Dâng hương kỷ niệm 152 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh

VHO- Ngày 13.10, tại Công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang diễn ra Lễ dâng hương kỷ niệm 152 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868 - 2020). Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lễ hội chỉ tổ chức lễ viếng và nghi thức cúng tế truyền thống hàng năm, không tổ chức các hoạt động phần hội.

Dâng hương kỷ niệm 152 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh - Anh 1

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Kiên Giang dâng hương tại Công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực vào sáng 13.10

Trước đó, vào chiều ngày 12.10, diễn ra Lễ dâng hương tại Bia tưởng niệm, nơi ghi dấu người Anh hùng dân tộc từng bị giặc Pháp hành hình vào năm 1868; lễ thắp hương của Đoàn đại biểu dân, quân chính Đảng tỉnh tại đình Nguyễn Trung Trực, nhằm thể hiện lòng tri ân, ghi nhớ công lao của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và các bậc tiền nhân có công với nước.

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực có tên thật là Nguyễn Văn Lịch (còn gọi là Quản Chơn), sinh năm 1838 tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Ông sinh ra và lớn lên trong thời điểm lịch sử nước nhà đứng trước thảm họa bị thực dân Pháp xâm lược. Với tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc, người Anh hùng dân chài Nguyễn Trung Trực đã tham gia kháng chiến, lập nhiều chiến công hiển hách. Các chiến công của ông đã được sử sách ghi nhận, được triều đình phong kiến tặng nhiều danh hiệu cao quý, được nhân dân ca ngợi; đặc biệt là hai chiến công vang dội đã đi vào lịch sử của dân tộc: Trận đốt cháy tàu Espérance trên vàm Nhật Tảo năm 1861 và năm 1868 lần đầu tiên tiêu diệt đồn lũy đầu não của giặc Pháp ngay tại tỉnh Rạch Giá.

Nhiều năm qua, Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực có sức lan tỏa ngày càng rộng, từ một lễ giỗ bình thường từ lâu đã trở thành lễ hội truyền thống, ngày càng được nâng lên về quy mô và có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới. 

Hàng năm, cứ vào ngày 26, 27 và 28.8 âm lịch, Nhân dân khắp nơi hội tụ về Di tích lịch sử - văn hóa Đình Nguyễn Trung Trực, Công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực để thành kính dâng hương tưởng nhớ, bày tỏ sự tri ân và tôn vinh đức tài, chiến công của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

THẾ HẠNH

Ý kiến bạn đọc