Lao động di cư tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp: Lý do là sự thụ hưởng quá chênh lệch

VHO- Thời gian đóng quá lâu, chính sách hưởng chênh lệch giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện vẫn đang là rào cản để người lao động tự do, lao động di cư tham gia vào BHXH tự nguyện.

Lao động di cư tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp: Lý do là sự thụ hưởng quá chênh lệch - Anh 1

Cần đổi mới chính sách để lao động tự do như người làm dịch vụ xe ôm tham gia BHXH tự nguyện

Bà Nguyễn Thị Thi, Chủ tịch Nhóm lao động di cư ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết rất nhiều lao động di cư tự do cư trú trên địa bàn quận không tham gia BHXH. Nguyên nhân cũng bởi hiện nay chế độ hưởng thấp, chỉ có 2 chế độ so với 5 chế độ của BHXH bắt buộc. Thêm vào đó, lao động di cư tự do dù có mức thu nhập tương đối cao nhưng không ổn định, bởi vậy họ rất ngại phải tham gia đóng BHXH tự nguyện, sợ phải cam kết đóng lâu dài tới 25 năm.

“Bên cạnh việc tuyên truyền các chính sách, quyền lợi khi tham gia BHXH thì thực tế đặt ra là sự chênh lệch chế độ thụ hưởng của BHXH tự nguyện ít hơn hẳn BHXH bắt buộc. Đây là lý do chính khiến lao động có sự so sánh và không muốn tham gia”, bà Thi nói. Theo quy định, người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng năm chế độ trong BHXH gồm thai sản, tai nạn, tử tuất, hưu trí, thất nghiệp, còn BHXH tự nguyện chỉ được chi trả hai chế độ là tử tuất và hưu trí. Trong khi đó lao động di cư tự do cũng rất cần hưởng những chính sách ngắn hạn khi tham gia BHXH tự nguyện như chế độ thai sản, chế độ chi trả an toàn lao động... như người lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Bà Nguyễn Thu Giang, Phó viện trưởng Viện Phát triển Sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng - LIGHT cho biết, lao động di cư tự do là một trong những nhóm lao động yếu thế. Mặc dù công việc nặng nhọc, vất vả nhưng họ lại chưa nhận được những sự trợ giúp cần thiết để đảm bảo cuộc sống. Nhiều nhóm lao động di cư như nhóm giúp việc gia đình, nhóm bốc vác, nhóm bán hàng rong.... có thu nhập trung bình khá so với mặt bằng chung, nhưng lại đang sống trong những điều kiện khó khăn về nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục. “Đa phần lao động di cư chưa tiếp cận được với chính sách an sinh xã hội. Chỉ có 5 % lao động tham gia BHYT, gần 100% lao động di cư tự do chưa tham gia BHXH tự nguyện”, bà Giang cho hay.

Ngoài ra, hiện nay không phải địa phương nào cũng có chính sách “mở” với lao động nhập cư. Để mua được BHYT, BHXH tự nguyện, lao động di cư tự do cần rất nhiều giấy tờ: Tạm trú, chứng minh thư, xác nhận của chủ trọ... nhưng nhiều người không có những giấy tờ trên cũng là rào cản để họ tham gia vào hệ thống an sinh xã hội.

Để mở rộng, phát triển BHXH tự nguyện hướng tới thực hiện BHXH toàn dân, thời gian qua Chính phủ, ngành BHXH đã có nhiều chủ trương, nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ bao phủ của BHXH tự nguyện. Trong năm 2018, sau khi triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ từ 10 đến 30% tiền đóng BHXH hàng tháng cho người lao động tùy từng đối tượng; tổ chức hàng nghìn hội nghị tuyên truyền tại các địa phương, tập huấn công tác tuyên truyền BHXH cho cán bộ BHXH các cấp…Với những nỗ lực đó, đến thời điểm này, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng lên gần 500.000 nghìn người. Tuy vậy, tốc độ tăng vẫn rất chậm, và không đáng kể so với tổng số người lao động tự do.

Tại buổi thảo luận tại Hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, lập kế hoạch cho năm 2020, ngày 31.10 vừa qua ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đối tượng tham gia BHXH dần được mở rộng, nhưng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện còn thấp và khó khăn, chưa có số liệu cụ thể đánh giá tỷ lệ phần trăm này. Vì vậy đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nâng mức hỗ trợ đóng BHXH cho đối tượng hộ cận nghèo và hộ nghèo để thúc đẩy người dân tham gia BHXH tự nguyện, phấn đấu đạt nhanh tốc độ tăng BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương. “Trong gia đoạn đầu thực hiện chính sách BHXH tự nguyện cần nâng mức hỗ trợ lên để kích cầu, tham gia từ người dân. Về dài hạn, đây là việc Nhà nước bỏ tiền ra hỗ trợ trước để không phải chi sau khi người dân cao tuổi, bệnh tật”, ông Bùi Sỹ Lợi nhận định.

Các ý kiến khác cũng cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện nên mở rộng thêm các chế độ hưởng để người có nhu cầu mở rộng thêm quyền lợi được tham gia. Ngoài ra, có thể tích hợp thêm chính sách BHYT để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT. 

 NGUYỆT MINH

Ý kiến bạn đọc