Đề nghị bổ sung cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Lạt

VHO- Để phát triển du lịch tỉnh nhà lên tầm cao mới, theo hướng bền vững, UBND tỉnh Lâm Đồng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thu hút các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để du lịch phát triển; đưa thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng ngày càng lan tỏa, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Đề nghị bổ sung cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Lạt - Anh 1

Trung tâm thành phố Đà Lạt

Du lịch đóng góp 37,9% GRDP cho Lâm Đồng

Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách đầu tư về du lịch; đến nay toàn tỉnh đã thu hút 143 dự án đầu tư về du lịch với tổng vốn đăng ký trên 53.000 tỉ đồng, quy mô diện tích khoảng 13.000 ha; trong đó, có 137 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 52.305 tỉ đồng, quy mô diện tích 12.097 ha; 6 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư là 1.212 tỉ đồng, quy mô diện tích 674 ha. Có 42 dự án đã hoàn thành toàn bộ và đưa vào hoạt động kinh doanh (chiếm 29,4%), 63 dự án đang triển khai và hoạt động một phần (chiếm 44,1%) và 37 dự án đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư (chiếm 26,5%); tổng vốn đầu tư đã thực hiện khoảng 7.000 tỉ đồng.

Xác định ngành Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng xây dựng các cơ chế chính sách, quan tâm tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng theo hướng chất lượng cao và bền vững. Nhiều nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy đều ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch phát triển du lịch trong từng giai đoạn và hàng năm để kịp thời chỉ đạo phát triển du lịch của từng địa phương trong tỉnh và thu hút các dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo đột phá trong phát triển du lịch chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị bổ sung cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Lạt - Anh 2

Đà Lạt nổi tiếng với thương hiệu Thành phố hoa

Việc nâng cao nhận thức về du lịch và phát triển du lịch đã chuyển hóa thành hành động cụ thể, huy động ngày càng nhiều nguồn lực tham gia khai thác tiềm năng và lợi thế du lịch của tỉnh theo hướng bền vững. Các chỉ tiêu về du lịch phát triển ổn định; lượng khách du lịch đến Lâm Đồng tăng trưởng đều qua các năm với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9% mỗi năm. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã đón tiếp và phục vụ hơn 32 triệu lượt khách, trong đó có hơn 2 triệu lượt khách quốc tế. Tỉ trọng ngành Du lịch - dịch vụ trong GRDP toàn tỉnh đến cuối năm 2020 đạt 37,9%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu hút đầu tư, phát triển du lịch tại Lâm Đồng vẫn còn một số hạn chế như: việc triển khai nhiều dự án đầu tư du lịch còn chậm tiến độ do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế chung. Một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với rừng phòng hộ môi trường cảnh quan, rừng tự nhiên. Hạ tầng giao thông kết nối giữa Lâm Đồng với các vùng du lịch trọng điểm trong cả nước còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là mở các chuyến bay quốc tế đến Lâm Đồng. Chưa có nhiều nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các dự án có quy mô lớn, loại hình mới lạ, hấp dẫn, cao cấp. Một số nhà đầu tư chưa khảo sát kỹ địa bàn thực hiện dự án; chưa nắm rõ các quy định pháp luật trong triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, nhất là thủ tục về đất đai, xây dựng, quản lý bảo vệ rừng dẫn đến tiến độ triển khai dự án chậm so với cam kết.

Đề nghị bổ sung cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Lạt - Anh 3

Du lịch đóng góp tới 37,9% GRDP cho Lâm Đồng

Ý thức chấp hành pháp luật của một số nhà đầu tư còn chưa cao, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, quản lý, bảo vệ rừng. Việc định hướng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng sản phẩm du lịch trùng lắp, tính cạnh tranh không cao. Nguồn nhân lực du lịch tuy đã được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và có bước chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế; nhất là thiếu đội ngũ lao động có trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư du lịch

Để phục hồi và phát triển ngành Du lịch trong bối cảnh mới, trong thời gian tới tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung các nguồn lực để thu hút đầu tư, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Đề nghị bổ sung cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Lạt - Anh 4

Đồi cỏ hồng Đà Lạt

Trong giai đoạn 2021- 2025, Lâm Đồng phấn đấu lượng khách du lịch đăng ký lưu trú tăng bình quân 9%/năm; trong đó khách quốc tế chiếm từ 12-13% tổng lượng khách lưu trú. Đến năm 2025: đầu tư và đưa vào khai thác 2 công trình trọng điểm của giai đoạn 2016- 2020 là Khu du lịch Đankia Suối Vàng và Khu du lịch hồ Đại Ninh. Kêu gọi đầu tư và triển khai đầu tư tại khu du lịch hồ Prenn và khu du lịch núi SaPung.

Tiếp tục phát triển hệ thống cơ sơ lưu trú du lịch cao cấp (khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch đạt chuẩn 3 - 5 sao); phấn đấu đến năm 2025 số phòng đạt chuẩn cao cấp chiếm trên 25% trong tổng số phòng của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch và trên 45% trong tổng số phòng đạt chuẩn 1-5 sao trên địa bàn tỉnh; tăng tỉ lệ lao động du lịch trực tiếp qua đào tạo trên 85%.

Đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, thu hút đầu tư thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm về kinh tế - xã hội. Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục cơ cấu lại các dự án đầu tư; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các dự án quy mô lớn nhằm tạo bước đột phá trong phát triển du lịch.

Đề nghị bổ sung cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Lạt - Anh 5

Đà Lạt- thành phố trong sương với những khung cảnh lãng mạn luôn thu hút du khách

Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt và tranh thủ sự chỉ đạo của Trung ương, đề xuất Chính phủ cho tiếp tục thực hiện Quyết định số 1528/QĐ-TTg và một số cơ chế, chính sách đặc thù mới cho thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trong giai đoạn 2021- 2025 gắn với Đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành thành phố du lịch sinh thái, thông minh. Phấn đấu đạt mục tiêu xây dựng thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc thành đô thị thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch: Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách phát triển kinh tế ban đêm; chính sách thu hút, khuyến khích các tập đoàn du lịch lớn, thương hiệu quốc tế đến đầu tư, quản lý hoạt động kinh doanh du lịch tại Lâm Đồng. Kêu gọi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai, hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án tại các khu du lịch quốc gia: hồ Tuyền Lâm, Đankia Suối Vàng, các dự án trọng điểm tại khu du lịch hồ Prenn, hồ Đại Ninh, núi Sapung (Bảo Lộc).

Đề nghị bổ sung cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Lạt - Anh 6

Nhà thờ con gà Đà Lạt

Hoàn thành và triển khai các đề án trọng tâm về du lịch: Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Lạt; Đề án xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, hướng đến phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh; Ban hành Kế hoạch phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, khai thác, xúc tiến quảng bá để thúc đẩy phát triển du lịch thông minh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý điểm đến và hỗ trợ du khách. Hình thành phần mềm cơ sở dữ liệu ngành du lịch.

Đề nghị bổ sung cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Lạt - Anh 7

Thác Pongour nằm cách trung tâm thành phố ngàn hoa Đà Lạt khoảng 50km

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch. Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch. Phát triển đội ngũ quản lý và hướng dẫn viên chuyên nghiệp, đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về du lịch các cấp đảm bảo về số lượng, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Định hướng, quy hoạch phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững. Phát triển du lịch phù hợp với tình hình mới; phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả; đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể nhằm khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch sau dịch Covid-19.

Nhằm giúp tỉnh Lâm Đồng có bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội nói chung và du lịch nói riêng, tỉnh Lâm Đồng kính đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương quan tâm ủng hộ chủ trương điều chỉnh, bổ sung cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Lạt; hỗ trợ Lâm Đồng trong công tác đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng phục vụ du lịch trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh triển khai quy hoạch phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

TRẦN VĂN HIỆP

(Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng)

Ý kiến bạn đọc