Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Áo dài nam đang từng bước được... “giải oan”

Thứ Tư 31/03/2021 | 17:28 GMT+7

VHO- Một đề nghị rất được giới chuyên môn quan tâm là tại nghị trường Quốc hội hôm 29.3, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đã có ý kiến về việc các Bộ, ngành nên nghiên cứu, đề xuất để Quốc hội xem xét, xây dựng và ban hành luật về Quốc phục, Quốc hoa...

 Áo dài ngũ thân trên phố

Theo đại biểu Quốc Khánh, nhiều cử tri đã thắc mắc với bà là tại sao có quy định, trong lễ tân ngoại giao, hay trong các nghi lễ nhà nước, phụ nữ mặc áo dài truyền thống còn nam giới lại mặc comple của Tây? Vì vậy, cần thay đổi các quy định để nam giới cũng được mặc áo dài truyền thống như phụ nữ. Đó là bình đẳng.

Áo dài đúng nghĩa - áo ngũ thân được sinh ra tại Huế từ nửa đầu thế kỷ XVIII, gắn liền với vai trò đặc biệt của chúa Nguyễn Phúc Khoát, tên gọi Áo dài Huế có lẽ cũng bắt đầu từ đây. Nghĩa là áo dài đã sinh ra từ Huế, tỏa sáng ở Huế, trở thành biểu trưng của một chế độ văn minh “Y quan rực rỡ”, biểu tượng cho sự thống nhất về văn hóa của một dân tộc dòng dõi con Rồng cháu Tiên. Việc xây dựng thương hiệu “Huế - kinh đô áo dài Việt Nam” thực ra là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại, và để nó tỏa sáng như vốn đã từng. Nhưng còn hơn thế, sự tỏa sáng của “Kinh đô áo dài” không chỉ là thương hiệu về văn hóa, mà còn vì sự phát triển bền vững của Thừa Thiên Huế, một vùng đất rất giàu có về di sản nhưng đang còn lúng túng giữa bảo tồn và phát triển. Vậy nhưng phục hưng áo dài không hề đơn giản!

Thời gian và những biến động lịch sử đã khiến thân phận chiếc áo dài mong manh nhiều lúc đã bị vùi lấp, bị hiểu sai một cách méo mó. Nếu chiếc áo dài nữ đã may mắn được nhìn nhận và phục hưng một cách ngoạn mục, thậm chí đã trở thành biểu tượng về vẻ đẹp trang phục của người phụ nữ Việt Nam, thì chiếc áo dài nam lại kém may mắn hơn nhiều. Cho đến nay, trong nhận thức của một bộ phận không nhỏ người Việt, áo dài nam vẫn bị gán ghép, đánh đồng với những gì được xem là cổ hủ, lạc hậu... Rất may là trong vài năm trở lại đây, áo dài nam đã từng bước được “giải oan” và được đối xử bình đẳng với áo dài nữ. Phong trào nghiên cứu, phục hồi cổ phục bao gồm cả áo dài nam và nữ, đưa di sản này vào cuộc sống đương đại đã được đông đảo giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Và Huế là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào này.

Việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Sở VHTT nghiên cứu, triển khai đề án “Huế - kinh đô áo dài Việt Nam” là phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với chủ trương “phát triển nhanh và bền vững, dựa trên nền tảng của di sản, văn hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa Huế” mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã chỉ rõ về con đường xây dựng và phát triển của Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sau gần 6 tháng triển khai thể nghiệm một phần nội dung đề án “Huế - kinh đô áo dài Việt Nam”, Sở VHTT đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ dư luận và cộng đồng. Điều đáng mừng là nếu ở giai đoạn đầu có nhiều ý kiến không đồng thuận, thậm chí phản đối khá gay gắt nhưng đến nay hầu hết các ý kiến đều đồng tình với chủ trương phục hồi quốc phục, hồi sinh di sản áo dài của Thừa Thiên Huế mà Sở VHTT là đơn vị tiên phong triển khai. Không chỉ thế, phong trào mặc áo dài truyền thống, áo ngũ thân đã và đang lan tỏa rất mạnh mẽ ra khắp nơi. Trong phạm vi tỉnh Thừa Thiên Huế, ngành văn hóa với vai trò chủ công đã đưa áo dài vào cuộc sống thường nhật, trong các lễ hội văn hóa, thể thao, lễ Chào cờ nơi công sở… Ngành giáo dục sau khi đã phổ biến áo dài nữ ở chốn học đường khối trung học phổ thông, cũng đã và đang thử nghiệm đưa áo dài nam vào trong các hoạt động quan trọng của ngành. Tại lễ tôn vinh học sinh danh dự toàn tỉnh vào tháng 12.2020, hàng trăm thầy cô giáo và các em học sinh đã mặc áo dài truyền thống tham dự lễ, tạo nên một không khí trang nghiêm và đầy bản sắc. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã trang bị áo dài cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên và sẽ sớm triển khai mặc đồng loạt khi làm việc và trong các lễ hội, bắt đầu từ tháng 3.2021...

Trên phạm vi toàn quốc, phong trào phát triển áo dài và phục hưng quốc phục cũng đang lan tỏa mạnh mẽ với vai trò của nhiều hội đoàn, tổ chức dân sự xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ. Có thể nói đó là một sự “trở lại” rất ngoạn mục. Sự lan tỏa của áo dài truyền thống đã trở thành một xu thế tất yếu khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, và đây chính là cơ hội cho công cuộc phục hưng quốc phục của người Việt.

TS PHAN THANH HẢI - Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top