“Cõng” ngoại ngữ lên với

N. ĐỒNG

VHO - Bằng sự tận tâm với học trò và sáng tạo trong mỗi bài giảng, thầy giáo Nguyễn Văn Quý đã mang ngoại ngữ lên miền núi cao Sơn Tây (Quảng Ngãi), dạy cho những học sinh đồng bào Cadong và dẫn lối các em đến với cánh cửa giao lưu với thế giới.

 “Cõng” ngoại ngữ lên với - ảnh 1

 Trẻ em đồng bào Cadong say mê, hứng thú với ngôn ngữ mới

“Thượng sơn” dạy tiếng Anh

Hơn 6 năm gắn bó với nghề dạy học, thầy Quý không ngừng nỗ lực và phấn đấu vượt qua mọi gian nan. “Học sinh ở đây phần lớn là con em đồng bào Cadong, hầu hết đều nhút nhát và kiệm lời. Tuy nhiên, khi thấy tôi chia sẻ về cách đọc và đánh vần tiếng Anh, các em đều rất thích thú. Đối với tôi, niềm vui khi đến lớp dạy chữ là nhìn thấy các em cười”, thầy Quý nói.

Thầy kể, sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Bình Khương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), từ nhỏ thầy đã ước mơ trở thành giáo viên để được trò chuyện với học sinh hằng ngày, dạy cho các em những bài học hay. Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm tiếng Anh (Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế) năm 2018, thầy Quý được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học và THCS Sơn Tinh (Sơn Tây). Đây cũng là năm đầu tiên nhà trường triển khai dạy môn tiếng Anh cấp tiểu học. Với học sinh người dân tộc thiểu số, tiếng Anh là môn học hoàn toàn xa lạ.

“Ngày được giao nhiệm vụ tại huyện miền núi Sơn Tây, tôi háo hức với bao khát vọng được cống hiến, nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, như quãng đường di chuyển xa nhà qua bao đồi núi; phụ huynh và học sinh vẫn chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của môn học Ngoại ngữ. Nhưng thấu hiểu nơi đây còn rất khó khăn và thương học trò nên tôi quyết định gắn bó lâu dài truyền tải kiến thức cho các em”, thầy Quý tâm sự.

Đổi mới phương pháp dạy

Thay vì dạy học theo hình thức truyền thống, các tiết học của thầy Quý được khởi động bằng những bài nhạc thiếu nhi, học sinh vừa hát vừa nhún nhảy, kèm với đó là những từ vựng tiếng Anh để các em làm quen. Thầy còn sưu tầm tranh, ảnh phù hợp, xây dựng kế hoạch cho từng tiết học, khuyến khích các em học tiếng Anh theo nhóm và cho biểu diễn đóng vai theo chủ đề của tiết học. Đồng thời, thầy luôn cố gắng dành thời gian tìm hiểu tâm lý học sinh, từ đó tìm cách truyền thụ kiến thức một cách linh hoạt và phù hợp. Các hoạt động vui chơi, những mẩu giấy dán trên bảng, đồ vật... giúp học sinh tiếp nhận kiến thức một cách nhẹ nhàng.

“Trong quá trình giảng dạy, tôi đã tìm tòi, học hỏi, đổi mới phương pháp để phù hợp với thực tế tại đơn vị. Tôi áp dụng cách dạy học vui tươi, tích cực, sử dụng trò chơi, ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng để thu hút, tạo sự hứng thú cho học sinh”, thầy Quý cho hay.

Trẻ em Cadong hầu như không có môi trường để sử dụng tiếng Anh sau giờ học. Bởi vậy, thầy Quý đã đề xuất, tham mưu cho Ban giám hiệu thành lập Câu lạc bộ tiếng Anh. Được sự đồng ý của Nhà trường, Câu lạc bộ tiếng Anh đã chính thức được thành lập ngay trong năm đầu tiên thầy giáo Quý về công tác. Theo thầy, việc có thu hút được học sinh hay không chủ yếu dựa vào các hoạt động thú vị do Câu lạc bộ tổ chức. Với mong muốn lan tỏa phương pháp dạy học tích cực, thầy đã áp dụng những cách làm mang lại hiệu quả như tổ chức các trò chơi, hát, múa, nhảy, diễn kịch, làm đồ dùng học tập môn tiếng Anh...

Câu lạc bộ tiếng Anh hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục môn Ngoại ngữ trong nhà trường. Ngoài ra, thầy Quý còn nghiên cứu và viết sáng kiến kinh nghiệm “Một số hình thức tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Anh nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục môn tiếng Anh tại Trường Tiểu học và THCS Sơn Tinh”, được ngành GD&ĐT đánh giá cao. Nhờ vậy, năm học 2022-2023, thầy Nguyễn Văn Quý vinh dự đoạt giải Nhất tại Hội thi giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh.

“Tôi luôn tâm niệm phải cố gắng hết sức mang kiến thức bổ ích đến với học sinh, giúp các em hướng tới tương lai rộng mở. Trong hành trang tri thức, những tiết học tiếng Anh cũng là khởi nguồn cho ước mơ được vươn xa của các em. Bởi vậy, dẫu khó khăn bộn bề, mỗi ngày trôi qua, đội ngũ giáo viên nơi đây vẫn miệt mài, rong ruổi qua những đỉnh núi, với mong muốn giản đơn là “cõng” thế giới lên với trẻ em vùng cao”, thầy Quý bày tỏ.