Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Lần đầu tiên số hoá hàng nghìn tài liệu lưu chiểu thời kỳ Đông Dương

Thứ Tư 07/04/2021 | 15:20 GMT+7

VHO - Sáng  nay (7.4), tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt Cổng thông tin Pháp-Việt Nam: Thư viện Hoa phượng vỹ (hay còn gọi là thư viện số Pháp - Việt Nam) tại địa chỉ https://heritage.bnf.fr/france-vietnam. Đây là một trang web mới thuộc bộ sưu tập “Di sản chung”  gồm hơn 2.000 tài liệu tiêu biểu, từ các bộ sưu tập của hai thư viện quốc gia và các đối tác. Dự Lễ ra mắt có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy và các đại biểu dự lễ ra mắt Cổng thông tin Pháp-Việt Nam: Thư viện Hoa phượng vỹ

Cổng thông tin Pháp Việt Nam là kết quả hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Pháp và Thư viện Quốc gia Việt Nam, tái hiện những mối tương tác về văn hóa, lịch sử, khoa học… giữa hai đất nước từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX. Hơn 2.000 tài liệu tiêu biểu, từ các bộ sưu tập của hai thư viện Quốc gia  và các đối tác có thể tra cứu toàn văn trên trang web.

Thư viện số Pháp – Việt Nam bao gồm nhiều hình thức tư liệu: bản in, bản viết tay, bản đồ, tranh vẽ và ảnh với số lượng tương đương từ các bộ sưu tập tiếng Pháp và tiếng Việt. Di sản tư liệu này chứng thực cho lịch sử chung giữa hai quốc gia từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX (1954). Bên cạnh các tài liệu, khoảng hai mươi bài giới thiệu của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và quản lý thư viện của Pháp cũng như Việt Nam sẽ giúp hiểu rõ hơn về bối cảnh của những tài liệu có trong Thư viện số. Thư viện có thể truy cập bằng tiếng Pháp và tiếng Việt.

Tại lễ ra mắt, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga cho biết, lần đầu tiên, gần chục nghìn tài liệu lưu chiểu thời kỳ Đông Dương, từ năm 1922 đến năm 1954 đã được số hoá. Đây là bộ sưu tập tài liệu cực kỳ đa dạng: những bản dịch các tác phẩm phương Tây, các tác phẩm kinh điển của Việt Nam, những sáng tạo văn học mới, sách giáo khoa và sách kỹ thuật. Một phần bộ sưu tập được Thư viện Quốc gia  Pháp lựa chọn và tất cả sẽ có các bài giới thiệu và truy cập được trên trang web.

Họp báo ra mắt cổng thông tin Pháp-Việt Nam: Thư viện Hoa phượng vỹ

Với vai trò kết nối ký ức Pháp và Việt Nam, các tài liệu được chia vào 8 đầu mục chính. Cụ thể là: “Lưu chuyển” gồm những câu chuyện thám hiểm, hướng dẫn du lịch và bộ sưu tập phong phú các bản đồ và nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam; “Truyền thống” khắc họa các khía cạnh khác nhau trong văn hóa Việt Nam gồm phong tục, kỹ nghệ và lễ hội; “Tư tưởng và tâm linh” giới thiệu những luồng tư tưởng tôn giáo và triết học chính của xã hội Việt Nam thời bấy giờ gồm nguồn gốc phương Đông (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo…) hay nguồn gốc phương Tây (Thiên Chúa giáo và các triết lý đương thời); Mục “Văn học” cho thấy sự hình thành rộng rãi các tác phẩm văn học được xuất bản tại Việt Nam, bằng chữ Hán, chữ quốc ngữ hoặc tiếng Pháp, kinh điển hoặc sáng tác mới; Phần “Chuyển giao văn hóa” chứng tỏ sức mạnh thích ứng và chuyển đổi ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật, giáo dục và thông qua hình thành chữ quốc ngữ. Ngoài ra thư viện còn có các đầu mục: “Các triều đại và chính quyền,” “Khoa học và Xã hội” và “Đời sống kinh tế.”

Nhân dịp này, Đại sứ Nicolas Warnery chuyển lời cảm ơn tới Thư viện Quốc gia Việt Nam và tới các đối tác đã đóng góp tích cực vào thành công của hợp tác này. Đại sứ Pháp Nicolas Warnery cho hay từ năm 2009, Thư viện Quốc gia Pháp đã theo đuổi chính sách số hóa và phát huy giá trị di sản tư liệu, hợp tác với các thư viện nước ngoài. Với mục tiêu này, năm 2017 bộ sưu tập các thư viện số "Di sản chung" đã ra đời nhằm khám phá mối quan hệ giữa Pháp và các nước khác qua nhiều thế kỷ.

Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga nhấn mạnh, hai Thư viện Quốc gia Việt Nam và Pháp hiện lưu giữ những bộ sưu tập lớn nhất thế giới về Việt Nam thời kỳ thuộc địa. Cổng thông tin Pháp – Việt: Thư viện số Hoa phượng vỹ sẽ giúp các nhà nghiên cứu, học giả nói riêng và công chúng nói chung dễ dàng tiếp cận nguồn tài liệu quý báu này.

THANH NGỌC; ảnh: THUỶ LÊ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top