Lâm Đồng phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

VHO- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức hội thảo “Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, thiên nhiên gắn với phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững của tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn hiện nay” tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Lâm Đồng phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch - Anh 1

 Lâm Đồng sở hữu nhiều di tích lịch sử - văn hóa, thiên nhiên có giá trị cao

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, trong những năm qua ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đã có những bước phát triển đáng kể được thể hiện thông qua doanh thu và số lượng khách du lịch đến Lâm Đồng tăng trưởng ổn định qua các năm. Mặc dù vậy, du lịch Lâm Đồng còn bộc lộ nhiều hạn chế, cần các giải pháp khắc phục để hướng đến phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững. Hiện nay, sản phẩm du lịch của tỉnh Lâm Đồng còn đơn điệu, chất lượng thấp; nhiều tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh xuống cấp và bị xâm hại nghiêm trọng; cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch chất lượng cao; nguồn vốn đầu tư cho ngành du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư của ngành du lịch; bảo tồn các giá trị di tích lịch sử, văn hóa và các làng nghề truyền thống chưa được quan tâm đúng mức; chưa tạo ra được môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng… Chính những hạn chế trên là nguyên nhân dẫn đến du lịch Lâm Đồng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của tỉnh.

Chính vì thế, phát triển du lịch Lâm Đồng nói chung và khai thác giá trị di sản văn hóa - lịch sử, thiên nhiên nói riêng là yêu cầu tất yếu để phát triển du lịch chất lượng cao cho địa phương trong giai đoạn hiện tại và tương lai.

Theo bà Đoàn Bích Ngọ, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, để làm được điều đó, trong thời gian tới ngoài việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn các yếu tố gốc, đặc biệt là môi trường di tích, cảnh quan thắng cảnh, cần khai thác đúng hướng dựa trên tính đặc thù và giá trị riêng có của từng di tích, tránh đơn điệu, trùng lặp, nhàm chán để hấp dẫn du khách. Trên cơ sở đó khai thác tạo ra những sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu khách tham quan, thu lợi về kinh tế, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân tại chỗ. Cần chú trọng tới việc tuyên truyền quảng bá, kết nối và hình thành các tour du lịch lữ hành trong và ngoài nước. Xây dựng chương trình, hình thành các tour du lịch di sản kết nối với du lịch sinh thái, làng nghề…

Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Hằng, giảng viên Học viện Chính trị khu vực 2 gợi ý, tỉnh Lâm Đồng nên lấy kết quả và kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch rất thành công của Singapore và Thái Lan làm bài học tham khảo cho quá trình hoạch định, xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh, đặc biệt là phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa và thiên nhiên để phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững. Cùng với đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, thiên nhiên trong phát triển du lịch với từng bước đi, lộ trình phù hợp gắn với lợi thế và tiềm năng vốn có của địa phương sẽ góp phần rất lớn cho tỉnh Lâm Đồng trong việc phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới.

THÀNH KHIÊM

Ý kiến bạn đọc