“Nhức mắt” với cổng di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng

VHO- Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt đến tham quan di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) vào sáng 4.3 và vô cùng ngỡ ngàng khi thấy di tích đình làng mang vẻ kiến trúc của thế kỷ XVI lại được dựng thêm một chiếc cổng giống như những chiếc cổng thường được lắp ở nhiều biệt thự.

“Nhức mắt” với cổng di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng - Anh 1

Hoa văn trên chiếc cổng hoàn toàn không ăn nhập kiến trúc của di tích

Đình Tây Đằng nằm ở thôn Đông, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 50km. Ngôi đình được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2013. Đây là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, độc đáo vào loại bậc nhất ở xứ Đoài. Đình thờ ba vị Thành hoàng: Tản Viên, Cao Sơn và Quí Minh, những vị anh hùng văn hoá, biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc trong việc chế ngự thiên tai, lũ lụt và chống giặc ngoại xâm... Hình ảnh chia sẻ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình trên nhóm Đình làng Việt lập tức nhận được nhiều phản hồi, cho rằng chiếc cổng sắt đang được dựng ở đình làng Tây Đằng không ăn nhập gì với kiến trúc cổ. Chia sẻ với báo chí, họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng, chiếc cổng là một kiểu kiến trúc hoàn toàn trái với nội dung bên trong. Đáng nói là người ta thấy chiếc cổng này được dựng nhiều ở các biệt thự ngày nay. “Trong khi đó, giá trị của mỹ thuật truyền thống là không lặp lại, những điêu khắc trang trí có ở di tích này sẽ không xuất hiện ở di tích khác. Cho nên, cổng đình mới này không khác gì một thứ đồ phổ thông, phá hỏng di tích, rất nhức nhối”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình bức xúc.

“Nhức mắt” với cổng di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng - Anh 2

Cổng mới tinh tại đình Tây Đằng

Bình luận trước thông tin đăng tải của họa sĩ Nguyễn Đức Bình, họa sĩ Phạm Hà Hải viết: “Thực sự giữa lý luận và thực tế là khoảng cách khủng khiếp, thậm chí là ngược lại. Thực tiễn diễn biến quá sai với mục đích chủ trương”. Tài khoản Hoàng Tuấn Can viết: “Họ mang cả cái mốt, trào lưu nhất thời của đám đông, hoa lá Tây (giả đồng, giả vàng, giả bạc)... vào văn hóa di sản Việt”. Được biết, cổng đình mới vừa được lắp dựng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Do cổng cũ bị đổ, nhiều người dân cho gia súc vào đình gây ảnh hưởng đến nhiều hiện vật bên trong, khi có người cung tiến cổng mới, đơn vị trông coi di tích đã lắp dựng tạm thời để bảo vệ di tích.

ANH MINH, ảnh: ĐỨC BÌNH

Ý kiến bạn đọc