Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Gia đình

28 Tháng Ba 2024

Xây dựng văn hóa gia đình trong xã hội đương đại

Thứ Sáu 02/11/2018 | 08:14 GMT+7

VHO-  Cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa một mặt có tác động tích cực, nhưng mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng đã và đang tác động tới các giá trị đạo đức truyền thống và lối sống lành mạnh làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội tác động đến đời sống gia đình Việt Nam, làm cho nhiều gia đình phải đứng trước những thử thách, sóng gió. 

 Một trong những biện pháp quan trọng để giữ gìn hạnh phúc gia đình chính là xây dựng các giá trị văn hóa gia đình trong thời kỳ hội nhập.

Những nghịch lý trong gia đình hiện đại

Trong những gia đình sống ở thành phố và vùng đô thị hóa, mối quan hệ giữa các thành viên đang trở nên lỏng lẻo. Tác động rõ ràng nhất là sự thiếu thốn và nguội lạnh của những bữa cơm gia đình. Giây phút bên nhau bị xén bớt, ít ỏi đến lạ lùng, không còn tiếng cười rộn rã bên mâm cơm chiều, những hoạt động chung trong gia đình như cùng nhau xem TV, trò chuyện cũng thưa dần. Ngôi nhà dường như đơn thuần là nơi tạm trú của một nhóm người có chung máu mủ ruột rà. Sự gắn kết chỉ dừng ở mức dùng chung một đường truyền Internet, một chiếc TV, một chiếc tủ lạnh... Mối quan hệ thương yêu, gần gũi giữa từng thành viên không được củng cố, gây ra nhiều hệ lụy.

NGƯT Nguyễn Hồng Mai (Đại học Văn Hóa Hà Nội) chia sẻ về hiện tượng “di cư trí thức”, không gian sống trong các gia đình hiện nay không chỉ là phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ mà còn phải có phòng làm việc cho mỗi thành viên trong gia đình, bởi áp lực lớn của công việc đã nối dài thời gian lao động xã hội tại nhà. Lời thắc mắc của đứa trẻ sau một ngày bán trú ở trường học: “Sao bố mẹ làm việc nhiều thế, ai chơi với con?” đã báo động tình trạng quỹ thời gian dành cho sự chăm sóc tâm tình giữa những người thân trong gia đình đang bị tước đoạt công khai và với động cơ “chính đáng” đó là vì công việc. Cũng chỉ vì công việc mà khi cha mẹ già đau ốm nặng không ít những con cái biền biệt vì bận với các hợp đồng dang dở, cũng chỉ vì công việc mà người chồng để người vợ cô đơn trên bàn sinh. Mải mê kiếm tiền, bỏ bê để mặc con trẻ sống tự do dẫn đến khi con mình học hành sa sút, trượt dài vào những thói hư tật xấu, vi phạm pháp luật... thì ân hận cũng đã muộn. 

 Giải chạy “Gia đình chạy vì tương lai” tổ chức nhân ngày Gia đình Việt Nam 28.6.2018

Đề cao những giá trị văn hóa gia đình

Có thể thấy rõ nhất là cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai trong giới trẻ gia tăng, để lại hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Xu hướng hôn nhân với người nước ngoài ngày càng nhiều cũng đặt ra mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội. Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng ngày càng gia tăng. Các giá trị văn hóa truyền thống gia đình tốt đẹp của người Việt Nam đang có biểu hiện xuống cấp, mai một. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm… đã và đang xâm nhập vào các gia đình.

TS Lê Thị Bích Hồng cho rằng chính guồng quay của xã hội hiện đại đã làm ảnh hưởng phần nào các giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử gia đình. Không ít người làm cha, làm mẹ không làm tròn bổn phận, trách nhiệm. Không chăm lo cho thế hệ tương lai, mải kiếm tiền và vun vén cho hạnh phúc ích kỷ của bản thân. “Do thiếu giáo dục nền tảng đạo đức, thiếu tính làm gương của cha mẹ, không ít con cái trong gia đình không nghĩ đến tình phụ mẫu mà bất chấp làm mọi việc trái với luân thường đạo lý. Một thực tế đáng buồn là sự xuống cấp của những nguyên tắc, chuẩn mực trong gia đình, sự vi phạm cũng như việc chấp nhận những sai lệch chuẩn mực xã hội trong gia đình đã diễn ra một cách dễ dàng và khá phổ biến”, TS Lê Thị Bích Hồng nhận định. 

Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28.6.2018, thì việc duy trì chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” đã trở thành việc làm tốt đẹp. Đề cao khẳng định ý nghĩa bữa cơm gia đình trong gắn kết các thành viên gia đình, xây dựng mối quan hệ bền chặt và nâng cao hạnh phúc gia đình, đồng thời giáo dục cho các thành viên trong gia đình nhận thức được giá trị của những giây phút sum họp bên bữa cơm gia đình, từ đó giáo dục trách nhiệm của mỗi thành viên trong xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Khi cuộc sống hiện đại ngày càng đầy đủ, chất lượng bữa ăn trong mỗi gia đình được nâng cao, thì không khí sum họp, đầm ấm lại có phần giảm đi. Có gia đình cả tuần không có bữa ăn nào cả nhà có mặt đầy đủ. Mặc dù chỉ có bữa cơm tối là cả nhà ăn cùng nhau, nhưng vì công việc bận tối ngày nên một số gia đình cũng ít khi được quây quần sum họp thường kỳ. Thậm chí có những hôm người ở nhà ăn trước, người về muộn ăn sau vì con trẻ còn phải học bài và người già phải nghỉ ngơi sớm. Đó là chưa nói tới việc có thể các thành viên ngồi với nhau cùng một bữa cơm nhưng mỗi người mỗi kiểu: dán mắt vào màn hình điện thoại hay không thể rời được chiếc tai nghe. Nghiện internet đã trở thành một căn bệnh khó chữa, nhiều gia đình phải áp dụng cả biện pháp cực đoan đó là gỡ bỏ đường truyền. 

Vấn đề đặt ra hiện nay đó là các gia đình chưa thật sự quan tâm đúng mức đến việc giáo dục các giá trị truyền thống cho con em mình. Nền tảng đạo đức, chuẩn mực gia đình có nguy cơ bị phá vỡ. Hàng loạt vấn đề xã hội đã nảy sinh, len lỏi vào từng gia đình và trở thành những bức xúc. Giá trị văn hóa gia đình cần phải được coi trọng, gia đình ổn định, bền vững là nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển và sự ổn định của mỗi quốc gia. Chỉ có như vậy, gia đình mới có thể phát huy hết sức mạnh, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc góp phần làm cho xã hội ngày càng công bằng và phát triển bền vững. Và chỉ có ở đó, con người mới thực sự tìm thấy sự đầm ấm, bình yên và hạnh phúc. 

  Để xây dựng văn hóa con người Việt Nam từ đạo đức đến lối sống, những năm qua Bộ VHTTDL đã tích cực trong việc gắn kết giữa xây dựng văn hóa thông qua hoạt động của Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Trong lĩnh vực công tác gia đình chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” được lấy là chủ đề xuyên suốt tập trung nguồn lực triển khai những hoạt động cụ thể như: PCBLGĐ, thực hiện bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình và giáo dục đạo đức lối sống cho các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng đang tăng cường các hoạt động truyền thông, xây dựng các tài liệu khung nhằm định hướng cho công tác gia đình trong giáo dục đạo đức lối sống như bộ tài liệu giáo dục đời sống gia đình, sách tham khảo về nghiệp vụ, sách hỏi đáp phổ biến pháp luật... (TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình) 

 

 HÀ NHUNG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top