Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

28 Tháng Ba 2024

Kiểm kê và đánh giá giá trị văn hoá  ẩm thực Việt: Đâu có đơn giản

Thứ Hai 04/03/2019 | 09:47 GMT+7

VHO- Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam sẽ mời các chuyên gia trong và ngoài nước để thực hiện công tác kiểm kê di sản ẩm thực Việt trong năm 2019. Tuy nhiên công tác này không đơn giản, bởi không phải chỉ thống kê theo số liệu mà còn phải dựa trên nhiều tiêu chí khác

 Phục vụ ẩm thực đến du khách trong một chương trình dạ tiệc ở Khu di sản Huế

 Ông Lê Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam nhấn mạnh rằng: Nhiệm vụ “nặng nề” nhất của Hiệp hội chính là bắt tay vào việc kiểm kê, đánh giá giá trị văn hóa ẩm thực của cả nước. Đây là một trong những bước đệm để hướng đến xây dựng Bảo tàng Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tại TP.Huế. Dự kiến việc thực hiện đề án Kiểm kê, đánh giá giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam sẽ được tiến hành trong quý II.2019.

Kiểm kê như thế nào?

Có nhiều tài liệu nói về số món ăn của Huế, có tài liệu cho là Huế có 1.300 món ăn trong tổng số 1.700 món ăn của cả nước. Tuy nhiên, con số được kiểm kê một cách khoa học vẫn chưa được công bố chính thức. Các nhà nghiên cứu vẫn luôn khẳng định rằng Huế là nơi lưu giữ nhiều món ăn nhất của Việt Nam.

Việc kiểm kê và đánh giá giá trị của văn hóa ẩm thực Huế nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung, theo ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế (Bộ VHTTDL), trước hết cần xây dựng được bộ tiêu chí để kiểm kê. Bao gồm các nội dung: Tên gọi của món ăn (theo từng vùng miền); nguyên liệu chính, phương pháp và cách thức chế biến; và quan trọng là kiểm kê giá trị văn hóa của món ăn đó (giá trị lịch sử, giá trị khoa học, và giá trị thẩm mỹ). Chính vì thế, khi thực hiện đề án này cần phải mời được đội ngũ những chuyên gia am hiểu về văn hóa, lịch sử và chuyên gia dinh dưỡng cùng tham gia.

Ông Phương cũng cho rằng, công tác kiểm kê và đánh giá giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam không nhất thiết phải thực hiện đồng loạt ở tất cả các tỉnh, thành trong nước, mà có thể thực hiện ở một số địa phương nổi trội, và từng khu vực mang tính đặc trưng của các địa phương, của vùng miền…

Theo kế hoạch của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, trong tháng 3 này, Hiệp hội sẽ thành lập Ban chuyên trách để thực hiện đề án kiểm kê và đánh giá giá trị văn hóa ẩm thực Việt. Trong đó, sẽ có sự tham gia của đại diện Cục Di sản văn hoá, Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL), các Vụ liên quan thuộc Tổng cục Du lịch, đại diện lãnh đạo các trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Cao đẳng Du lịch Huế và Đại học Công nghệ Sài Gòn (STU) cùng các nhà khoa học, chuyên gia về ẩm thực trong nước… Tiếp đó, kế hoạch kiểm kê và đánh giá giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam sẽ được thực hiện từ 2019-2020.

 Những món ăn cung đình xưa được các nghệ nhân ẩm thực ở Huế chế biến

Hướng đến một Bảo tàng Văn hóa Ẩm thực

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký kết hợp tác chiến lược với Vietravel về hỗ trợ phát triển du lịch cho địa phương. Trong đó, Vietravel cam kết sẽ phối hợp với Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam để thực hiện đề án xây dựng Bảo tàng Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tại TP.Huế. Hiện nay, địa phương đang tìm vị trí để quy hoạch cho đề án này.

Việc hướng đến một Bảo tàng Ẩm thực đã được nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu đưa ra ý tưởng từ lâu. Nhưng triển khai như thế nào vẫn là điều cần phải xem xét kỹ lưỡng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực và địa phương cần sớm tổ chức một hội thảo quy mô vừa phải để làm rõ hơn về những nội dung của Bảo tàng Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.

Còn ông Vũ Hoài Phương thì cho rằng bảo tàng này phải nghiêng về diễn giải và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực Việt. “Định hướng xây dựng Bảo tàng Văn hóa Ẩm thực là cần thiết, nhưng phải xác định đây là công việc lâu dài. Bảo tàng này phải gắn với du lịch, chứ không thể sau khi làm xong mà để cho Nhà nước phải “nuôi”, ông Phương nói.

Theo các nhà chuyên môn, để thực hiện đề án xây dựng Bảo tàng Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tại Huế thì phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng: Phải nghiên cứu và chọn được chủ đề khoa học; phải tính được công tác vận hành trước khi xây dựng; và bảo tàng này phải nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia, có sự liên kết với các bảo tàng khác.

Ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, trong đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” mà Sở đang xây dựng, có nhiều nội dung liên quan đến các hoạt đông của Hiệp hội. Trong đó, đề án có quy hoạch một Bảo tàng Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tại Huế, và đây là cơ sở pháp lý đầu tiên để phía Hiệp hội và Vietravel thực hiện xây dựng bảo tàng. “Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và ngành du lịch địa phương sẽ ủng hộ tối đa về tất cả các điều kiện có thể, phù hợp với pháp luật Việt Nam để sớm xây dựng Bảo tàng”, ông Minh nhấn mạnh. 

 Định hướng xây dựng Bảo tàng Văn hóa ẩm thực là cần thiết, nhưng phải xác định đây là công việc lâu dài. Bảo tàng này phải gắn với du lịch, chứ không thể sau khi làm xong mà để cho Nhà nước phải “nuôi.

(Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế)

 

THUỲ TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top