Khánh Hòa siết chặt quản lý loại hình du lịch mạo hiểm

VHO- UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản yêu cầu Sở Du lịch phối hợp với Sở VHTT, địa phương tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động du lịch mạo hiểm do thời gian qua, trên địa bàn một số tỉnh, thành xảy ra sự cố để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây chết người.

Khánh Hòa siết chặt quản lý loại hình du lịch mạo hiểm - Anh 1

 Mạo hiểm cùng ca nô siêu tốc trên biển Nha Trang

Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có rất nhiều lợi thế phát triển du lịch mạo hiểm, trong đó Khánh Hòa được xem là vùng đất có nhiều tiềm năng nhất trong việc phát triển loại hình du lịch này. Theo đó, tại đây hội đủ các yếu tố phát triển du lịch biển, núi, thác ghềnh và nhất là du lịch mạo hiểm gồm lặn biển, kéo dù trên biển, mô tô nước, cano trượt ván, đu dây trên thác, trượt núi… Tận dụng lợi thế, chính quyền địa phương, ngành Du lịch, các nhà đầu tư đã cho xây dựng các loại hình du lịch mạo hiểm ngày càng đa dạng hơn. Các hoạt động du lịch mạo hiểm như bay dù trên vịnh Nha Trang, bay dù lướt ván và một số loại hình du lịch mạo hiểm đã thu hút được đông đảo khách du lịch tham gia. Ngoài ra, một số hoạt động du lịch nhảy thác ở huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh cũng thu hút nhiều du khách từ châu Âu tìm đến.

Bên cạnh việc tận dụng lợi thế, hoạt động du lịch mạo hiểm đang tồn tại nhiều bất cập. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định pháp luật; tình trạng tổ chức lặn biển, leo núi trái phép vẫn diễn ra. Điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, ảnh hưởng đến thương hiệu của du lịch Khánh Hòa.

Liên quan vấn đềnày, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang đã có ý kiến chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh, không được phép lơ là trong công tác quản lý.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hoà cho biết, Nghị định 168/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017 khá cụ thể về các loại hình du lịch mạo hiểm. Bên cạnh đó, Nghị định này còn quy định các biện pháp bảo đảm an toàn khi kinh doanh các sản phẩm du lịch mạo hiểm như: có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan khi cung cấp các sản phẩm du lịch mạo hiểm; có phương án cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng cứu hộ khách du lịch và can thiệp, xử lý, ứng cứu kịp thời các sự cố, tai nạn, rủi ro xảy ra; duy trì, bảo đảm thông tin liên lạc với khách du lịch trong suốt thời gian cung cấp sản phẩm; bố trí, sử dụng huấn luyện viên, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên có chuyên môn phù hợp…

Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Du lịch đã tổ chức nhiều đợt tập huấn tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của khách du lịch. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị gửi thông báo về việc tổ chức kinh doanh du lịch mạo hiểm để Sở thẩm định, nhưng rất ít đơn vị thực hiện quy định này.

Cho đến nay, chỉ có Công ty cổ phần Vinpearl - Chi nhánh Nha Trang thực hiện việc thông báo về triển khai dịch vụ đu dây mạo hiểm hành trình trên cao (zipline) tại khu vui chơi giải trí Vinpearl Land Nha Trang. Sở Du lịch đã thẩm định và kết luận: Vinpearl Land bảo đảm an toàn khi kinh doanh trò chơi zipline theo đúng quy định của Luật Du lịch 2017 và các văn bản pháp luật liên quan.

“Trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ rà soát lại các loại hình du lịch mạo hiểm. Từ đó, Sở sẽ xây dựng quy trình hướng dẫn các doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh dịch vụ du lịch mạo hiểm thực hiện việc đăng ký, để được cấp phép theo quy định của pháp luật”, bà Thanh khẳng định. 

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc