Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Âm nhạc hàn lâm đang được mùa trái ngọt

Thứ Hai 21/12/2020 | 11:27 GMT+7

VHO- Gần đây, liên tiếp những buổi hòa nhạc lớn nhỏ diễn ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã tạo nên “cơn địa chấn” trong đời sống nghệ thuật, với những đêm diễn chật kín khán giả. Nỗ lực biến giấc mơ đưa âm nhạc hàn lâm đến gần công chúng của các nhà hát, nghệ sĩ cũng như các đơn vị tổ chức đang “gặt hái” được thành quả lớn.

Chương trình “Hòa nhạc hạnh phúc” tại Nhà thờ Lớn Hà Nội Ảnh: INTERNET

 Những tác phẩm nghệ thuật hàn lâm kinh điển của thế giới đã, đang và sẽ được dàn dựng theo nhiều hình thức mới, không chỉ giúp các nghệ sĩ có cơ hội bộc lộ tài năng, trau dồi nghề nghiệp và khán giả cũng được thưởng thức những tác phẩm thực sự có chất lượng.

“Bùng nổ” âm nhạc hàn lâm bằng nhiều hình thức mới

Những giai điệu tươi vui, ngập tràn hương vị tình yêu và hơi thở cuộc sống sẽ vang lên trong chương trình Hoà nhạc hạnh phúc lần thứ 6 (2020-2021). Chương trình sẽ diễn ra ngày 10.1.2021 tại Nhà hát TP.HCM và ngày 17.1.2021 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Toàn bộ lợi nhuận sẽ được ủng hộ cho dự án âm nhạc vì cộng đồng “Âm nhạc hạnh phúc”. Ngoài phần biểu diễn tinh hoa của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO) và nghệ sĩ độc tấu violin Bùi Công Duy, dưới sự chỉ huy xuất sắc của nhạc trưởng Honna Tetsuji, sẽ có sự góp mặt của ca sĩ opera Phạm Khánh Ngọc (giải Nhì cuộc thi thanh nhạc ASEAN) và ca sĩ Hồ Trung Dũng (2 năm liên tiếp nhận được Giải thưởng truyền hình HTV Awards). Ca sĩ Hồ Trung Dũng và ca sĩ opera Phạm Khánh Ngọc sẽ biểu diễn những bản nhạc nổi tiếng như: Cry me a river, My heart will go on, A whole new world (nhạc phim hoạt hình Aladdin), The Phantom of the Opera There you’ll be (nhạc phim Trân Châu Cảng). Hoà nhạc hạnh phúc được ra đời dựa trên ý tưởng mang âm nhạc thính phòng, một loại hình nghệ thuật cao cấp đến gần hơn với công chúng. 5 năm qua, ngoài việc mang không gian âm nhạc từ thính phòng mở rộng ra cộng đồng, chương trình còn đưa vào biểu diễn những bản nhạc có giai điệu quen thuộc với người Việt Nam.

Trước đó, 4 đêm công diễn vở nhạc kịch Những người khốn khổ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, từ ngày 21 đến 24.11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội đều “cháy” vé. Tiểu thuyết Những người khốn khổ của đại văn hào Victor Hugo đã quá quen thuộc với công chúng trong và ngoài nước. Bản chuyển thể tác phẩm thành nhạc kịch cũng được biết đến rộng rãi. Song, đây là lần đầu tiên, công chúng Việt Nam được thưởng thức Những người khốn khổ trên sân khấu bằng hình thức nhạc kịch trọn vẹn, sống động như vậy. Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cho biết, ý tưởng thực hiện tác phẩm kinh điển này hình thành từ năm 2019. Dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả mọi lĩnh vực, nhưng Nhà hát vẫn quyết tâm dàn dựng. Bởi đây là một tác phẩm đề cao tình đoàn kết, tính nhân văn và niềm tin vào tương lai của người dân trên toàn thế giới. Suốt 6 tháng qua, hàng trăm nghệ sĩ Đoàn nhạc kịch, Dàn nhạc giao hưởng của nhà hát và Dàn hợp xướng quốc tế Hà Nội đã hăng say cùng nhau xây dựng tác phẩm.

Vào tối 15.11 vừa qua, Viện Goethe Hà Nội đã mang đến cho khán giả buổi hòa nhạc mang tên Hành trình qua 4 thế kỷ âm nhạc với hình thức khá lạ. Các nghệ sĩ đã trình diễn 4 chương trình riêng biệt từ 4 thời kỳ âm nhạc khác nhau gồm: Tiền cổ điển, cổ điển, lãng mạn và hiện đại, tại 4 không gian khác nhau của Viện Goethe. Và để thưởng thức, khán giả phải di chuyển qua các khán phòng khác nhau, giống như đang di chuyển “từ kỷ nguyên này tới kỷ nguyên khác”. Vì vậy, dù vẫn là những tác phẩm kinh điển của Beethoven, Schumann... nhưng tâm thế đón nhận của khán giả có sự mới mẻ, khác lạ.

Hay, cũng với những sáng tạo theo hình thức mới, ngày 30.10, tại Không gian văn hóa Manzi, HN đã diễn ra một buổi hòa nhạc nhỏ theo hình thức cine - concert (hòa nhạc kết hợp với hình ảnh động) mang tên Song đôi. Trong đêm nhạc này, khán giả vừa được thưởng thức tiếng đàn dương cầm của nghệ sĩ Trí Minh, tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Ngô Trà My, vừa được xem những thước phim đen trắng từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Âm nhạc cùng với những hình ảnh được chiếu qua 3 ô cửa sổ tại không gian Manzi kể cho khán giả câu chuyện về những giấc mơ, về nỗi hoài nhớ, sự mong chờ và hy vọng. Sự kết hợp âm nhạc với những hình ảnh đầy hoài niệm thực sự mang đến cho người nghe rất nhiều cảm xúc.

Đã đến mùa trái ngọt

Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học đầy tính nhân văn, dựa trên bối cảnh toàn thế giới đang vật lộn đấu tranh với sự khủng hoảng của đại dịch Covid-19, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã rất thành công khi quyết định cho ra mắt vở nhạc kịch (Musical) Những người khốn khổ để đề cao tình đoàn kết và niềm tin vào tương lai của người dân trên toàn thế giới. Những người khốn khổ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam là câu chuyện về một giấc mơ tan vỡ, của tình yêu không được đáp trả, niềm đam mê, sự hy sinh và chuộc tội. Một câu chuyện lồng ghép những giá trị nhân văn giữa con người với con người của cuộc sống thực tại vào trong tác phẩm kinh điển. Từ đó, ranh giới về không gian và thời gian, ranh giới về sắc tộc và văn hoá đều bị xóa nhòa, chỉ còn lại một điều duy nhất, đó là tình người. Với sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, sự sáng tạo của ê kíp sản xuất trẻ, đã và đang học tập và làm việc trong lĩnh vực này ở nước ngoài, Những người khốn khổ của VNOB đã thể hiện một cách độc đáo, mới lạ, đặc biệt từng bước đưa nghệ thuật trình diễn Broadway lên sân khấu Việt.

Đạo diễn Nguyễn Triều Dương cho biết: “Điều khó nhất khi thực hiện vở nhạc kịch này ở Việt Nam là kỹ năng phối hợp giữa hát, nhảy và trình diễn trên sân khấu. Các nghệ sĩ Việt Nam hát Opera rất tốt nhưng lại không được học về kỹ năng trình diễn trên sân khấu. Vì vậy, toàn bộ ê kíp diễn viên của VNOB đã phải rất nỗ lực để khắc phục điểm yếu này và mang đến cho khán giả một sản phẩm nghệ thuật có chất lượng”.

Là người nhiều năm qua đã không ngừng kết hợp âm nhạc điện tử hiện đại với các loại hình nghệ thuật khác, đặc biệt là tận dụng hiệu ứng ánh sáng, hình ảnh để mang đến cho người nghe những trải nghiệm thú vị, nhạc sĩ Trí Minh cho biết, cine - concert Song đôi vừa qua tuy chỉ tổ chức với quy mô nhỏ nhưng đã thu được hơn 30 triệu đồng tiền bán vé để ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng của lũ lụt tại miền Trung. Điều này cho thấy hình thức này tuy mới lạ nhưng đã thu hút được sự quan tâm của khán giả.

Nhạc sĩ Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam từng chia sẻ, những năm trước, các chương trình hòa nhạc phải có tài trợ thì mới có thể tổ chức được. Nhưng giờ đây, số lượng các buổi hòa nhạc nhiều hơn, quy mô đa dạng hơn và đó chính là tín hiệu rõ nhất cho thấy những hoạt động “gieo mầm” âm nhạc đã có kết quả. Một lứa công chúng trẻ văn minh thưởng thức nhạc giao hưởng như một thực đơn tinh thần không thể thiếu đang dần xuất hiện. Hơn nữa, so với trước đây, âm nhạc hàn lâm không bị bó hẹp trong các dàn nhạc giao hưởng và các phòng hòa nhạc tiêu chuẩn nữa. 

 MINH HÀ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top