Thừa Thiên Huế:

Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối, thác

SƠN THÙY

VHO - Thừa Thiên Huế đang vào mùa cao điểm đón khách du lịch ở các điểm sinh thái gắn với ao hồ, suối, thác, đầm phá… Ngành du lịch và chính quyền địa phương đẩy mạnh rà soát, kiểm tra các điểm đến có khai thác hoạt động mặt nước nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động đón khách.

 Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối, thác - ảnh 1
Hoạt động tắm suối, thác tại khu du lịch Bạch Mã Village, huyện Phú Lộc hấp dẫn du khách

Bước vào mùa nắng nóng, các tour du lịch tại các điểm sinh thái ao hồ, suối, thác, đầm phá… đã được nhiều du khách chọn lựa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 15 điểm, khu du lịch được công nhận có khai thác hoạt động mặt nước, trong đó có 7 điểm du lịch cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: trong những năm gần đây, với việc phát triển, mở rộng nhiều điểm du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm sông, hồ, suối, thác, biển ở hầu hết các huyện, thị xã, tập trung nhiều  ở các huyện Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, thị xã Hương Trà…, lượng khách đến với các điểm du lịch này có xu hướng gia tăng. Năm 2023 vừa qua, ước tính có khoảng 1,2 triệu lượt khách đến các điểm du lịch sinh thái này; trong đó phần lớn là dòng khách nội địa. Doanh thu từ các dịch vụ liên quan ước hàng trăm tỉ đồng…

Hiện nay, nhiều đơn vị lữ hành xây dựng tour tuyến đưa du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm các điểm du lịch sinh thái trên địa bản tỉnh, như: Connect Travel, Công ty Thuận Hoá, Vietravel, Công ty DMZ, Công ty TNHH MTV Du lịch và Thương mại Việt Linh, Công ty TNHH Thương Mại & Du lịch Ấn Tượng Châu Á, Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Đường Mòn Đông Dương, Công ty Du lịch Lữ hành Quốc tế ViKing (Sài Gòn), Công ty TNHH Thương mại và Du lịch WaytoVietnam, Công ty TNHH Du lịch Gốc Việt (Origin Travel), Công ty Lữ hành An Nam Tour), Công ty TNHH MTV Du lịch Lê Gia...

Từ đầu tháng 4, nhiều khách nội tỉnh và các địa phương lân cận đã chọn đến các điểm du lịch suối, thác ở huyện Phú Lộc, như: Khe Su, Suối Tiên, Suối Mơ, thác Nhị Hồ… Anh Nguyễn Khánh Hoàng, chủ của một cơ sở khai thác dịch vụ du lịch tại khu du lịch sinh thái Khe Su, cho biết: từ tháng 4 đến gần cuối tháng 8 là lượng khách đến với du lịch suối thác rất đông, đặc biệt là vào dịp cuối tuần. Để đảm bảo an toàn cho du khách, chúng tôi đã trang bị áo phao, cắt cử người quan sát, nhắc nhở và túc trực công tác cứu nạn cứu hộ. Đặc biệt, với khách dưới 15-16 tuổi, chúng tôi không đón tiếp tắm suối, thác mà bắt buộc phải có người lớn đi kèm.

Từ cuối năm 2023, UBND tỉnh Thiên Huế đã Ban hành quy chế quản lý bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận trên địa bàn tỉnh.

“Bước vào mùa cao điểm du lịch sinh thái gắn với ao hồ, suối, thác, đầm phá và kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã có thông báo đến các đơn vị doanh nghiệp du lịch về công tác đảm bảo an toàn cho du khách. Đồng thời, Thanh tra Sở cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị và chính quyền địa phương triển khai kiểm tra tình hình môi trường du lịch tại các điểm, khu du lịch cấp tỉnh có khai thác hoạt động mặt nước”- ông Nguyễn Văn Phúc thông tin.

 Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối, thác - ảnh 2
Trải nghiệm tại Thác Mơ, khu du lịch lịch sinh thái YesHue Eco, huyện Nam Đông

Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh; tổ chức tuyên truyền, giáo dục cộng đồng tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tại bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác tại các điểm du lịch sinh thái khác trên địa bàn. Thực tế có các nhóm khách lẻ, phần lớn là người trẻ thích khám phá tự tìm đến các điểm suối, thác nhỏ chưa được khai thác, chưa có ban quản lý để trải nghiệm. Cùng với đó, thời tiết mùa hè thường xảy ra mưa giông cũng dễ dẫn đến các “sự cố” bất ngờ ở các điểm suối, thác… Do đó công tác kiểm tra, chấn chỉnh, tuyên truyền ở cấp cơ sở là rất cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho du khách khi tham gia các hoạt động du lịch.

Mặc dù có nguồn tài nguyên, nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với suối, thác và những năm qua đã thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch sinh thái ở Thừa Thiên Huế còn chưa đồng bộ, việc xây dựng điểm du lịch, sản phẩm dịch vụ du lịch liên quan đến những khu vực này còn nhiều bất cập, đa phần mang tính tự phát và chất lượng thấp. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có đề án “Định hướng phát triển các điểm du lịch sinh thái gắn với suối, thác trên địa bàn tỉnh”; trong đó, xác định các điểm du lịch suối, thác có tiềm năng phát triển tốt, có tính đột phá để kêu gọi đầu tư như: thác Phướng, thác Trời, thác Trượt (huyện Nam Đông); thác Tà Rê (huyện A Lưới); suối Khe Đầy, Khe Lạnh, Khe Hung (thị xã Hương Trà); thác Chín Chàng (thị xã Hương Thủy); Điểm du lịch sinh thái thượng nguồn Ô Lâu (huyện Phong Điền); Suối Tiên (huyện Phú Lộc)…

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tiếp cận khai thác tài nguyên du lịch trên địa bàn và tạo sinh kế cho người dân làm du lịch cộng đồng, kinh doanh hộ cá thể, Sở Du lịch cũng lưu ý các điểm để quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng như: Suối A Lin, Suối Pâr Le, suối Cân Te, thác A Nôr (huyện A Lưới); thác A Đon, thác Khe Me (huyện Phong Điền); suối Tam thác Đổ, thác Cây Sen, thác Bồ Ghè, suối Voi, suối Khe Su, thác Nhị Hồ (huyện Phú Lộc)…