Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

28 Tháng Ba 2024

Nâng niu, thu hút "đại bàng nội"

Thứ Hai 08/03/2021 | 11:48 GMT+7

VHO- “Những tập đoàn lớn, những “cánh chim đầu đàn”, những “đại bàng” trong ngành Du lịch hiện nay như: FLC, VinGroup, SunGroup... đang đóng vai trò nâng cao chất lượng du lịch với các sản phẩm khách sạn cao cấp, tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp, tạo động lực kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

 Quảng Ninh thu hút các nhà đầu tư lớn nhờ có thể chế và môi trường đầu tư tốt

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết như vậy tại hội thảo “Làm tổ cho đại bàng nội” vừa diễn ra tại Quảng Ninh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với một số đơn vị tổ chức.

Làm thay đổi hình ảnh Du lịch Việt Nam

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 2.300 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, những “đại bàng Việt” như FLC, SunGroup, VinGroup… đóng vai trò rất quan trọng trong việc dẫn dắt sự phát triển của ngành và nâng cao nhận thức về du lịch tại các địa phương. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương đưa ra ví dụ tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), sau khi có FLC Sầm Sơn đã thay đổi gần như hoàn toàn hình ảnh, chất lượng dịch vụ của điểm đến nổi tiếng miền Bắc này. Chính những “đại bàng nội” cũng mang về những giải thưởng du lịch danh giá cho Việt Nam và làm thay đổi tích cực hình ảnh Việt Nam trên thế giới.

Hiện nay, sau khi tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam đã tạm lắng, đã có vắcxin phòng dịch nên Tổng cục Du lịch đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam thảo luận về hướng đề xuất phương án mở cửa từng bước đối với thị trường quốc tế khi điều kiện cho phép. “Sẽ phải xem xét, cân nhắc kỹ những tiêu chí lựa chọn thị trường nguồn, lượng khách, đi tour trọn gói, các yếu tố về y tế như tiêm vắcxin, cách ly; sự thuận tiện tiếp cận điểm đến bằng đường hàng không; phạm vi độc lập của các khu du lịch nghỉ dưỡng. Tiêu chí quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch”, bà Hương nói.

Dẫn lại câu nói của Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa về năm 2020 “Không được phép lãng phí một cuộc khủng hoảng”, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần phải biết cách mở cửa nhưng độc lập, tạo giá trị bằng năng lực của mình. Bản chất của một cuộc khủng hoảng không xấu, khủng hoảng là sự phá huỷ có tính sáng tạo. Không được lãng phí một cuộc khủng hoảng là cách đặt vấn đề với hai tọa độ ngành Du lịch và Hàng không. Phải ở trạng thái “bình thường mới” ngành Du lịch mới có thể hoạt động được. Đại dịch Covid-19 đặt ra bài toán chúng ta có nên tiếp tục bán rẻ tài nguyên như bấy lâu nay nữa không hay cần nâng tầm đẳng cấp? Các thành phố du lịch như: Nha Trang, Vân Đồn, Phú Quốc cũng cần tính đến cách tiếp cận du lịch khác chứ không thể theo kiểu cũ.

Làm sao để thu hút các “đại bàng nội”?

Các đại biểu cho rằng, có nhiều yếu tố tác động đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp mà một trong số đó là thái độ ứng xử, tương tác giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhận được sự chào đón chân thành của chính quyền sẽ cảm thấy có thiện cảm và yên tâm khi đầu tư. Tương lai, sự thịnh vượng của đất nước phụ thuộc vào sự thịnh vượng của các doanh nghiệp. Nước ta có “hóa rồng” hay không phụ thuộc vào khối doanh nghiệp tư nhân có phát triển không. Thế nhưng hiện nay tại một số địa phương vẫn còn tình trạng coi nhẹ doanh nghiệp nội, đề cao doanh nghiệp ngoại. “Cần phải làm sao hài hòa giữa doanh nghiệp nội ngoại, nhận thức cần phải thay đổi. Cần nâng niu để những doanh nghiệp tư nhân nội địa trở thành những doanh nghiệp dân tộc, dẫn dắt nền kinh kế đất nước. Nếu làm như vậy đất nước sẽ thịnh vượng và nền kinh tế sẽ tự chủ”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay.

Từ câu chuyện thực tế của Quảng Ninh, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, Quảng Ninh có thể xem như một tấm gương về sự cải cách, khiến các nhà đầu tư rất hài lòng khi đến đây. “Thể chế nào thì doanh nhân đó và môi trường kinh doanh ở địa phương như thế. Tuy nhiên, Quảng Ninh là một sự khác biệt. Trong môi trường thể chế chung như vậy nhưng các thủ tục hành chính của Quảng Ninh lại rất nhanh. Và thực tế chứng minh, các nhà đầu tư đều dồn sức vào Quảng Ninh và hạnh phúc khi đến Quảng Ninh”, ông Vũ Tiến Lộc nói. Ông Lộc cho rằng, đó là do Quảng Ninh là nơi rộng mở, xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, từ trái tim của đội ngũ lãnh đạo tỉnh. Họ sẵn sàng đưa ra những quyết định mang tính sống còn cho nền kinh tế. Quảng Ninh thành lập hẳn một Ban xúc tiến đầu tư, mô hình đầu tiên ở nước ta, do Phó Chủ tịch hoặc Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách. Tất cả các nhà đầu tư chỉ cần gặp cơ quan này là lập tức được giải quyết các vấn đề chứ không cần phải vất vả đến các sở, ban, ngành khác.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực của FLC, một trong những “đại bàng nội” có các dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng lớn của Việt Nam cho biết: Có 3 yếu tố quan trọng khi FLC cân nhắc, quyết định đầu tư vào địa phương là quy hoạch của địa phương; cơ sở hạ tầng và thị trường lao động. Quảng Ninh đang là địa phương hội tụ 3 yếu tố cần kể trên cũng như các yếu tố tiên quyết về môi trường đầu tư. Vì vậy, FLC và nhiều nhà đầu tư lớn đang hội tụ về đây. Bên cạnh đó, việc tương tác giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Doanh nghiệp nếu nhận được sự chào đón chân thành của chính quyền, môi trường chính trị tốt và sự chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh thì sẽ cảm thấy có thiện cảm và yên tâm khi đầu tư.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, chủ đề “Làm tổ cho đại bàng nội” rất phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay. Covid-19 làm thay đổi chuỗi cung ứng nhưng cũng xuất hiện sự dịch chuyển. Bối cảnh mới cũng cho thấy nhu cầu cần phải thay đổi cách thức tương tác giữa Nhà nước và thị trường. Còn Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến thì chia sẻ, đại dịch Covid-19 là minh chứng cho thấy sự đồng hành, chia sẻ của các doanh nghiệp cùng với Chính phủ và người dân. 

 THÚY HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top