Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Trầm lắng phim hoạt hình Việt​​​​​​​: Vì sao nên nỗi?

Thứ Tư 18/12/2019 | 13:28 GMT+7

VHO- Thị trường phim hoạt hình Việt dường như chưa bao giờ có chỗ đứng so với phim hoạt hình của các hãng điện ảnh nước ngoài ngay chính trên sân nhà. Dạo quanh các phim đang chiếu rạp thời điểm hiện tại hay lùi xa về thời gian trước nữa đều không khó để nhận ra, phim hoạt hình Việt luôn vắng bóng.

Phim hoạt hình “Bí mật hang Duôn”

Không chỉ vậy, trên các kênh truyền hình hay mạng internet hiện nay, dòng phim này vẫn còn thưa thớt, quanh đi quẩn lại chỉ có một vài bộ phim có chất lượng, nhưng đề tài cũng không đa dạng...

Dành trọn “đất” cho nước ngoài

Từ nhiều năm nay, phim hoạt hình nước ngoài luôn chiếm lĩnh thị trường trong nước. Tại các rạp, phim hoạt hình nước ngoài chen kín các lịch chiếu. Cùng với đó là trên các kênh truyền hình, kênh Internet cũng đầy đủ các bộ phim ăn khách, không chỉ thu hút khán giả nhí mà cả người lớn cũng bị lôi cuốn.

Hiện tại, các bộ phim hoạt hình nước ngoài có thể kể đến như Nữ hoàng băng giá 2, Clara và khu rừng kỳ bí, Khủng long ăn chay đang kiểm soát các phòng vé. Trong khi đó, hoạt hình Việt Nam chưa bao giờ tạo được “cơn sốt” tại các rạp, thậm chí thời điểm Giáng sinh và Tết Dương lịch 2020 sắp đến nhưng phim hoạt hình Việt gần như “mất tích”. Còn tại các rạp đã xếp lịch dài ngoằng cho các phim nước ngoài như Điệp viên ẩn danh, One pieci: Lễ hội hải tặc, Spongebob: Bọt biển đào tẩu cùng nhiều bộ phim thuộc đề tài hành động, phiên lưu, hài, gia đình, nhạc kịch,... được quảng bá rầm rộ là phù hợp cho cả người lớn và trẻ em. Thị trường phim hoạt hình tại Việt Nam dành trọn “đất” cho các hãng điện ảnh nước ngoài mặc tình khai thác. Trong khi phim hoạt hình Việt Nam trong nhiều năm qua chỉ có thể kể được một số phim như Con rồng cháu tiên; Người anh hùng áo vải; Bí mật hang Duôn, Truyền thuyết gươm thần; Vầng sáng ấm áp; Cuộc phiêu lưu của trứng, chanh và ớt; Dưới bóng cây;...

Một nhà biên kịch, là thành viên ban giám khảo hạng mục phim hoạt hình tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 mới đây tâm tư, nói về những thách thức của hoạt hình Việt, trước hết là vấn đề khan hiếm kịch bản. Phim hoạt hình Việt đang “loanh quanh” với những đề tài khá quen thuộc như lịch sử, cổ tích hoặc những bài học giáo dục cho trẻ nhỏ nhưng diễn biến nội dung không nhiều, chưa có những đột phá, kịch tính trong cốt truyện. “Xem phim hoạt hình Việt người ta dễ dàng đoán được nội dung, kết quả vì thế mà thiếu sự tò mò khám phá. Các nhà làm phim đã đưa ra được những thông điệp rất nhân văn, sâu sắc nhưng tiếc là cách khai thác hơi khô cứng, chưa tạo được sự thú vị, trong khi trẻ em cần những điều gì đó hài hước, nghịch ngợm, phá cách một chút...”, nhà biên kịch này nói.

Bên cạnh đó, theo nhận định của nhiều khán giả, kịch bản phim hoạt hình Việt thường “bê nguyên xi cuộc sống”, thiếu tính sáng tạo để đẩy sự tưởng tượng tới mức hư cấu, hầu như không có tính bất ngờ, vì thế vẫn chưa hấp dẫn với khán giả thiếu nhi hay những lứa tuổi khác. Đánh giá chung về phim hoạt hình Việt hiện nay, họa sĩ, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, về phương thức thể hiện đã tiến bộ rất nhiều so với thời xưa, người xem cảm thấy mãn nhãn hơn. Thế nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là câu chuyện kể và cách kể, vẫn thấy sự lúng túng nhất định ở một số tác giả. “Tức là về tứ, về ý thì đã có còn về cách kể để làm sao cho thật sự hấp dẫn, thực sự ngọt ngào thì chưa đạt. Bên cạnh đó có một số phim sa đà vào việc minh họa chứ không phải kể chuyện bằng các chi tiết, hình ảnh ấn tượng, vì thế vẫn còn có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, tôi nghĩ là cần có quá trình chuyển đổi mạnh hơn về phương thức sản xuất, còn phương diện thể hiện cũng cần chuyển đổi về ý tưởng sáng tạo mới có được những sản phẩm như mình mong muốn”, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nói.

 Phim hoạt hình “Người anh hùng áo vải”

“Chật vật” tìm nhà đầu tư

Theo các nhà làm phim, thực tế cho thấy bên cạnh đề tài thiếu đa dạng thì một vấn đề nan giải khác chính là “chật vật” tìm nhà đầu tư. Để làm nên một bộ phim hoạt hình chất lượng thì chi phí không hề nhỏ. So với phim truyền hình, tìm được tài trợ cho phim hoạt hình Việt khó hơn rất nhiều bởi lo ngại không có đầu ra. Trong khi đó, trên thực tế nhiều tác phẩm hoạt hình nổi tiếng trên thế giới đều có sự góp mặt của đội ngũ người Việt trong các vai trò như họa sĩ, thiết kế đồ họa, kỹ thuật âm thanh...

Tuy vậy, để áp dụng các công nghệ làm phim tiên tiến của khu vực và thế giới vào thị trường phim trong nước là điều không dễ dàng... Để làm được một phim có ý tưởng, ngôn ngữ điện ảnh tốt và hấp dẫn với người xem, cả năng lực sáng tạo của người làm nghề và kinh phí sản xuất luôn là thách thức đối với các nhà làm phim Việt Nam. Theo giới chuyên môn, chi phí cho một phim hoạt hình 10 phút lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, muốn cập nhật những thiết bị mới nhất, công nghệ 3D tiên tiến nhất, cần đầu tư tiền tỉ. Do vậy, dù biết sân chơi này còn trống và béo bở, không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm, bởi rủi ro rất lớn. “Đấy là lỗ hổng và nỗi buồn của phim hoạt hình Việt mà người làm nghề cũng như công chúng đã nhận diện được từ lâu nhưng đành ngậm ngùi”, một đạo diễn cho hay.

Là người quan tâm nhiều đến dòng phim, kịch dành cho khán giả nhí, NSƯT Thành Lộc chia sẻ, “từ lúc điện ảnh còn “vàng son” ở thời bao cấp, khi Nhà nước đầu tư kinh phí, lượng phim hoạt hình sản xuất lúc này cũng còn hiếm, vì thế mà không khó hiểu vì sao hiện nay phim hoạt hình rất ít được đầu tư khi mà đa số nhà làm phim chủ yếu lao vào kiếm tiền, họ đầu tư cho phim truyện là chủ yếu vì phim hoạt hình đòi hỏi công phu lắm nhưng bán vé không được”. Theo NSƯT Thành Lộc, ở Hollywood, kinh phí cho bộ phim hoạt hình có khi còn cao hơn phim người thật đóng, chỉ cần 1 giây cho chỉnh sửa hình ảnh bằng công nghệ hiện đại đã tốn rất nhiều tiền, vì vậy phim hoạt hình Việt muốn đầu tư như xứ người phải tốn rất nhiều tiền mới có thể vực dậy được.

“Phim chúng ta hiện có đội ngũ con người làm không? Có. Họ có đủ trình độ làm phim không? Có. Nhưng không ai chịu làm. Tôi biết có rất nhiều bạn là những họa sĩ chuyên vẽ những tác phẩm hoạt hình bom tấn cho Hollywood, được đào tạo bài bản nước ngoài… Họ đau đáu muốn trở về Việt Nam để làm phim hoạt hình nhưng không có nhà đầu tư nên vì miếng cơm manh áo mà họ tiếp tục làm cho các hãng nước ngoài”, NSƯT Thành Lộc tâm tư. 

 THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top