Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Hoà Bình nên trở thành một trung tâm du lịch cuối tuần

Thứ Năm 12/12/2019 | 16:45 GMT+7

VHO- Nhiều tiềm năng du lịch, rất gần Hà Nội, đường đi thuận tiện, các chuyên gia du lịch và doanh nghiệp lữ hành cho rằng: “Hoà Bình nên tập trung phát triển thành một trung tâm nghỉ dưỡng cuối tuần, thu hút thị trường lớn nhất cả nước”.

Nhiều vấn đề được thảo luận tại Hội thảo Phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hoà Bình năm 2019 vừa diễn ra tại thành phố Hoà Bình nhằm nâng cao tính hấp dẫn, đa dạng, chất lượng của sản phẩm du lịch tỉnh Hoà Bình cho phù hợp với tình hình phát triển thời gian tới.

Tiềm năng lớn nhưng quy mô phát triển nhỏ

Trên địa bàn tỉnh hiện có 296 điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được quản lý bảo vệ, trong đó hơn 70 hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền “Văn hóa Hòa Bình” thời tiền sử nổi tiếng thế giới cách đây hàng chục vạn năm. 41 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 53 di tích cấp tỉnh đã và đang được tu bổ tôn tạo từng bước phát huy giá trị…

Nguồn nước khoáng ở huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thuỷ thuộc 2 nhóm nước khoáng Bicabonat, Sunfatcanxi nguồn gốc hoà tan, rất có giá trị để phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng. Trong khi đó, 4 khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn- Ngổ Luông, Hang Kia- Pà Cò, Thượng Tiến, Phu Canh lại rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, sinh thái, nghỉ dưỡng….

Mai Châu HideAway resort, một trong những khu nghỉ dưỡng cuối tuần hấp dẫn của Hoà Bình

Nền “Văn hoá Hoà Bình” vốn nổi tiếng là cái nôi văn hoá của người Việt cổ, vùng sử thi với huyền thoại “Đẻ đất đẻ nước”, là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông với những giá trị truyền thống về phong tục tập quán, nếp sinh hoạt thường ngày, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, văn hóa… được gìn giữ tạo nên mảnh đất đậm bản sắc văn hóa. Trong đó, các dấu ấn đậm nét đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như lễ hội như lễ hội đình Mường Trại, lễ hội đình Ngòi xã Sủ Ngòi, lễ Cấp sắc của người Dao xã Thống Nhất...

Tiềm năng lớn như vậy nhưng đến nay tỉnh này vẫn chưa có dự án du lịch nào thực sự ra tấm ra món, chỉ là những khu nghỉ dưỡng nhỏ nhỏ, cứ cuối tuần là kín đặc người Serena Kim Bôi, Mai Châu HideAway resort, Mai Châu Ecologde, V resort... Chỉ rõ thực trạng phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh trong thời gian qua và những vấn đề còn tồn tại của du lịch Hòa Bình, các chuyên gia du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đã đưa ra những giải pháp để phát triển du lịch. Trong đó, đề nghị tỉnh nên tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú; đẩy mạnh liên kết, hợp tác để phát triển du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc để phát triển bền vững loại hình du lịch cộng đồng; tích cực quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch…Trước mắt, nên tập trung để Hoà Bình trở thành một điểm đến du lịch cuối tuần lý tưởng, thu hút thị trường khách Hà Nội.

Điểm du lịch Hang Kia- Pà Cò rất hấp dẫn đối với khách trong nước và quốc tế

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng TCDL cho rằng: “Tiềm năng nhất, giá trị nhất ở Hoà Bình là bản sắc dân tộc và cảnh quan thiên nhiên nhiên tươi đẹp. Vì thế, dù phát triển kiểu gì cũng phải giữ được bản sắc dân tộc, không phá vỡ cảnh quan. Địa phương và nhà đầu tư phải thống nhất được quan điểm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Thậm chí, nếu các dự án đầu tư không đảm bảo các yếu tố đó, có nguy cơ phá vỡ cảnh quan môi trường thì tỉnh có thể từ chối chứ không nên vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi”

Chia sẻ lợi ích với cộng đồng

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Văn Chương: Thời gian qua, du lịch Hoà Bình đã có bước phát triển và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế xã hội chung của tỉnh. Tuy nhiên, ngành du lịch Hòa Bình phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú và thiếu hấp dẫn. Những ý kiến và đề xuất được đề cập tại hội thảo nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình là những giải pháp có tính chiến lược, phù hợp với từng điểm du lịch. Đây sẽ là cơ sở để UBND tỉnh xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Hoà Bình chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn vào các dự án du lịch

Muốn khai thác du lịch hiệu quả, các doanh nghiệp lữ hành gợi ý, Hoà Bình cần phải có những nghiên cứu cụ thể để đánh giá và khai thác hợp lý các giá trị của những sản phẩm du lịch đặc thù, từ đó xác định rõ những lợi thế để phát triển du lịch cho phù hợp…

Lấy ví dụ Hang Kia - Pà Cò (huyện Mai Châu), nơi trước đây từng là nỗi ám ảnh về “nàng tiên nâu”, “cái chết trắng”, ngay cạnh Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La) thủ phủ của ma túy nhưng nơi này cũng sở hữu nhiều tiềm năng du lịch. Hang Kia - Pà Cò có 2 mùa chủ đạo là mùa khô và mùa mưa, khí hậu trong lành mát mẻ, với những khu rừng nguyên sinh còn được bảo tồn. Tuy nhiên, đến giờ những tiềm năng du lịch ấy vẫn chưa được khai thác để thành điểm đến thu hút du khách.

Cách đây mấy tháng, UBND tỉnh Hoà Bình tổ chức hẳn Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch Hang Kia - Pà Cò, trực tiếp Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình Bùi Văn Tỉnh tham dự và chỉ đạo UBND tỉnh sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế hỗ trợ bà con ở đây xây dựng homestay, đón khách quy mô nhỏ đồng thời có cơ chế để ngân hàng chính sách đầu tư cùng bà con làm homestay đạt tiêu chuẩn.

Du lịch ở Hang Kia- Pà Cò chủ yếu là tự phát, thiếu quy hoạch, định hướng

Bí thư Tỉnh uỷ Bùi Văn Tỉnh cũng cho biết tỉnh Hòa Bình sẽ mở rộng đoạn đường từ quốc lộ 6 vào trung tâm xã Hang Kia, nâng cấp hạ tầng điện, nước, viễn thông để thu hút đầu tư, phục vụ hoạt động du lịch.

Vào Hang Kia - Pà Cò, đi dưới những tán đào, mận đang nở hoa; những bờ rào đá vàng rực hoa ngũ sắc; những cô gái Mông má hồng vì lạnh… mới cảm nhận được nét đẹp nguyên sơ, trong trẻo, như chưa hề bị ảnh hưởng bởi cuộc sống hiện đại. Muốn tới Hang Kia - Pà Cò, phải đi qua những cung đường khúc khuỷu, lượn theo sườn núi, bên dưới là vực sâu. Hai xã Hang Kia- Pà Cò còn lưu giữ nguyên vẹn những nếp sinh hoạt văn hóa của đồng bào Mông từ hàng ngàn đời nay. Người dân vẫn làm nghề nông, trồng ngô lúa, chè shan tuyết và cây quả như mận, đào.

Khách du lịch vào bản được cảm nhận rõ bản sắc văn hóa dân tộc khi cùng bà con dệt thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong... Sáng chủ nhật, cùng chủ nhà đi chợ phiên Pà Cò để biết thế nào là không khí “xuống chợ” rất đặc trưng của đồng bào Mông.

“Đồng bào ở Hang Kia, Pà Cò rất muốn chuyển dịch sản xuất, muốn làm du lịch, muốn được đầu tư làm du lịch để cải thiện đời sống nhưng việc làm du lịch hiện nay chỉ hết sức đơn giản và hoàn toàn tự phát, chưa có quy hoạch, định hướng, thiếu kỹ năng nghề”, chủ tịch UBND xã Pà Cò Sùng A Màng cho biết.

Lãnh đạo TCDL đã cam kết đồng hành, hỗ trợ để chương trình phát triển du lịch Hang Kia - Pà Cò sớm trở thành hiện thực và phát triển bền vững. Cụ thể là sẽ tổ chức các đoàn khảo sát, xúc tiến điểm đến, kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành đưa du khách về Hang Kia - Pà Cò; tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp cho người dân. Việc kinh doanh du lịch nhất thiết phải gắn liền với người dân, chia sẻ lợi ích với cộng đồng, đảm bảo người dân có việc làm, tăng thu nhập.

Dễ bắt gặp những hình ảnh này ở các điểm du lịch cộng đồng của Hoà Bình

Sau khi đi khảo sát các điểm du lịch ở huyện Tân Lạc, huyện Mai Châu, ông Trần Văn Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần truyền thông du lịch Việt cho rằng: “Để thu hút các nhà đầu tư du lịch và doanh nghiệp lữ hành đưa khách tới Hoà Bình, tỉnh có cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi hỗ trợ về nguồn vốn, về thuế, nguồn nhân lực để từ đó tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, tạo cú hích ban đầu cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần bố trí nguồn vốn ngân sách nâng cấp giao thông, nước sạch, viễn thông và hệ thống chỉ dẫn giao thông, chỉ dẫn du lịch; đảm bảo an ninh an toàn tại các điểm du lịch và thuê tư vấn lập quy hoạch chi tiết cho các khu du lịch còn gần như nguyên sơ như Hang Kia - Pà Cò để làm cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư phát triển du lịch”.

THUÝ HÀ; ảnh: NGUYỄN XUÂN THANH-HỒNG MINH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top