Góc nhìn báo chí, truyền thông về xây dựng nông thôn mới

VHO- Chiều 26.12 tại Hà Nội, Văn phòng Bộ VHTTDL đã phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức tọa đàm “Góc nhìn báo chí, truyền thông về xây dựng nông thôn mới”.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã khẳng định báo chí, truyền thông có vai trò cốt lõi trong tuyên truyền, đóng góp vào sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau 9 năm, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đạt và vượt nhiều mục tiêu đề ra.

Góc nhìn báo chí, truyền thông về xây dựng nông thôn mới - Anh 1

Nhiều ý kiến đã được đưa ra thảo luận tại tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới cho rằng, tuyên truyền là một trong những công tác quan trọng để người dân đồng thuận và hiểu về các chính sách xây dựng nông thôn mới. Từ đó, nội lực của người nông dân được phát huy. Báo chí đã giúp người dân thúc đẩy nội lực của người nông dân để họ vươn lên, nỗ lực thay đổi tích cực diện mạo nông thôn thay vì đợi chờ những nguồn viện trợ bên ngoài.

Đồng quan điểm với nhà báo Hoàng Trọng Thủy, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí cho biết: “Báo chí, truyền thông đã luôn đặt người nông dân làm chủ thể kể từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Những tác phẩm báo chí đã phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân. Bên cạnh đó, báo chí trở thành cầu nối đối thoại giữa người nông dân với những người làm chính sách nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi xây dựng nông thôn mới”.

Góc nhìn báo chí, truyền thông về xây dựng nông thôn mới - Anh 2

Báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền xây dựng nông thôn mới

Tại tọa đàm, các đại biểu đã chỉ ra thực trạng một số nhà báo, phóng viên đang quá tập trung vào tuyên truyền 19 tiêu chí thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới mà bỏ qua những bài viết có hơi thở cuộc sống. Theo nhà báo Nguyễn Huân, người nông dân cũng có những tiêu chuẩn rất khắt khe khi đọc báo. Những bài báo phải nâng tầm giá trị của người nông dân. Chẳng hạn nhiều bài báo miêu tả hình ảnh người nông dân vất vả để làm ra hạt gạo, công chúng khi đọc cũng sẽ thấy được giá trị hạt gạo mà họ được hưởng thụ và sẵn sàng bỏ ra chi phí cao hơn để mua. Với nguồn chi phí đó, thu nhập bình quân đầu người tăng, tỉ lệ hộ nghèo giảm. Đây cũng là cách để báo chí khẳng định vai trò của mình trong hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc