Bảo vệ di sản Huế trước cơn bão số 13

VHO- Chiều ngày 13.11, lực lượng chuyên môn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hoàn tất thực hiện giằng chống các công trình di tích, đảm bảo an toàn trước bão số 13 sắp đổ bộ. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có công điện khẩn yêu cầu người dân không ra đường kể từ 18 giờ ngày 14.11 đồng thời khuyến cáo nhiều nội dung thực hiện việc phòng chống bão.

Bảo vệ di sản Huế trước cơn bão số 13 - Anh 1

Di tích Nghinh Lương Đình đã được giằng chống cẩn thận phòng tránh bão số 13

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Văn Hóa, đến cuối giờ chiều ngày 13.11, các công trình di tích như Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Quan Tượng Đài, các nhà bát giác tại khu di tích danh thắng Hồ Tịnh Tâm… đã được đội ngũ cán bộ Phòng Quản lý bảo vệ, thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) hoàn tất việc giằng chống. Đây là những công trình di tích ở khu vực bên ngoài khu di sản Hoàng Cung Huế, và có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi gió bão lớn do nằm ở khu vực không gian rộng thoáng.

Bảo vệ di sản Huế trước cơn bão số 13 - Anh 2

Bảo vệ, giằng néo các hệ cột gỗ của công trình di tích

Tại di tích Phu Văn Lâu, để đảm bảo an toàn mùa mưa bão nên TTBTDTCĐ Huế đã thi công sẵn các điểm đấu nối bằng sắt ở dưới vỉa hè. Mỗi lúc trước cơn bão, lực lượng của Phòng Quản lý bảo vệ thực hiện các thao tác giằng chống các hạng mục trụ chính của di tích Phú Văn Lâu nối với các điểm néo có sẵn đó. Trong khi đó, di tích Nghinh Lương Đình ven sông Hương, lực lượng chức năng chủ yếu sử dụng dây thừng để giằng hệ thống các cột kèo bằng gỗ nối với các hạng mục bằng bê-tông của công trình; giằng néo hệ thống khung mái của di tích. Cạnh di tích Nghinh Lương Đình, nhiều thuyền rồng du lịch của Thành phố Huế đã tập trung neo đậu an toàn, phòng tránh bão số 13.

Bảo vệ di sản Huế trước cơn bão số 13 - Anh 3

Bên trong di tích Nghinh Lương Đình được giằng néo cẩn thận

Ông Dương Ngọc Minh, Phó Phòng Quản lý bảo vệ thông tin: trong ngày 13.11, lực lượng của phòng đã khẩn trương thực hiện và hoàn thành việc giằng chống ở các di tích có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi gió bão. Đơn vị đã cắt cử các nhân viên trong ngày 14.11 tiếp tục kiểm tra tất cả các điểm di tích ở khu vực Đại Nội, các lăng tẩm; qua đó, thực hiện việc đóng chốt và buộc chặt các cửa ở các điểm di tích  bằng dây thừng, thép… để đảm bảo an toàn cho di tích trước cơn bão số 13.

Ngoài ra, nhiều công trình di tích đang xuống cấp cũng đã được TTBTDTCĐ Huế tiến hành gia cố trước cẩn thận và kiểm tra thường xuyên vào trước mùa mưa bão để đảm bảo an toàn.

Bảo vệ di sản Huế trước cơn bão số 13 - Anh 4

Lực lượng cán bộ Phòng Quản lý bảo vệ thực hiện việc giằng néo ở di tích Phu Văn Lâu. Ảnh: N.Minh

Theo đại diện lãnh đạo TTBTDTCĐ Huế, để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống bão số 13, trung tâm đã yêu cầu tất cả các đơn vị, phòng ban trực thuộc phải giằng néo hệ thống cửa và ngắt toàn bộ thiết bị điện vào cuối giờ làm việc chiều nay, ngày 13.11. Trung tâm cũng yêu cầu các đơn vị và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế, Trung tâm Phát triển dịch vụ phân công lực lượng tăng cường để ứng phó bão từ ngày 14.11 cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, lưu ý trong thời gian bão đổ bộ, cán bộ nhân viên tuyệt đối không được đổi ca trực, không được đi ra ngoài.

TTBTDTCĐ Huế giao Ban Quan lý dự án đôn đốc yêu cầu các đơn vị thi công tổ chức trực công trường, hạ giải nhà bao che, hệ thống giàn giáo công trình, triển khai giằng néo cố định các chi tiết, cấu tạo đang trong quá trình thi công… Hiện nay, có 11 dự án trùng tu, bảo tồn di tích với nhiều hạng mục khác nhau ở các điểm di tích thuộc hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Bảo vệ di sản Huế trước cơn bão số 13 - Anh 5

Di tích Phu Văn Lâu đã được giằng chống để đảm bảo an toàn phòng tránh bão Vamco

Cũng trong ngày 13.11, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản thông báo khẩn về triển khai công tác ứng phó cơn bão số 13. Trong đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, dự kiến bắt đầu từ 18 giờ ngày 14.11 cho đến khi có thông báo mới của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (căn cứ vào tình hình thực tế, có thể điều chỉnh phù hợp với diễn biến thời tiết). Khẩn trương tổ chức sơ tán dân ở vùng có thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà không kiên cố… đến nơi an toàn trước 10 giờ ngày 14.11. Dự kiến, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ di dời hơn 65.890 người dân phòng tránh bão Vamco.

Bảo vệ di sản Huế trước cơn bão số 13 - Anh 6

Các thuyền rồng du lịch ở Thành phố Huế cũng tập trung ven sông Hương, dọc bến Nghinh Lương Đình tránh trú bão

Tất cả các cuộc họp không cần thiết trong ngày 14.11 buộc phải hoãn để tập trung công tác phòng chống bão. Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có văn bản thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 14.11 để đảm bảo an toàn phòng chống bão.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (bản tin lúc 17 giờ hôm nay), bão Vamco sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, trong đó dự kiến bão đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Từ sáng ngày 14.11, trên đất liền từ Hà Tĩnh đén Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng ven biển có nơi cấp 9, giật cấp 11. Bão số 13 sẽ gây mưa lớn từ ngày 14.11 đến 16.11, cụ thể: từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm, có nơi trên 350mm; ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi có mưa to 50-150mm.


SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc