Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

29 Tháng Ba 2024

Chưa được hỗ trợ, khó khăn tiếp tục bủa vây doanh nghiệp

Thứ Sáu 14/08/2020 | 11:47 GMT+7

VHO- Từ đợt dịch đầu, Chính phủ đã có chính sách để hỗ trợ ngành Du lịch, doanh nghiệp du lịch và người lao động vượt qua khó khăn... 

 Khu du lịch Bà Nà vắng bóng khách từ khi dịch bùng phát trong cộng đồng ở Đà Nẵng Ảnh: HOÀNG HÀ 

Nhưng trên thực tế, rất ít đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân nhận được sự hỗ trợ này. Vì sao vậy? 
Doanh nghiệp tiếp tục kêu... 
Ở Hà Nội, một số công ty lữ hành lớn như Vietrantour có khoảng 3.500 khách hủy tour, gây thiệt hại cho doanh nghiệp khoảng 21 tỉ đồng. Công ty Flamingo Redtours có 9.000 khách hủy tour, gây thiệt hại khoảng 40 tỉ đồng. Công ty Hanoitourist có khoảng 5.000 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 30 tỉ đồng. Các điểm đến du lịch trên địa bàn Hà Nội, lượng khách cũng giảm mạnh từ 75 đến 80% từ khi dịch bùng phát lại, cụ thể: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng dân tộc học, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Di tích Hỏa Lò đều giảm từ 75-80% khách; Văn Miếu - Quốc Tử Giám giảm 63%; không có khách đoàn, chỉ còn khách lẻ, mỗi ngày chỉ tầm 30 - 40 khách/ điểm. Và rất nhiều địa phương, nhiều điểm đến du lịch khác trên cả nước cũng đã, đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. 
Khi đợt dịch Covid-19 lại bùng phát trong cộng đồng, doanh nghiệp du lịch đã khó khăn nay còn khó khăn hơn. Đang có một thực tếlà doanh nghiệp du lịch gần như “kiệt sức”, nhiều người đóng cửa, rao bán khách sạn, chuyển nhượng công ty. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm hoạt động với công suất rất thấp, nguồn tài chính khó khăn, buộc phải cho lao động làm việc luân phiên, nghỉ không lương hoặc chấm dứt hợp đồng. Hàng trăm nghìn lao động du lịch vì mưu sinh phải chuyển sang ngành khác, kể cả lao động chất lượng cao. 
Du lịch là ngành kinh tếtổng hợp bị ngưng trệ, đương nhiên các ngành khác cũng ngưng trệ theo, rõ nét nhất là hàng không. Ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc hàng không Vietjet Air cho biết: Sau khi giãn cách xã hội của đợt dịch đầu, chúng tôi nhanh chóng hồi phục, hàng không nội địa của hãng đã tăng trưởng vượt năm 2019 khoảng 30%. Có ngày lượng khách cao gấp 1,5 lần so với thời điểm Tết, cho thấy khối lượng nhu cầu nội địa lớn. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát lần 2, ngay trong tuần đầu tiên Vietjet Air đã sụt giảm 70%. Ông Lại Duy Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ du lịch TST Tourist cũng nhận định: Sự sụt giảm nguồn khách du lịch ngay lập tức đã khiến các dịch vụ đi kèm phục vụ du lịch như dịch vụ lưu trú, ăn uống, khu vui chơi, giải trí, mua sắm... gặp nhiều khó khăn. TST Tourist đề xuất có chính sách hỗ trợ giảm thuếcho doanh nghiệp; cần có gói hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch vì hiện nay 80 - 90% nguồn nhân lực này đang bị nghỉ làm bởi dịch bệnh. 
Doanh nghiệp mong ngày rồi lại mong đêm 
Bà Huỳnh Phan Phương Hòa, Phó Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel cho rằng, “doanh nghiệp du lịch cần nhất lúc này là được hỗ trợ vốn để tồn tại bởi thực tếchúng tôi rất khó tiếp cận được các nguồn vốn vay. Cùng với đó, Chính phủ và các Bộ, ngành cần có chính sách giảm lãi suất vay, khoanh nợ, giãn nợ, giảm thuếcho các doanh nghiệp. Hiện nay, Vietravel đang gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách hủy tour rất lớn, 60 - 80% nhân sự của công ty hiện đang nghỉ không lương; dòng tiền lớn không lưu thông”. 
Trước tình hình khó khăn chung do dịch bệnh, bà Lê Thuý Hà, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Flamingo cũng cho rằng, cần có những chính sách và hỗ trợ thực tếđể doanh nghiệp du lịch, khách sạn vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo nhân lực ngành một cách tối đa. Nếu tình hình dịch kéo dài, việc thất thoát nhân lực của ngành là rất khó tránh khỏi. Ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện nay doanh nghiệp Đà Nẵng đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Đà Nẵng đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ thuếđất cho các khách sạn, cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng để tháo gỡ bớt khó khăn. Đà Nẵng cũng kiến nghị giảm phí đường bộ cho các doanh nghiệp vận chuyển vì các doanh nghiệp này hiện cũng đang rất khó khăn. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng mong muốn Tổng cục Du lịch có định hướng chính sách hình thành các sản phẩm mới trong đó có kinh tếban đêm để chuẩn bị các điều kiện sớm phục hồi sau dịch. 
Theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist, thời điểm này cần tập trung các nhóm giải pháp: thứ nhất là giải pháp tài chính đã được Bộ VHTTDL đưa ra và triển khai thời gian qua, cần tiếp tục làm mạnh hơn trong lúc này vì thực sự rất cần thiết đối với các doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp không có nguồn thu nhưng chi phí cho người lao động vẫn phải đảm bảo. Nếu có sự hỗ trợ thì các hoạt động du lịch sẽ có sức mạnh để khởi động lại nhanh nhất có thể, đảm bảo phòng chống dịch bệnh và tận dụng tối đa các cơ hội khi có đủ điều kiện”. 
Từ một trong những vùng dịch nặng nề nhất, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, ngành Du lịch Quảng Nam đã kiệt quệ trước cơn bão dịch Covid-19 lần này. “Chúng tôi đề nghị đơn giản hoá cách tiếp cận gói cứu trợ 62 nghìn tỉ đồng và các gói hỗ trợ tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, kéo dài các gói cứu trợ, vay ưu đãi này và xa hơn để doanh nghiệp, người lao động đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch có thể tiếp cận. Điều quan trọng hiện nay là có thể “nuôi sống” bộ máy và nhân viên, vì thếkiến nghị với ngân hàng cho vay không lãi suất để trả lương nhân viên...”, ông Thanh nói. Đại diện rất nhiều doanh nghiệp than thở về việc không được hưởng hỗ trợ từ chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất vì có quá nhiều điều kiện, thủ tục phức tạp. Cụ thể, người sử dụng lao động được tạm dừng đóng các quỹ trên khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 1 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế; khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa. Điều kiện để không phải đóng quỹ là không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất)… Có nghĩa là, những doanh nghiệp cố gắng giữ lại nhiều lao động (trên 50%) sẽ không được hưởng chính sách này. 
Bên cạnh đó, việc làm các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng rất bất cập: địa điểm tiếp nhận hồ sơ thường xuyên quả tải, đặc biệt ở các quận trung tâm của Hà Nội, thậm chí có người đi đến 5 lần mới nộp được hồ sơ. Trong khi đó, chỉ cần tăng đơn vị trên địa bàn trung tâm giải quyết hoặc có thể thực hiện khai thông tin online, người lao động chỉ mất 1 lần nộp đủ hồ sơ gốc theo yêu cầu. 

  Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Có thể nói đây là một tin vui với doanh nghiệp du lịch, khách sạn vì lúc này, bất kỳ một sự hỗ trợ nào cũng vô cùng đáng quý.


 THÚY HÀ 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top