Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Rộn ràng Ngày hội Áo dài

Thứ Hai 21/12/2020 | 11:50 GMT+7

VHO- Tối 20.12, chuỗi sự kiện của Ngày hội Áo dài Huế 2020 khép lại với nhiều ấn tượng. Dù thời tiết bất lợi, song nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật tôn vinh áo dài truyền thống đã được cộng đồng hưởng ứng nồng nhiệt.

 Trình diễn áo dài tại Ngày hội Áo dài Huế

Chương trình Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế 2020 là chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc của tỉnh Thừa Thiên Huế dịp cuối năm. Đây cũng là hoạt động cụ thể và bước đi mở đầu cho định hướng mà tỉnh này đang xây dựng: Huế - Kinh đô Áo dài Huế - Kinh đô Ẩm thực Việt Nam.

Ngày hội Áo dài thu hút sự tham gia của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng tại Huế và các khu vực trong nước. Trong đó, không gian trình diễn áo dài được xây dựng tại tuyến phố đi bộ ven bờ Nam sông Hương. Dù thời tiết mưa rét, song đã có nhiều khán giả đến xem trực tiếp và xem qua hệ thống livestream của kênh quảng bá du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế từ mạng xã hội.

Ngoài trình diễn các bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế tại khuôn viên sân khấu; nhiều người mẫu và cộng đồng cùng hưởng ứng quảng diễn áo dài trên xe xích-lô, đi qua các tuyến đường phố chính, các điểm di tích tại thành phố Huế. Trình diễn áo dài từ truyền thống đến hiện đại, với nhiều nội dung: Áo dài với nghệ thuật, áo dài trẻ em, áo dài nữ sinh trong sinh hoạt đời thường, áo dài công sở… cùng với các chương trình biểu diễn nghệ thuật ca, múa nhạc đặc sắc. Các nhà thiết kế áo dài Quang Hòa, Trần Thiện Khánh, Đoan Trang, Ella Phan, Viết Bảo… đã giới thiệu đến công chúng những bộ sưu tập áo dài mang đậm bản sắc văn hóa Huế, tinh tế và trang nhã từ truyền thống đến hiện đại. Trong đó, đáng chú ý là bộ sưu tập áo Nhật bình và áo dài ngũ thân của nhà thiết kế Quang Hòa.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: Ngày hội Áo dài Huế đã hội tụ nhiều nhà thiết kế, nghệ nhân may áo dài với tay nghề điêu luyện. Thời gian qua, các nhà thiết kế Huế đã tiếp nối, gìn giữ giá trị áo dài truyền thống và không ngừng sáng tạo để chuyển tải những thông điệp, giá trị nhân văn cao đẹp thông qua tà áo dài Huế. Từ đó, quảng bá vẻ đẹp áo dài Huế, bản sắc văn hóa ra khắp đất nước và thế giới.

 Không gian thao diễn may đo áo dài truyền thống, trong khuôn khổ Ngày hội Áo dài Huế 2020

Tại khuôn viên trưng bày của Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao TP Huế (trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế cũ), Hiệp hội May - Thêu - Thời trang Huế cũng tổ chức không gian thao diễn các hoạt động may đo áo dài truyền thống Huế. Tại đây, Ban Tổ chức cũng trưng bày, giới thiệu đến công chúng các bộ sưu tập áo dài và phục sức thời triều Nguyễn; trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống từ các làng nghề nổi tiếng trên địa bàn.

Tham quan không gian trưng bày, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời gian tới, cần tổ chức không gian trưng bày áo dài Huế tập trung để du khách có địa điểm tham quan, may đo áo dài, phát triển áo dài thành ngành kinh tế. Ngành văn hóa, ngành giáo dục của tỉnh cũng cần có hình thức giới thiệu áo dài truyền thống, áo dài ngũ thân trong chương trình giáo dục địa phương ở bậc phổ thông để giữ gìn bản sắc Huế. Ở bậc mầm non, có thể thí điểm cho các cháu ở các lớp lớn mặc áo dài một buổi mỗi tuần.

“Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, phát động nhiều chương trình để lan tỏa nét đẹp văn hóa Huế qua trang phục Áo dài truyền thống, khẳng định Huế là cái nôi, nơi khởi nguồn của Áo dài Việt Nam”- ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Mới đây, đầu tháng 12 vừa qua, hình ảnh lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mang áo dài ngũ thân trao tặng Bằng khen “Học sinh danh dự toàn trường” cho 367 học sinh toàn tỉnh tại di tích Quốc Tử Giám đã tạo ấn tượng mạnh về công tác bảo tồn, phát huy giá trị của áo dài truyền thống. Và 367 học sinh nổi bật, xuất sắc hôm đó cũng vinh dự đồng loạt mang áo dài truyền thống. Bảo tồn và phát huy giá trị của áo dài Huế, áo dài truyền thống Việt Nam không chỉ dựa vào cán bộ công chức, những người làm văn hóa, mà còn có sự chung tay của cộng đồng và của thế hệ trẻ. 

 THÙY AN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài

Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài

VHO - Ngày 28.3, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các Sở GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài trong cơ sở giáo dục.

Chi tiết
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top