Sư mồ côi ở “Chùa mồ côi”

VHO- Chùa Bửu Thắng (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) gần 20 năm nay do một vị sư cô mồ côi trụ trì. Và cũng từ ngày ấy, ngôi chùa này vẫn được gọi với cái tên “Chùa mồ côi”, bởi trong chùa có hàng trăm hoàn cảnh mồ côi, già yếu không nơi nương tựa, bệnh tật được nép bóng dưới mái chùa và an yên trong tiếng kinh kệ mỗi ngày.

Sư mồ côi ở “Chùa mồ côi” - Anh 1

 Sư cô Huệ Hướng thăm hỏi, trò chuyện cùng những người bệnh

Sư cô Thích Nữ Huệ Hướng sinh ra tại vùng đất nghèo Quảng Nam, chiến tranh đã cướp đi những người thân yêu nhất. Một thân một mình không nơi nương tựa, sư cô đã phải đi ở làm con nuôi cho một gia đình nông dân nghèo khó. 14 tuổi, cuộc sống cơ cực khiến sư cô bắt xe đến Tây Nguyên. Khi lên đến Đắk Lắk, với hai bàn tay trắng không có cả giấy tờ tùy thân nên sư cô phải làm rất nhiều việc để kiếm cơm qua ngày. Trong lúc mưu sinh cực khổ, sư cô Huệ Hướng bắt gặp những phận đời cơ cực, những đứa trẻ bị bỏ rơi, những cụ già không nơi nương tựa.

Chị Lê Thị Miền, người hằng ngày chăm sóc cho gần trăm trường hợp khuyết tật ở chùa nói, chị cũng bị bệnh trong người nên đã hơn 10 năm tình nguyện đến đây chăm sóc cho họ. Chị Miền là người Bình Định nhưng do hoàn cảnh gia đình nên chị lên Đắk Lắk vào ở luôn trong chùa để chăm sóc những hoàn cảnh khuyết tật. Chị Miền chỉ về một người đàn ông đang đập tay liên hồi xuống chõng, rồi khóc như một đứa trẻ dù nay đã hơn 45 tuổi đời. Những tiếng ú ớ không rõ nghĩa, phải nhờ người “phiên dịch” mới biết ông tên Tưng sinh ra ở Huế. Ngay cạnh cánh cửa là một cụ bà chừng 90 tuổi nằm bất động. Cụ gầy gò với phần đùi lõm vào lở loét. Cứ vài ngày, các sư trong chùa phải mời bác sĩ đến khám cho cụ và một số người khác. Chị Miền cũng không nhớ cụ đã vào đây từ bao giờ, chỉ biết là rất lâu rồi. Và chừng ấy năm, không có một người thân nào đến thăm...

Ở “Chùa mồ côi” này có biết bao mảnh đời cơ cực được sư cô Huệ Hướng cưu mang, nuôi dưỡng. “Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng tâm niệm của chúng tôi là mong cho những người có hoàn cảnh không may tìm được hơi ấm ở mái nhà chung này. Chúng tôi mong được các Mạnh Thường Quân quan tâm, chia sẻ giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh ở đây. Công việc cũng vất vả lắm, nhưng chứng kiến những đứa trẻ bị bỏ rơi, những cụ già không có con cái, hoặc bị con cái bỏ rơi lang thang vào đây cũng xót. Làm mãi thành quen, lúc nào mệt thì nghỉ, khỏe làm tiếp!”, sư cô Huệ Hướng nói.

TIÊU DAO - THIỆN TÂM

Ý kiến bạn đọc