ chức hội thảo khoa học quốc gia nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương ra đời?

- PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương: Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện của Đảng đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Ngay từ những năm đầu tiên của Đảng, Đảng ta đã nhận ra tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển chung của dân tộc. Đề cương văn hóa năm 1943 ra đời đã minh chứng cho tầm nhìn chiến lược này. Trải qua thời gian, ba nguyên tắc phát triển văn hóa trong Đề cương: “Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa” đã luôn chứng minh tính đúng đắn, định hướng cho sự phát triển văn hóa.

Bối cảnh năm 1943 đã đặt ra những vấn đề cấp bách để bản đề cương văn hóa đầu tiên của Việt Nam ra đời, giúp cho những người làm văn hóa, đặc biệt là những nhà quản lý về văn hóa được định hướng những nguyên tắc để phát triển văn hóa theo hướng đề cao tính dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Trải qua 80 năm, cho đến ngày hôm nay, chúng ta chứng kiến đời sống xã hội đã trải qua rất nhiều thay đổi, thăng trầm nhưng trong bất kỳ giai đoạn nào, bối cảnh nào thì Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị.

Vì vậy, hội thảo khoa học quy mô quốc gia nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời có ý nghĩa rất thiết thực. Đây chính là dịp chúng ta cùng nhìn lại, phân tích thấu đáo để một lần nữa khẳng định những giá trị bền vững của bản đề cương. 80 năm trước, Đề cương đã coi văn hóa là một mặt trận. Ngày nay, văn hóa cũng được xem là một mặt trận với những nguyên tắc đúc kết: “Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa”. Vấn đề là thế hệ làm văn hóa hôm nay sẽ kế thừa, phát triển những định hướng, nguyên tắc đó như thế nào? Phải chăng là sự hội tụ tinh hoa, khát vọng, trí tuệ của toàn dân tộc để đưa văn hóa trở thành trụ cột thực sự của sự phát triển toàn diện, bền vững. Chúng ta phải vận dụng tính dân tộc hóa, khoa học hóa với tính đại chúng hóa một cách sống động, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước.

Muốn văn hóa bền vững phải gắn với 17 mục tiêu phát triển của thế giới, nhiều quốc gia đang cùng gặp nhau ở một điểm chung là đưa văn hóa trở thành mục tiêu thứ 18 của sự phát triển bền vững. Bối cảnh này càng yêu cầu chúng ta phải nhìn vào các giá trị, nguyên tắc của bản Đề cương để tìm ra được những nguyên tắc nền tảng, tạo động lực cho sự phát triển văn hóa gắn với phát triển bền vững.

 Vậy những nội dung chính mà hội thảo kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam sẽ đề cập là gì, thưa bà?

- Chủ đề của hội thảo dự kiến là “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943- 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”. Sẽ có nhiều nội dung quan trọng được tập trung phân tích, bàn thảo, trước hết là nhìn lại, khẳng định những giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943. Trong đó tập trung xoay quanh 3 giá trị trọng tâm là dân tộc, khoa học và đại chúng để từ đó tìm ra động lực phát triển văn hóa theo hướng bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Xuyên suốt từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và Hội thảo văn hóa năm 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa..., đã có rất nhiều giải pháp được đặt ra đối với sự phát triển văn hóa. Hội thảo nhân 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam sẽ là mắt xích tiếp theo, kết nối vào những “câu chuyện” về văn hóa, gắn với những giải pháp cho văn hóa. Hội thảo không chỉ là nhìn lại 8 thập kỷ đã qua mà phải có tính thực tiễn, hành động. Vì thế, “đầu ra” của hội thảo này, tôi tin tưởng rằng, các ý kiến tham luận sẽ tập trung vào việc vận dụng các giá trị của Đề cương văn hóa vào việc xây dựng, kiện toàn hệ thống thể chế cho văn hóa trong thời gian tới.

PGS.TS NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG

Như vừa chia sẻ, 80 năm ghi dấu nhiều thăng trầm, thay đổi nhưng giá trị nền tảng, bền vững mà Đề cương văn hóa năm 1943 đã tạo nên trong dòng chảy phát triển văn hóa của đất nước vẫn còn nguyên vẹn. Hội thảo lần này sẽ không chỉ nhìn lại dấu mốc tự hào ở 80 năm về trước mà chắc chắn còn là sự hướng đến những mục tiêu tốt đẹp trong tương lai?

- Đúng vậy. Hội thảo lần này chính là một sự tiếp nối. Bộ VHTTDL mong muốn từ sự kiện tầm cỡ quốc gia này, thế hệ những người làm văn hóa hôm nay không chỉ cùng nhau nhìn lại ý nghĩa, tầm nhìn của bản đề cương ra đời từ 80 năm về trước mà còn kỳ vọng sẽ có những bàn thảo, giải pháp thiết thực về phát triển văn hóa trong bối cảnh hiện nay, hiện thực hóa phát biểu tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất…”.

Kỳ vọng đó là gì? Hội thảo mong muốn sẽ tạo chuỗi hoạt động khoa học có ý nghĩa thiết thực, trọng tâm là những đề tài nghiên cứu về các vấn đề xây dựng và kiện toàn thể chế trong lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, áp dụng công nghệ để hình thành nên những “Big data” (khối dữ liệu khổng lồ - PV) về văn hóa Việt Nam. Nếu làm được điều này, đội ngũ cán bộ làm văn hóa hôm nay sẽ tìm ra được những giải pháp thực tế, cung cấp hệ thống dữ liệu để phục vụ cho việc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ về văn hóa ngày càng đa dạng, khoa học và logic, đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của đại chúng. Bên cạnh đó, phải thấy rõ rằng trong dòng chảy phát triển, văn hóa không phải là sự mặc định hay đóng khung mà là một quá trình kế thừa, tiếp biến. Để phát huy được tính dân tộc phải có khung thể chế hiệu quả có khả năng đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú của dân tộc, đồng thời phải mang tính hội nhập, phải góp phần nâng cao sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Chúng ta chỉ có thể sáng tạo nên những giá trị văn hóa vừa mang tinh hoa của truyền thống vừa thể hiện được sức mạnh của thời đại khi chúng ta hình thành được khung thể chế có khả năng nuôi dưỡng, định hình những giá trị tốt đẹp mang tính phổ quát trong đời sống xã hội.

Có thể nói rằng, ba nguyên tắc đã được đưa ra trong bản đề cương: “Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa” chính là những nền móng để chúng ta kế thừa, xây dựng và hoàn thiện nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ngày hôm nay. Một trong những giá trị của bản Đề cương là đề cao những nguyên lý phát triển văn hóa: Dân tộc hóa - Khoa học hóa - Đại chúng hóa. Những nguyên lýnày cũng đang được bổsung những nội dung mới, đểlàm phong phúthêm những giátrịvăn hóa, tạo điều kiện phát triển bền vững đất nước. Và nhiệm vụ của thế hệ làm văn hóa hôm nay là phải vận dụng để đạt được những mục tiêu trong thời hiện đại.

Nhìn lại những giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam từ thời điểm ra đời cho đến hôm nay, hội thảo sẽ có sự tham gia góp ý của nhiều chuyên gia, nhà khoa học uy tín…, thưa bà?

- Thế hệ những người làm văn hóa hôm nay luôn trân trọng, biết ơn những thành quả có được từ những nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học… đã nghiên cứu, vận dụng những nguyên tắc của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 trong công tác điều hành, quản lý. Vì thế, khi nhìn lại 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam, những ý kiến từ các học giả, nhà quản lý, những người thực hành văn hóa sẽ giúp chúng ta có cái nhìn có chiều sâu, chạm vào bản chất của đề cương văn hóa, nhìn thấy rõ sức sống và tác động của bản đề cương đối với sự phát triển của văn hóa Việt Nam hôm nay.

Bên cạnh đó sẽ là những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành thuộc Bộ VHTTDL về những vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách, giải pháp gắn với phát triển bền vững nhằm làm rõ những vấn đề mang tính chiều sâu trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943. Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cùng những Hội nghị - Hội thảo tầm vóc về văn hóa trong thời gian qua đã tạo nên một không khí mới, khơi dậy khát vọng mới về phát triển văn hóa, để văn hóa thực hiện sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”. Hội thảo về Đề cương văn hóa Việt Nam lần này sẽ tập trung vào việc vận dụng chính xác, khách quan và thực tế các nguyên tắc về phát triển văn hóa mà bản đề cương với tầm nhìn xa đã đưa ra từ 8 thập kỷ trước, để từ đó văn hóa Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, khẳng định bản sắc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Xin cảm ơn bà! 

 

 Kỳ vọng đó là gì? Hội thảo mong muốn sẽ tạo chuỗi hoạt động khoa học có ý nghĩa thiết thực, trọng tâm là những đề tài nghiên cứu về các vấn đề xây dựng và kiện toàn thể chế trong lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, áp dụng công nghệ để hình thành nên những “Big data” (khối dữ liệu khổng lồ - PV) về văn hóa Việt Nam. Nếu làm được điều này, đội ngũ cán bộ làm văn hóa hôm nay sẽ tìm ra được những giải pháp thực tế, cung cấp hệ thống dữ liệu để phục vụ cho việc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ về văn hóa ngày càng đa dạng, khoa học và logic, đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của đại chúng…

(PGS.TS NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG)

PHƯƠNG ANH - NGỌC NHIÊN (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top