Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

29 Tháng Ba 2024

Bằng mọi cách phải giữ được tốc độ tăng trưởng khách

Thứ Năm 02/08/2018 | 08:30 GMT+7

VH- Ngày 1.8, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đã dự và chỉ đạo tại cuộc họp giao ban tháng 8 của TCDL, tập trung thảo luận về việc thực hiện các giải pháp để giữ tốc độ tăng trưởng như hiện nay, đạt mục tiêu đón 16 triệu khách quốc tế trở lên trong năm 2018.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng phát biểu tại cuộc họp

Theo thông tin mới nhất, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng đầu năm 2018 đạt 9.080.000 lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2017; khách nội địa đạt 49,3 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 369.000 tỉ đồng. Trong khi đó, muốn đạt được 16 triệu lượt khách, du lịch Việt Nam phải có mức tăng trung bình 23%/ tháng. Có nghĩa là, mục tiêu đạt 16 triệu lượt khách quốc tế là khả thi nhưng còn rất nhiều việc phải làm.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn yêu cầu toàn ngành tập trung cao độ để hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và những tháng cuối năm 2018: “Muốn giữ được tốc độ tăng trưởng và đạt mục tiêu 16 triệu lượt khách quốc tế trở lên, ngoài công tác xúc tiến, quảng bá cần tập trung điều phối điểm đến, đánh giá được năng lực tiếp nhận của điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đa dạng hóa sản phẩm du lịch để khách chi tiêu nhiều hơn, kết nối chặt chẽ giữa cơ quan TCDL với các địa phương trong thống kê và quản lý, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Có rất nhiều đầu việc mà ngành Du lịch phải thực hiện trong tháng 8.2018 như: Xây dựng và hoàn thiện các đề án lớn, báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ (đề án Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành Du lịch; Ứng dụng tổng thể công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; Nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050); tổ chức đoàn khảo sát sản phẩm du lịch liên quốc gia Việt Nam- Trung Quốc trong khuôn khổ kế hoạch của Bộ VHTTDL về tổ chức thực hiện “Hiệp định bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam)- thác Đức Thiên (Trung Quốc); tổ chức giới thiệu du lịch Việt Nam tại Úc và New Zealand; Tập trung triển khai các công việc chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á 2019 và Hội chợ Travex 2019; phối hợp chuẩn bị tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế ITE TP.HCM; hoàn thiện chương trình Năm du lịch Quốc gia 2019; phối hợp với Quảng Bình tổ chức Hội thảo hợp tác phát triển du lịch- Kết nối các di sản thế giới tại Việt Nam...

Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho rằng: Hiện nay ngành Du lịch đang phải chịu sức ép của tăng trưởng “nóng”, luôn luôn phải giữ tốc độ tăng cao. Tuy nhiên, muốn đạt được tốc độ tăng cao như đã đặt ra, cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, dự báo được xu hướng thị trường và sức tải của điểm đến. Nếu cứ đi khắp nơi quảng bá, xúc tiến, thu hút khách đến nhưng ở trong nước, giao thông không phát triển; chiến lược và quy hoạch không tốt; chính sách đất đai, thuế, đầu tư không thuận tiện; “chặt chém”, lừa đảo du khách... thì khó mà phát triển du lịch được. Trong khi đó, những việc liên quan đến phát triển giao thông, mở thêm đường bay, cảng biển; đảm bảo an ninh an toàn; quản lý thị trường, trốn thuế... một mình ngành Du lịch không thể giải quyết được.

Thứ trưởng cũng dẫn ra ví dụ có những nơi chưa hết một nhiệm kỳ quy hoạch đã bị phá vỡ vì tăng trưởng quá “nóng”. “Quy hoạch phát triển du lịch của Lâm Đồng đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đặt ra mục tiêu đón 6,5 triệu khách du lịch, trong đó có 15% là khách du lịch quốc tế nhưng trên thực tế, năm 2017 đã tỉnh này đã gần hoàn thành chỉ tiêu trên rồi. Ngay cả Du lịch Việt Nam cũng về đích trước “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đến 4 năm.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng từ nay đến cuối năm chỉ còn vài tháng, nên phải có ngay những giải pháp để có thể thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta chỉ quan tâm đến số lượng, phát triển theo chiều rộng mà chưa chú trọng phát triển chiều sâu. Nên chăng, thời gian tới cần tập trung vào việc phát triển chất lượng khách và tăng tổng thu từ du lịch, giảm áp lực từ việc tăng số lượng, giảm sức ép lên một số điểm đến. Cũng trong tháng 8.2018, TCDL sẽ tổ chức đoàn xúc tiến du lịch tại Australia và New Zealand, 2 thị trường có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, sau những chuyến xúc tiến của TCDL gần đây có phản hồi rất tốt, nhiều hãng lữ hành có số lượng khách tốt đã chủ động liên lạc, muốn thiết lập mối quan hệ để đưa khách tới Việt Nam. Ông Ngô Hoài Chung đề xuất ngành cần quan tâm hơn đến vai trò của các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp lưu trú, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào công tác xúc tiến, quảng bá. Bên cạnh đó, cần có những dự báo chính xác về xu hướng thị trường để thu hút khách từ những thị trường lớn. Kịp thời “bẻ ghi” điểm đến vì hiện nay, một số điểm đến của Việt Nam như: Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội, TP.HCM... đã quá tải. 

Theo thống kê, khách từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga chiếm đa số khách quốc tế đến Việt Nam (khoảng 70%). Khách đến từ những thị trường này thường không đi theo mùa (tức là không có mùa thấp điểm (từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm) như với khách quốc tế Âu, Mỹ) nên chúng ta có thể tiến hành xúc tiến thị trường quanh năm. Trong đó, chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm tới 31%, đạt 2,9 triệu lượt khách. Với thị trường này, còn rất nhiều dư địa có thể phát triển được, nhiều thành phố của Trung Quốc mà chúng ta chưa hề khai thác. Vì thế, dù có nói ngược nói xuôi gì chúng ta cũng phải quan tâm tới thị trường khách Trung Quốc, một thị trường mà bất kỳ nước nào muốn phát triển du lịch cũng dồn tâm sức vào lôi kéo. Chỉ có điều, chúng ta phải kiểm soát được điểm đến, có cơ chế phối hợp tốt giữa cơ quan quản lý du lịch hai bên, kiên quyết đấu tranh với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế, ép khách tại các điểm mua sắm, đặc biệt với tình trạng đón khách bằng tour giá rẻ, khách đi “tour 0 đồng”. Tháng 9.2018, trong khuôn khổ Hôi chợ du lịch quốc tế TP.HCM ITE 2018, TCDL sẽ tổ chức Hội nghị phát triển thị trường khách Trung Quốc để tiếp tục bàn các giải pháp, khuyến khích doanh nghiệp đưa khách Trung Quốc đến Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng đề nghị TCDL chủ động nắm bắt thông tin, kịp thời xử lý tình huống và xử lý những sự việc phát sinh; tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo, quản lý hoạt động du lịch trên toàn quốc, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng khách du lịch quốc tế mà Thủ tướng Chính phủ giao và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. 

THÚY HÀ

 

 

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top