Để Việt Nam trở thành “kinh đô ẩm thực” của thế giới

HOÀNG HẢI

VHO - Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa ẩm thực, với kho tàng trên 3.000 món ăn đa dạng, nghệ thuật chế biến độc đáo, mang đậm bản sắc đặc trưng của các vùng miền trong cả nước, Việt Nam có nhiều lợi thế trở thành “Kinh đô ẩm thực” của thế giới.

 Để Việt Nam trở thành “kinh đô ẩm thực” của thế giới - ảnh 1

 Cần có chiến lược quốc gia về quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Ảnh: VIETKINGS

Xây dựng “thực đơn” ẩm thực đặc trưng từ văn hóa

Chia sẻ tại hội thảo Việt Nam - hành trình trở thành “Kinh đô ẩm thực” của thế giới do Chi hội Nhà hàng Việt Nam (RAV) và Khoa Du lịch - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) phối hợp tổ chức mới đây, ông Lã Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) cho biết, VCCA đang thực hiện đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022-2024” nhằm khảo sát, thu thập dữ liệu của kho tàng ẩm thực Việt Nam, tạo bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia.

Hiện đã thu thập được dữ liệu của khoảng 1.000 món ăn Việt Nam, từ nguyên liệu đến cách chế biến, hình thức thể hiện… Trong đó, chọn ra các món ăn tiêu biểu, đặc sắc của các vùng miền để xây dựng mô hình kinh tế khởi nghiệp cho các thế hệ. Đồng thời số hóa bản đồ món ăn, xây dựng “thực đơn Việt Nam” theo từng vùng miền để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước, tiến đến hình thành Bảo tàng ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D.

Thông qua đề án, VCCA mong muốn thực hiện sứ mệnh nâng tầm ẩm thực Việt Nam gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, đặc trưng của các vùng miền, thúc đẩy kinh tế ẩm thực. Làm cho bạn bè quốc tế công nhận về giá trị và sức hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam, qua đó đưa Việt Nam trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách quốc tế.

Ông Khánh chia sẻ thêm, thống kê cho thấy, hiện có hơn 1.000 nhà hàng Hàn Quốc và khoảng 1.000 nhà hàng Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam. Việc đưa ẩm thực quốc tế về Việt Nam cũng tạo thêm sức hấp dẫn cho du khách. Để tạo sự khác biệt của ẩm thực Việt Nam, bên cạnh việc đảm bảo giá trị dinh dưỡng, món ăn Việt Nam phải nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa truyền thống, đặc trưng của từng vùng miền… nhằm thu hút sự tò mò, muốn trải nghiệm và thưởng thức của du khách.

Theo ông Chử Hồng Minh, Chủ tịch Chi hội Nhà hàng Việt Nam, thương hiệu quốc gia về văn hóa ẩm thực gắn liền với thương hiệu điểm đến về du lịch. Để vinh danh một điểm đến, các tổ chức quốc tế thường nhấn mạnh nhiều đến yếu tố văn hóa, trong đó không thể thiếu vai trò của văn hóa ẩm thực. Đây cũng là yếu tố góp phần làm phong phú, tăng sức hấp dẫn và cạnh tranh của các sản phẩm ẩm thực.

Cần có chiến lược quốc gia

GS.TSKH Lưu Duẩn, chuyên gia đầu ngành về công nghệ thực phẩm của Việt Nam nhìn nhận, để đưa ẩm thực Việt Nam đến được với đông đảo du khách trong nước và quốc tế, cần có chiến lược tầm quốc gia về quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Đồng thời phải xác định được các tiêu chí để phân biệt, so sánh giữa món ăn Việt Nam với các quốc gia khác. Theo đó, GS.TSKH Lưu Duẩn đặt ra 5 tiêu chí để đánh giá đó là: Bổ, lành, ngon, rẻ và tiêu chí thứ 5 nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa truyền thống.

Đồng tình với quan điểm đặt tiêu chí nói trên, chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh cho rằng, muốn cho ẩm thực Việt Nam cạnh tranh được với nền ẩm thực các quốc gia khác, vấn đề hiện nay là cần làm cho ẩm thực Việt Nam phải sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo ông Lý Quý Trung, người Việt Nam đang kinh doanh nhà hàng tại Australia chia sẻ, để quảng bá hình ảnh ẩm thực của một quốc gia đến du khách quốc tế, không thể không chú trọng đến việc mở nhà hàng của quốc gia đó tại các nước trên thế giới. Đây cũng là lý do vì sao trước đây, Thái Lan khuyến khích những người kinh doanh chuyên nghiệp trong nước đi mở nhiều nhà hàng Thái trên khắp thế giới.

Thậm chí họ có cả một chiến lược quốc gia, đầu tư ngân sách rất lớn để đào tạo người lao động làm việc tại các nhà hàng Thái Lan trên khắp thế giới. Điều này cũng lý giải vì sao ngày càng có nhiều nhà hàng Hàn Quốc, Nhật Bản liên tiếp mở tại Việt Nam, thu hút rất đông lượng khách cả người Việt Nam và khách du lịch quốc tế. “Theo đó, muốn định vị được thương hiệu trên bản đồ ẩm thực thế giới, Việt Nam cần có một chiến lược quốc gia, chú trọng đến yếu tố “ngon và lành” nhằm tăng sức cạnh tranh cho ẩm thực Việt Nam”, ông Trung nhấn mạnh.

Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện hành trình tìm kiếm và quảng bá các giá trị đặc biệt của Việt Nam, nhất là các giá trị về ẩm thực, đặc sản… Đến nay, VietKings đã đề cử và chính thức được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận 50 kỷ lục trong lĩnh vực ẩm thực của Việt Nam theo bộ tiêu chí xác lập “Giá trị ẩm thực châu Á”. Đơn vị này vẫn đang tiếp tục hành trình tìm kiếm và quảng bá sức hấp dẫn của ẩm thực Việt đến bạn bè thế giới. 

 Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần 2

 Theo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần 2-2024 sẽ diễn ra từ ngày 17-19.5 tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1) với chủ đề “Bánh mì Việt Nam - Giá trị ẩm thực thế giới”.

Sự kiện năm nay thu hút khoảng 150 gian hàng tham gia, gồm các thương hiệu bánh mì nổi tiếng trên 50 năm, các nhà hàng phục vụ món ăn kèm bánh mì, tiệm bánh mì, các nhà cung cấp nguyên liệu gia vị… phục vụ cho công nghệ làm bánh mì. Dịp này cũng diễn ra các không gian trải nghiệm quy trình làm bánh mì và thưởng thức tại lò, không gian các đầu bếp công diễn xác lập 150 món ăn kèm với bánh mì, không gian vườn cổ tích các loài vật làm từ bánh mì với các trò chơi dân gian…

Ý kiến bạn đọc