Xây dựng sản phẩm du lịch từ mô hình văn hóa truyền thống

VHO- Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện đề án Xây dựng sản phẩm du lịch từ mô hình văn hóa truyền thống do Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đưa ra.

Xây dựng sản phẩm du lịch từ mô hình văn hóa truyền thống - Anh 1

 Trích đoạn Tuồng “Châu Sáng qua sông”

 Trong buổi báo cáo nghiệm thu vừa diễn ra, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục NTBD (Bộ VHTTDL) đánh giá cao chất lượng chương trình và khẳng định chương trình đạt được những tiêu chí theo đề án.

Đề án được các đơn vị phối hợp thực hiện trong tháng 11-12.2020. Các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã nỗ lực xây dựng kịch bản, luyện tập và hoàn thành các chương trình theo đề án. “Yêu cầu đặt ra là chương trình được thực hiện phải đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức giá trị nghệ thuật của du khách, khán giả trong và ngoài nước. Buổi báo cáo thể hiện nhà hát đã đạt được những kết quả như đề án đề ra, và việc chọn nhà hát để triển khai đề án là hoàn toàn đúng”, ông Dương cho biết. Buổi báo cáo diễn ra trong thời gian 1h 30 với các trích đoạn: Châu Sáng qua sông; Đào Tam Xuân đề cờ; Kim Lân từ biệt mẹ Ôn Đình chém Linh Tá… được các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn chuyên nghiệp và gây ấn tượng mạnh. Buổi báo cáo được đoàn kiểm tra thống nhất nghiệm thu, từ đó sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp để đưa ra phục vụ khán giả là khách du lịch.

Xây dựng sản phẩm du lịch từ mô hình văn hóa truyền thống - Anh 2

 Buổi biểu diễn báo cáo nghiệm thu Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch từ mô hình văn hóa truyền thống diễn ra tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) có sự tham gia của lãnh đạo Cục NTBD và các Sở, ban, ngành liên quan

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch cho rằng, với tư cách là khán giả có thể thấy chương trình rất súc tích, ý nghĩa và lôi cuốn. Tuy nhiên ông Đức cũng góp ý, Tuồng là loại hình nghệ thuật truyền thống mang tính nghệ thuật cao, phù hợp với khách châu Âu do vậy chương trình phải xác định đúng đối tượng khán giả để phục vụ có hiệu quả, mang lại hiệu ứng cao: “Những chương trình mang bản sắc địa phương như Hồn Việt, Trầm tích sông Hàn, múa dân gian, múa Chăm… hướng đến biểu diễn cho đại chúng; còn chương trình Tuồng này phải lựa chọn thị trường, sau khi nghiệm thu Tổng cục Du lịch sẽ cùng với Cục NTBD trình lên Bộ VHTTDL để xây dựng đề án này không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở những địa phương khác”, ông Đức nói. Về phía địa phương, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng ông Cao Trí Dũng cho rằng, việc xây dựng những chương trình riêng về nghệ thuật Tuồng sẽ là điểm nhấn đặc biệt trong chuỗi sản phẩm du lịch. Ông Dũng cũng góp ý các tiết mục nên kết cấu lại cho gọn gàng, cụ thể, lựa chọn những trích đoạn ít lời thoại nhưng tăng cường các động tác nghệ thuật biểu diễn để tăng tính giải trí cho du khách.

Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch từ mô hình văn hóa truyền thống được Cục NTBD chỉ đạo và phối hợp với Sở VHTT Đà Nẵng, trong đó Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức biểu diễn. Đề án hướng đến khai thác giá trị không gian văn hóa nghệ thuật của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, như nơi trưng bày các đạo cụ Tuồng; trang phục gắn với nghệ thuật Tuồng; hình thành không gian tham quan giới thiệu các sản phẩm Tuồng với du khách; đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá các giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của dân tộc gắn với phát triển du lịch, thu hút du khách; tăng cường gắn kết các hoạt động văn hóa, phát triển du lịch bền vững giúp khai thác tốt, hiệu quả từ hệ thống cơ sở vật chất hiện có.

Sau tổng duyệt, các đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức biểu diễn phục vụ du khách (thời lượng 12 buổi), báo cáo Cục NTBD và tổ chức duy trì chương trình trong các năm tiếp theo. 

 NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc