Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Nhọc nhằn mưu sinh nơi xóm chài lòng hồ Ia Mơr

Thứ Hai 29/03/2021 | 10:44 GMT+7

VHO-  Từ khi công trình thủy lợi Ia Mơr, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông (Gia Lai) được khởi công xây dựng đã tạo nên nguồn lợi thủy sản phong phú. Nắm bắt cơ hội đó, nhiều hộ dân ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đồ về xã vùng biên hành nghề chài lưới. Dần dà, nơi đây hình thành một xóm chài tự phát, cuộc sống của họ cứ quẩn quanh theo con nước...

Vợ chồng ngư dân Nguyễn Văn Ninh (quê Bình Phước) đang thả lưới ở lòng hồ thủy lợi la Mơr

 Trong cái nắng như đổ lửa của tiết trời tháng 3 ở miền biên viễn xã Ia Mơr, chúng tôi gặp nhóm người đủ lứa tuổi đang nằm nghỉ ngơi trên những chiếc võng dù trong căn lều tạm bợ được dựng bằng cây, xung quanh phủ bạt nằm sát mé lòng hồ thủy lợi Ia Mơr. Qua trò chuyện, họ là những người cùng thân thích, họ hàng ở tỉnh Tây Ninh đến đây để hành nghề chài lưới.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Bình kể: Quê chúng tôi ở gần Hồ Dầu Tiếng. Từ thuở nhỏ đã quen với sông nước, đánh cá mưu sinh. Cách đây hơn 5 năm, nghe đứa cháu gọi về bảo trên này nhiều cá nên chuyển cả vợ chồng con cái lên đây ở. Đói nghèo nên phải tha hương kiếm miếng ăn qua ngày. Khi mới lên, mấy gia đình cứ dựng lều ở tạm ban ngày còn đêm dong thuyền đánh cá. Dân sông nước mà, ở vậy quen rồi. Thế nhưng sau này, các cấp chính quyền qua vận động nên vào làng Khôi (xã Ia Mơr) thuê lại nhà dân ở. Phương tiện hành nghề của các ngư dân ở đây chủ yếu là thuyền được làm bằng chất liệu composite. “Mỗi chiếc thuyền ở đây có giá 9-10 triệu đồng. Chúng tôi về dưới quê mua lại rồi thuê một chiếc xe tải chở lên. Loại thuyền này phù hợp với việc đánh cá ở hồ”, ông Bình cho biết.

Theo chân các ngư dân, chúng tôi được chở ra giữa hồ nơi vợ chồng anh Nguyễn Văn Ninh (quê Bình Phước) đang thả lưới. Thấy chúng tôi, anh Ninh nở nụ cười chào khách rồi tâm sự về cuộc sống mưu sinh của mình: Gia đình tôi lên đây gần 10 năm rồi, thường thì 1 giờ chiều ra thả lưới rồi về nhà nghỉ ngơi, đến 1 giờ sáng ra kiểm tra lưới, gỡ cá cho đến 6 giờ sáng thì vào bờ. Tiểu thương sẽ chờ sẵn ở bến, cân cá và trả tiền. Bình quân mỗi ngày có thu nhập 100.000 – 200.000 đồng, hôm nào may mắn thì được khoảng 1 triệu đồng. Ở hồ này chủ yếu là cá mè, rô phi, trê, lóc, cá lăng và cá cơm. Cá lăng là đặc sản nhất, có con nặng hơn 10 kg nhưng thỉnh thoảng mới bắt được. Còn nhiều nhất là cá cơm.

Ngoài việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, nhiều hộ dân “xóm chài” đã liên kết với nhau để nuôi cá trong hồ thủy lợi Ia Mơr. Anh Phạm Văn Quân (quê Thanh Hóa) cho hay: “Chúng tôi mượn nhà bè của Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 thử nghiệm nuôi cá trê. Đợt trước, chúng tôi mua 15 kg cá giống về thả nuôi và tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Chúng tôi đã xuất bán đợt đầu tiên và đang nuôi mới. Dù đợt đầu chưa lời nhiều nhưng chúng tôi thấy nuôi loại cá này có tiềm năng”.

Theo ông Rơ Lan Chim, Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr, từ khi chặn dòng hồ thủy lợi Ia Mơr, nguồn thủy sản phong phú nên dân các nơi về đây đánh bắt cá. Từ đó, nhiều hộ dân tại chỗ cũng làm nghề đánh cá cải thiện bữa ăn và có thêm thu nhập. Một số hộ dân cũng được hưởng lợi từ việc cho ngư dân thuê nhà trọ. “Người dân xóm chài chấp hành tốt đường lối, pháp luật của Nhà nước khi đến tạm trú, đánh bắt cá tại địa phương, do đó, chúng tôi cũng tạo điều kiện cho con cái học hành. Phía xã cũng vận động họ nên thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thủy khi đánh cá trong hồ để đảm bảo tính mạng. Chúng tôi cũng có hướng phát triển nghề mới là nuôi thủy sản trong lòng hồ nhưng chưa thể triển khai vì Hồ thủy lợi Ia Mơr không thuộc sự quản lý của xã”, ông Chim nói. 

NGỌC HÒA
Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top