Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Phim truyền hình Phượng khấu : “Đánh lừa” qua... quảng cáo?

Thứ Sáu 27/03/2020 | 09:35 GMT+7

VHO-  Phim cung đấu Việt Phượng khấu đã phát sóng được 3 tập đầu tiên, trái với những kỳ vọng, háo hức ban đầu, càng về sau, Phượng khấu càng bộc lộ nhiều nhược điểm khiến người xem tiếc nuối.

Một cảnh trong “Phượng khấu”

Quảng cáo... trên trời

Khai thác câu chuyện chốn hậu cung, nội dung của Phượng khấu xoay quanh cuộc đời của Phạm Hiệu Nguyệt (tức Từ Dụ Hoàng thái hậu). Bối cảnh phim diễn ra khoảng những năm 1840 - 1847. Khi trở thành phủ thiếp của Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (tức vua Thiệu Trị sau này), Hiệu Nguyệt có được sự yêu thương, sủng ái của vua nhưng đồng thời cũng nhận lấy những ganh ghét, đố kỵ của các cung phi. Sau khi trở thành phi tần của Hoàng đế, Hiệu Nguyệt tìm cách tránh xa những âm mưu đen tối, giữ cho mình bản tính thiện lương, dạy dỗ hai người con là Tĩnh Hảo và Hồng Nhậm. Nhưng những âm mưu đen tối kia vẫn không buông tha bà, khiến bà phải đứng lên, học cách tự bảo vệ mình. Cuối cùng, Hiệu Nguyệt vượt qua mọi sự ganh ghét trong chốn cung đình, đưa con trai Hồng Nhậm lên ngôi Hoàng đế (tức vua Tự Đức) và trở thành người phụ nữ quyền uy nhất triều Nguyễn trong hơn 60 năm.

Được quảng bá là phim cung đấu thuần Việt đầu tiên, lại chiếu độc quyền trên ứng dụng POPS (truyền hình internet), bộ phim đã khiến nhiều người háo hức chờ đợi. Phượng khấu thuộc thể loại dã sử, cổ trang, cung đình do ê-kíp là những người trẻ yêu sử Việt thực hiện, gồm đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và nhóm Thiên Nam Lịch đại Hậu phi. Bộ phim lên sóng từ ngày 5.3 và chiếu cố định vào 20h thứ Năm hằng tuần (45 phút/tập), quy tụ dàn diễn viên gạo cội như NSND Hồng Vân, nghệ sĩ Hồng Đào, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Minh Trang, NSƯT Ngọc Hiệp, Long Nhật,…

Thông tin từ đoàn làm phim cho biết, nội dung phim được nhóm biên kịch tham khảo ba nguồn sử liệu chính: Đại Nam Liệt truyện, Đại Nam Thực lục kỉ Thiệu Trị, Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ (về điển chế - trang phục) cùng với cố vấn lịch sử là hai nhà sử học Lê Văn Lan và Nguyễn Khắc Thuần. Ngoài ra, đoàn phim đi thực địa đến các văn bia tại Huế và tham khảo tài liệu của người Pháp,… Phượng khấu cũng tái hiện các lễ nghi, điển chế, trò chơi cung đình, ẩm thực cung đình, thơ văn, nhạc họa của triều đại nhà Nguyễn, đặc biệt là lồng ghép trong những câu chuyện đấu đá chốn hậu cung là thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến…

Từ khi công bố dự án và những trailer đầu tiên, Phượng khấu khiến người xem không khỏi tò mò và mãn nhãn với sự đầu tư khá kỹ lưỡng về mặt hình ảnh cũng như hé lộ những tấn bi kịch của số phận nhân vật. Suốt một năm chuẩn bị và đi qua nhiều ý kiến tranh luận ban đầu, đặc biệt là phần trang phục của các nhân vật - một đề tài vốn là “ca khó” của thể loại phim lịch sử - cổ trang, bộ phim càng khiến dư luận chú ý theo dõi, tuy nhiên, trên hết thì khán giả vẫn dành sự ưu ái cho bộ phim và háo hức chờ đợi ngày công chiếu.

... thực tế dưới đất

Thế nhưng, ngay từ tập chiếu mở màn, trên những diễn đàn và các trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, trong đó bên cạnh những ghi nhận về nỗ lực của đoàn làm phim, không ít khán giả cho rằng Phượng khấu làm chưa tới, kịch bản nhiều lỗ hổng, dựng cảnh 3D chưa thật, lời thoại chưa thuyết phục. Phim bị chê nhiều ở phần đài từ của diễn viên, lối diễn theo hơi hướng sân khấu kịch hơn là phim ảnh. Âm thanh của phim cũng bị đánh giá là quá đà, nhiều đoạn ồn ào, khiến mạch phim bị ảnh hưởng không ít...

Trải qua 3 tập phim, những khuyết điểm ban đầu dường như không hề được khắc phục mà còn lộ thêm nhiều hạn chế khác, một số phân đoạn khiến người xem khó chịu. Cụ thể trong tập 3, với nội dung xoay quanh những toan tính và tị hiềm của Trắc Cơ Phương Nhậm. Bắt đầu từ sự can thiệp của bà phi Hiền năm xưa, khiến cô không được nhận chiếc cúc phượng từ tay Ngài Ngự. Thù cũ, hận mới, Phương Nhậm quyết liên thủ cùng Đức Bà nhằm đánh hạ mưu đồ trở thành Hoàng Thái Phi của Hiền Phi Ngô Thị, đồng thời gián tiếp tiêu diệt cái gai lớn nhất trong mắt - Hiệu Nguyệt... Điểm nhấn trong tập này là chi tiết âm mưu phóng hỏa giết hoàng tử để vu oan giá họa. Đây có thể nói là chi tiết “tầm cỡ” nhất trong phim từ đầu đến giờ, vậy nhưng phim lại làm chưa tới. Hỏa hoạn ở hoàng cung nhưng các nhân vật chỉ biết chạy qua chạy lại mà không ai có hành động dập lửa. Trước đó, các cung nữ khi được giao chăm sóc hoàng tử thì toàn ngủ gật, người mẹ là Lương phi Đoàn Viên dễ dàng giao con cho cung nữ chăm để tiếp tục ra dự tiệc,... việc tạo tình huống để hoàng tử bị chết cháy cũng quá đơn giản, dễ đoán. Với cách xử lý này, nhiều khán giả cho rằng phim làm không thật, để cho khán giả phải tự chấp nhận sự ước lệ như trên sân khấu, nên thay vì hồi hộp, hoảng sợ, đau khổ hay căm phẫn cùng nhân vật, khán giả chỉ có cảm giác khó chịu vì thiếu logic.

Bàn về dàn diễn viên trong Phượng khấu, theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh lý giải, “Đây là thế hệ diễn viên gạo cội, có đẳng cấp về diễn xuất, đủ đảm đương các vai diễn có sức nặng là các nhân vật lịch sử...”. Thế nhưng, đi qua các tập phim, người xem bắt đầu có cảm giác mệt mỏi và tiếc nuối, bởi lối diễn quá thiên về sân khấu kịch của dàn diễn viên, mạch phim càng về sau càng bị kéo chậm đã khiến khán giả mệt mỏi. Qua 3 tập phim nhưng Phượng khấu vẫn chưa khắc họa được hình tượng các nhân vật bởi sự mờ nhạt, thiếu thần thái và điểm nhấn. Nguyên cơ Hiệu Nguyệt (Hoàng Thái hậu Từ Dụ sau này) của nghệ sĩ Hồng Đào chưa toát lên được cốt cách của bậc mẫu nghi thiên hạ. Trong khi đó, NSƯT Thành Lộc trong vai Hoàng đế Thiệu Trị nhưng chưa đủ thần thái của một vị vua, trông giống một vị quan trung hơn là hoàng đế. Theo lịch sử, Hoàng tử Miên Tông lên ngôi năm 1841, lúc này ông tầm 34 tuổi nhưng nhân vật trong phim trông như gần 50 tuổi. Vai diễn của Trắc cơ Phương Nhậm do NSND Hồng Vân đảm trách là nhân vật phản diện quan trọng trong phim cũng thiếu đi sự cay nghiệt, âm mưu và sự nghiêm túc cần thiết. Trước mỗi lần chuyển cảnh, nhạc phim được lồng rất kịch tính nhưng sau đó thì không có tình tiết gì gay cấn xảy ra khiến người xem phải hồi hộp chờ đợi rồi nhanh chóng hụt hẫng... Phượng khấu đã đi được 1/3 chặng đường trong phần đầu tiên của dự án (phần 1 có 10 tập), nhưng những gì diễn ra khiến khán giả thật sự tiếc nuối, trái với sự kỳ vọng, háo hức ban đầu. 

THUỲ TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top