Khi “vết thương không chảy máu” từ chối nhận hỗ trợ

VHO- Có tin được không, một thương binh với “vết thương không chảy máu”; một thương binh nặng nay đã 83 tuổi cho đến một cụ ông là người có công với cách mạng nay đã xấp xỉ 90 “gần đất xa trời”… đã tự nguyện viết đơn gửi chính quyền từ chối nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ với cùng một lý do: Trong lúc đất nước còn gặp khó khăn thì nhường những phần đó cho những người khác còn khó khăn hơn. Đấy cũng là cách để chia sẻ với Chính phủ. Đó là những câu chuyện có thật mà Văn Hóa đã đề cập tới trong những số báo qua, và hôm nay.

Khi “vết thương không chảy máu” từ chối nhận hỗ trợ - Anh 1

Ông Nguyễn Đình Tuyển (65 tuổi), trú tại thôn Bào Tiến, xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), thương binh hạng 4/4 viết đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để nhường cho những trường hợp khó khăn hơn

 Ngày 10.4.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-CP hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn vì Covid-19. Dự tính, trên cả nước có khoảng 20 triệu người lao động, người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch sẽ được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Thế nhưng, những người đã từng sống trong hoàn cảnh nghèo khó có lẽ hiểu rõ hơn ai hết giá trị đồng tiền và sự khốn khổ khi thiếu thốn, nên họ đã tự nguyện từ chối quyền lợi mà mình đáng được hưởng, để nhường cho những người khó khăn hơn. Những người nông dân chân lấm tay bùn ấy kiếm được đồng tiền không hề dễ dàng, nhưng họ mở rộng tấm lòng để thấu hiểu và sẻ chia, với hy vọng giảm bớt gánh nặng cho đất nước đã mệt mỏi vì oằn lưng chống dịch suốt một thời gian dài.

Cùng với những lực lượng đã và đang dốc sức trên tuyến đầu chống dịch, đã bao lần chúng ta phải rưng rưng nước mắt khi chứng kiến những câu chuyện cảm động về sự chung sức, đồng lòng của người dân trong cuộc chiến sinh tử với giặc Covid. Từ những em bé đập lợn tiết kiệm đến những mẹ già bòn mót từng mớ rau, con cá, cân gạo ủng hộ quỹ phòng, chống dịch, những siêu thị 0 đồng, cây ATM gạo, nhu yếu phẩm được các tổ chức, cá nhân phát miễn phí cho người nghèo...; rồi những tấm lòng của Việt kiều ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc, trăn trở, lo lắng, sẻ chia từ vật chất đến tinh thần với đồng bào trong cơn hoạn nạn. Và giờ đây, là những người yếu thế trong xã hội tự nguyện xin không nhận trợ cấp từ Chính phủ để nhường cho người khó khăn hơn mình đã góp thêm một điểm sáng bức tranh chung đầy sắc màu ấm áp yêu thương.

Từ chối không nhận hỗ trợ, chắc hẳn họ cũng sẽ có đôi lúc đắn đo, bởi với số tiền đó, gia đình họ có thể làm được nhiều việc, ít nhất là không phải lo cơm gạo trong giai đoạn khắc nhiệt này. Nhưng, có lẽ họ sẽ cảm thấy thanh thản và hạnh phúc với ý nghĩ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nhiều người tâm sự, họ tuy nghèo, nhưng không đến mức đói ăn, vẫn có thể trang trải được cuộc sống bằng mớ rau, quả trứng và vẫn làm ra của cải vật chất chứ chưa đến mức độ cần hỗ trợ. Rồi cứ thế người này học tập người kia và nó trở thành phong trào lan rộng ra cộng đồng.

Họ cùng có chung suy nghĩ rằng, không có lý do gì để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước trong khi mình còn khỏe, còn sức lao động. Chính vì lẽ đó, nhiều người đã viết đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ Covid-19 để “nhường cơm sẻ áo” cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. Họ cũng như đa phần con dân đất Việt, luôn tiềm ẩn trong sâu thẳm ý thức trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước, sẵn sàng chia sẻ, đóng góp khi Tổ quốc cần. Khi cả nước đang vừa gồng mình chống dịch, vừa tích cực lao động để phục hồi sản xuất kinh doanh thì những nghĩa cử đó thực sự làm lay động lòng người, tiếp thêm động lực, niềm tin vào sức mạnh đoàn kết và tình yêu thương để chiến thắng dịch bệnh.

ĐỖ HUYỀN

Ý kiến bạn đọc