Thông tin thêm dự án đường ven đầm Lập An "tan nát" sau bão: Công an vào cuộc

VHO- Chủ đầu tư khẳng định, dù công trình bị hư hại ở nhiều hạng mục nhưng do đã mua bảo hiểm nên được giám định thiệt hại, chi trả khoảng 3,6 tỉ đồng để khắc phục. Ngoài ra, việc khắc phục, gia cố mái kè ta-luy của tuyến đường phía Đông đầm Lập An sẽ tốn khoảng 7 tỉ đồng, được chủ đầu tư trích từ nguồn dự phòng của dự án.

Thông tin thêm dự án đường ven đầm Lập An

 Phần mái kè ta-luy và vỉa hè của đường phía Đông đầm Lập An bị hư hại sau bão 13 vừa qua

Dự án đường phía Đông đầm Lập An (thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) có mức đầu tư 172 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 110 tỉ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư; Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông tỉnh tư vấn thiết kế. Thông tin đến báo chí, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, các nhà thầu thi công có chứng chỉ hoạt động năng lực theo quy định. Trước khi tiến hành thi công các hạng mục đổ bê tông, hạng mục kết cấu thép đều được thí nghiệm vật liệu đầu vào, kết quả cường độ bê tông... và đạt theo đúng quy định hồ sơ thiết kế.

Có 5 nhà thầu thi công ở các hạng mục của dự án này, gồm: Công ty cổ phần 1.5 (trụ sở tại Huế); Công ty TNHH xây dựng Đồng Tâm (Huế); Công ty CP Thành An (Huế); Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đạt (Quảng Bình) và Công ty TNHH TM và XD Long Đại Thịnh (Đà Nẵng). Về việc dự án “tan nát” sau bão 13 dù cơn bão này không đổ bộ trực tiếp vào Thừa Thiên Huế, chủ đầu tư cho biết, khu vực này đã chịu ảnh hưởng của các cơn bão số 5, số 9 và số 10 nhưng không có thủy triều dâng nên công trình an toàn. Chỉ đến khi bão số 13 với thủy triều dâng cao bất thường đã khiến cho nhiều hạng mục công trình bị hư hại. Có nhiều tàu thuyền, bè gỗ được neo buộc vào lan can trước và trong bão gây va đập, làm hư hỏng nặng nề cho lan can, mái taluy đá hộc xây… Cũng theo chủ đầu tư, công trình đã hư hại hệ thống lan can loại 1 với khoảng 78%, hư hỏng vỉa hè khoảng 31% với ước tính thiệt hại khoảng 3,6 tỉ đồng. Đây là phần hạng mục xây dựng mới nên được các công ty bảo hiểm (gồm: Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo hiểm Dầu khí PVI, Bảo hiểm Hàng không) giám định và chi trả khắc phục.

Riêng phần mái kè ta-luy bằng đá hộc xây cũ bị hư hại 2km (trong tổng số 3km). Dư luận bức xúc bởi đây là công trình ven đầm phá, giáp biển và là địa phương thường hứng chịu thiên tai như Thừa Thiên Huế nhưng lại không tính toán kỹ về độ tác động của nước biển dâng. Trước hư hại của phần mái kè ta-luy đường phía Đông đầm Lập An, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu chủ đầu tư phối hợp đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu các biện pháp gia cố mái ta-luy cũ theo hướng sử dụng vật liệu, kết cấu bền vững, chịu lực tốt (bê tông, bê tông cốt thép). Đồng thời nghiên cứu giải pháp bổ sung gia cường lan can để đảm bảo khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết tương tự trong tương lai. Việc gia cố mái ta-luy có chi phí khoảng 7 tỉ đồng, được lấy từ nguồn dự phòng của dự án.

Trước thông tin này, lực lượng cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã vào cuộc điều tra, làm rõ các vấn đề liên quan đến dự án nói trên. Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, ông Phan Lê Hiến, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, đến thời điểm này, UBND tỉnh chưa nhận được thông tin về việc lực lượng công an tiếp nhận, điều tra vụ việc. Trước đó, Văn Hóa có bài “Dự án đường ven đầm Lập An với kinh phí hơn 100 tỉ đồng “tan nát” sau bão: Do sóng đánh chứ không phải do chất lượng?!” (số 3494, ra ngày 27.11.2020).

 THÙY AN

Ý kiến bạn đọc